Châu Âu khát khoáng sản, Romania nắm 'tấm vé vàng' nhờ kho báu bị lãng quên

Nỗ lực của EU nhằm giảm phụ thuộc vào các nguyên liệu chiến lược đang hồi sinh hàng loạt dự án khai khoáng bị bỏ hoang ở Romania.

Mỏ đồng Rosia Poeini ở miền tây Romania. Ảnh: systext.org

Mỏ đồng Rosia Poeini ở miền tây Romania. Ảnh: systext.org

Đã 21 năm trôi qua kể từ khi Romania đóng cửa mỏ graphite lớn nhất châu Âu với lý do không còn hiệu quả kinh tế. Ngày nay, khu mỏ ở Baia de Fier - một xã nằm cách thủ đô Bucharest 235 km về phía tây - chỉ còn là một cảnh tượng hoang tàn với những tòa nhà đổ nát, máy móc hoen gỉ và kết cấu kim loại mục rữa. Nhưng khu mỏ tưởng chừng đã bị quên lãng này đang chuẩn bị được hồi sinh bởi công ty Muối Romania, trong bối cảnh địa chính trị toàn cầu đang thay đổi.

Theo tờ El Pais, mỏ graphite từng sử dụng khoảng 500 công nhân nay sẽ được đầu tư gần 200 triệu euro (227 triệu USD) để khởi động lại, sau khi được Ủy ban châu Âu xếp vào nhóm ba mục tiêu chiến lược tại Romania vào cuối tháng 3 vừa qua. Sáng kiến này là một phần trong chiến lược giảm sự phụ thuộc của châu Âu vào các nguyên liệu chiến lược - đặc biệt từ Trung Quốc - giữa lúc trật tự địa chính trị toàn cầu đang dịch chuyển.

Tổng cộng, Romania sẽ nhận 615 triệu euro (698 triệu USD) từ Brussels. “Khai thác graphite sẽ thúc đẩy các công nghệ trong ngành công nghiệp ô tô, chẳng hạn như pin xe điện và hệ thống lưu trữ năng lượng, cũng như trong điện tử và sản xuất máy móc” - bà Andreea Nestian, giám đốc tài chính của A3Build, một công ty tư vấn chuyên về khai khoáng, giải thích.

Hai loại khoáng sản quý khác mà EU nhắm đến để khai thác tại Romania là magiê ở Budureasa và đồng ở Rovina — cả hai đều nằm ở phía tây đất nước. “Magiê là kim loại dùng để sản xuất hợp kim nhẹ trong các ngành ô tô, hàng không vũ trụ và quốc phòng”, bà Nestian cho biết, nhấn mạnh rằng EU hiện gần như hoàn toàn phụ thuộc vào nhập khẩu magiê.

Riêng mỏ đồng ở Rovina được xem là lớn thứ hai châu Âu - theo công ty Canada Euro Sun Mining, đơn vị nắm giấy phép khai thác. Tuy nhiên, dự án khai khoáng này lại gây nhiều tranh cãi nhất. Giới bảo vệ môi trường đã thắng một số vụ kiện nhằm ngăn chặn các khoản đầu tư liên quan.

“Mặc dù không phải là khoáng chất hiếm, đồng đang ngày càng có nhu cầu cao do vai trò trong sản xuất chất bán dẫn, tuabin gió và các ngành công nghiệp như ô tô, hàng không và quốc phòng”, A3Build phân tích thêm.

“Romania có rất nhiều tài nguyên mà các nước thành viên EU có thể khai thác, nhưng chính quyền địa phương lại thiếu nhân lực và tài chính để thực hiện”, bà Nestian nhận định.

Chính phủ Romania đã thông báo với Brussels rằng nước này sở hữu nhiều nguồn kim loại khác như titan, boron, thạch anh, phốt pho, germani, tungsten, gallium và đất hiếm, nhằm tranh thủ thêm hỗ trợ tài chính.

“Chúng đều quan trọng và không thể tách rời”, Bộ trưởng Kinh tế Romania Bogdan Ivan khẳng định.

Theo ông Ivan, những khoáng sản này có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực: từ hàng không vũ trụ, điện tử, thiết bị y tế, đến pin mặt trời và máy tính xách tay. Chúng cũng rất quan trọng với công nghệ bán dẫn, truyền thông di động, GPS, internet, cáp quang, tự động hóa và điện tử. Bộ Kinh tế Romania đặc biệt nhấn mạnh vai trò của hai loại nguyên liệu thiết yếu: đất hiếm và titan, nhất là trong công nghiệp quốc phòng.

“Chúng tôi đang khai thác và chế biến hàng chục nghìn tấn nguyên liệu thô thiết yếu cho các ngành công nghiệp tương lai”, Bộ trưởng Ivan nói. Hiện có 13 giấy phép khai thác hợp lệ đối với khoáng sản kim loại và chất thải từ khai thác mỏ ở Romania.

Tuy nhiên, thời điểm khai thác vẫn chưa được xác định cụ thể. Chính phủ Romania dự kiến sẽ đệ trình dự án khai thác lên Ủy ban châu Âu trong quý III năm nay. Các chuyên gia cảnh báo rằng sự hỗ trợ từ bên ngoài sẽ là yếu tố then chốt. Nhiều công nhân cũ đã nghỉ hưu hoặc ra nước ngoài tìm việc. Trong khi đó, khoa khai khoáng duy nhất của Romania hiện chật vật tuyển sinh vì giới trẻ không còn mặn mà với một ngành công nghiệp đã suy tàn từ sau khi Liên Xô cũ sụp đổ.

“Chúng ta sẽ cần rất nhiều đầu tư và lao động lành nghề”, bà Nestian kết luận.

Thu Hằng/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/chau-au-khat-khoang-san-romania-nam-tam-ve-vang-nho-kho-bau-bi-lang-quen-20250508113446789.htm
Zalo