Thư pháp - Nét chữ ngày xuân
Tết đến xuân về, người ta hay nhắc đến câu thơ trong bài thơ “Ông Đồ” của nhà thơ Vũ Đình Liên đầu thế kỷ 20: “Mỗi năm hoa đào nở/ Lại thấy ông đồ già/ Bày mực Tàu, giấy đỏ/ Bên phố đông người qua”. Đây là phong tục đẹp có từ nghìn năm trước ở Trung Hoa và Việt Nam. Đó là xin chữ “thánh hiền” của đạo Nho. Người viết chữ, cho chữ, tặng chữ chính là những bậc trí thức hàng đầu của miền đất từng đỗ đạt khoa bảng hay các vị văn hay chữ tốt nổi tiếng. Lịch sử từng có những bậc thư pháp nổi tiếng Trung Hoa: Vương Hy Chi, Tống Huy Tông, Tô Thức … hay Lý Nhân Tông, Cao Bá Quát, Tùng Thiện Vương (Việt Nam). Chữ của họ đều là kiệt tác được lưu giữ như bảo vật muôn đời. Chính vì thế, các vị quân vương cũng làm theo: ban chữ cho thần dân để in trên miếu mạo, đình chùa, hang động hoặc cung điện, nổi danh như Khang Hy, Gia Long triều Thanh hay thời Trịnh - Nguyễn có Trịnh Sâm, Minh Mệnh, Thiệu Trị, Tự Đức…
![Một tác phẩm thư pháp của Hà Huy - Nha Trang.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_435_51353903/b0107be6baa953f70ab8.jpg)
Một tác phẩm thư pháp của Hà Huy - Nha Trang.
Từ việc hiếm quý, dần dần người dân cũng muốn có chữ treo trong nhà để lấy hên dịp đầu xuân nên các nhà nho học đành đáp ứng. Xưa đến xin chữ thầy mới có. Khi đô thị hóa thì các ông đồ tiếp cận với cuộc sống ra phố bày mực Tàu giấy đỏ bán chữ kiếm tiền là điều tự nhiên. Giai đoạn cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20, việc làm này nở rộ nhất là vốn là chốn kinh thành xưa như Thăng Long - Hà Nội nên mới có bài thơ “Ông Đồ” nổi tiếng như ta biết.
Bẵng đi một thời gian dài hơn nửa thế kỷ đất nước chiến tranh gian khổ, phong tục này tưởng quên lãng không ai nhắc. Mãi đầu thập niên 90 mới quay lại nhưng việc có một ông đồ viết chữ Hán rành rẽ là rất khó. Người ta hay nhắc đến các “tứ trụ” thư pháp nổi tiếng thập niên 80-90 thế kỷ trước ở Hà Nội có: Lê Xuân Hòa, Nguyễn Văn Bách, Lại Cao Nguyện và Cung Khắc Lược. Các vị này những dịp mùa xuân ở sân đình Văn Miếu - Quốc Tử Giám viết chữ tặng cho du khách… Rất tiếc thời gian trôi đi, các vị về với cánh hoa đào để lại khoảng trống mênh mông về thư pháp. Trong cái khó ló cái khôn, phong trào yêu, tôn vinh tiếng Việt người ta chuyển sang viết thư pháp bằng tiếng Việt. Bạn đầu việc làm này không được giới thư pháp truyền thống công nhận. Vì theo họ chữ thư pháp phải là Hán Tự mới chuẩn. Nét bút lông, mực Tàu vốn cho chữ Hán, chuyển sang chữ La tinh quốc ngữ thì không ổn. Tuy nhiên thời đại mới đã chinh phục mọi người, từ đây xuất hiện rất nhiều nhà thư pháp chữ Việt và như ngày nay ở đâu cũng có “ông đồ, bà đồ” trẻ đem lại niềm vui cho công chúng. Họ sáng tác tuy viết chữ Việt - La tinh nhưng vẫn giữ nét theo Hán tự nên tạo điểm nhấn tạo hình rất quyến rũ mê hoặc không kém gì với thư pháp cổ điển.
Với thư pháp Việt, thực sự là một trào lưu văn hóa mới đem lại một tinh thần mới, không ai còn băn khoăn về điều này. Nhờ nét tài hoa, tâm hồn và khí thế mới, các nhà thư pháp Việt đã đem lại những tác phẩm hoàn mỹ để treo lưu nơi trang trọng ở nhà mình.
![Thư pháp của họa sĩ Lê Hòa - Nha Trang](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_435_51353903/a4a71951d81e3140680f.jpg)
Thư pháp của họa sĩ Lê Hòa - Nha Trang
Những dịp Tết đến xuân về ở Nha Trang, công chúng và du khách thường gặp các nhà pháp trẻ có thể kể đây: Như Hoài, Lê Hòa, Hà Huy… Như Hoài vốn là nhà thơ đến với thư pháp hơn 10 năm khi chị còn ở Phan Rang - Tháp Chàm, khi quay lại Nha Trang sinh sống chị luôn coi thư pháp là niềm say mê nên chị hay đem ngòi bút của mình đến với công chúng. Nét thư pháp của Như Hoài rất uyển chuyển với điểm nhấn vừa mềm mại vừa dứt khoát. Chị hay kết hợp chữ với tranh thủy mặc để làm tác phẩm có giá trị trang trí, chúng ta gặp Như Hoài ở công viên bờ biển quảng trường 2-4. Còn Lê Hòa vốn là nhà thiết kế kiến trúc nội thất nhưng thư pháp đến với chị như một cơ duyên cách đây 5 năm với người thầy ở chùa. Vốn là họa sĩ nên nét chữ của Lê Hòa đặc trưng là một tác phẩm tạo hình chữ rất ấn tượng. Lê Hòa thường đến với công chúng ở Hội hoa xuân, các điểm du lịch lớn ở Nha Trang với hình ảnh cô đồ xinh đẹp rạng rỡ, nét bút “rồng bay phượng múa”.
![Thư pháp của Như Hoài - Nha Trang.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_435_51353903/f11b54ed95a27cfc25b3.jpg)
Thư pháp của Như Hoài - Nha Trang.
Có lẽ trong các nhà thư pháp trẻ ở Nha Trang thì Hà Huy đúng nghĩa là “ông đồ”. Huy đến với thư pháp 13 năm qua và say mê nó như một sản phẩm văn hóa cổ truyền. Huy bày tỏ, dù du học và định cư ở Mỹ những cứ đến Tết là anh lại về quê hương Nha Trang để hóa thân thành ông đồ trên phố. Do được học bài bản và nghiên cứu sâu từ các bậc tiền bối nên nét bút của Hà Huy là tác phẩm có sự nhấn nhá điêu luyện, có nét cọ cổ truyền nên chữ có hồn. Huy ước ao có nhiều bạn theo con đường này nên ở đâu Huy cũng cố gắng khơi gợi và dạy các bạn nhỏ tham gia. Tết Ất Tỵ này Huy lại mở “lều” trên hè phố trước trường Thái Nguyên. TP. Nha Trang.
![Họa sĩ Lê Hòa biểu diễn viết thư pháp ở khu du lịch ngày xuân.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_435_51353903/e0794d8f8cc0659e3cd1.jpg)
Họa sĩ Lê Hòa biểu diễn viết thư pháp ở khu du lịch ngày xuân.
![Như Hoài biểu diễn viết thư pháp ở Quảng trường 2 tháng 4, TP. Nha Trang.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_435_51353903/de6c499a88d5618b38c4.jpg)
Như Hoài biểu diễn viết thư pháp ở Quảng trường 2 tháng 4, TP. Nha Trang.
Có thể nhắc thêm nhiều họa sĩ chơi thư pháp đạt đẳng cấp như Trần Quốc Ẩn - nhà kỷ lục thư pháp Việt Nam với nhiều tác phẩm nổi tiếng như “Nhật ký trong tù”, “Hoa Lư thi tập”, “Thi Vân Yên Tử”; Lê Vũ - họa sĩ tài hoa biến chữ thành chân dung, phong cảnh kèm theo dòng thơ thư pháp rất quyến rũ: Nguyễn Sanh họa sĩ vẽ tranh thêm dòng chữ thư pháp trích từ ca từ, thơ làm cho tranh đẹp hẳn lên.
![Hà Huy giao lưu thư pháp với các em học sinh trường Tiểu học Phước Tiến, TP. Nha Trang.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_01_28_435_51353903/d1bc494a8805615b3814.jpg)
Hà Huy giao lưu thư pháp với các em học sinh trường Tiểu học Phước Tiến, TP. Nha Trang.
Cùng với mây trời, hoa tươi, những dòng thư pháp của các “ông đồ” hiện đại đã góp phần tô điểm sắc hồng của mùa xuân.
LÊ ĐỨC DƯƠNG