Thay đổi thói quen, xây dựng xã hội văn minh
Các Chỉ thị, Công điện của Thủ tướng Chính phủ ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 như một lời nhắc nhở, đồng thời thúc giục mọi người nhanh chóng bắt tay vào công việc, khởi đầu năm mới với tinh thần hăng say, trách nhiệm để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Ngay những ngày đầu Xuân Ất Tỵ, Thủ tướng Chính phủ đã có Chỉ thị số 03/CT-TTg đôn đốc thực hiện nhiệm vụ trọng tâm sau kỳ nghỉ Tết; Công điện số 09/CĐ-TTg yêu cầu các bộ ngành, địa phương bảo đảm thực hiện nếp sống văn minh, an toàn, tiết kiệm trong các hoạt động lễ hội xuân. Đã từ nhiều năm nay, sau Tết Nguyên đán, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đều có văn bản chỉ đạo với nội dung nghiêm cấm sử dụng xe công đi lễ hội; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động không tổ chức du xuân, chúc Tết trong giờ làm việc; đồng thời đốc thúc mọi người nhanh chóng bắt đầu công việc… Điều này cho thấy tinh thần quyết liệt, trách nhiệm, không để chậm trễ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Sau một năm dài làm việc, Tết là dịp để mọi người tạm gác lại gánh nặng cơm áo, để gặp gỡ, đoàn viên, chia sẻ niềm vui bên gia đình, bạn bè. Đó là khoảng thời gian để bù đắp những tháng ngày vất vả, bận rộn. Những cuộc tụ họp, hội ngộ đầu năm không đơn thuần là dịp nghỉ ngơi, mà còn là cơ hội để khơi lại những mối quan hệ đã dần trở nên xa cách giữa cuộc sống hối hả thường nhật. Trong mỗi nụ cười, mỗi cái bắt tay, người ta như tìm kiếm cho mình một điểm tựa tinh thần, nguồn động lực để bước vào năm mới.
![Nếu biết tận dụng sáng tạo, các lễ hội xuân có thể trở thành động lực thúc đẩy phát triển. Ảnh: Nhật Minh](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_07_592_51415713/c4a8699151dfb881e1ce.jpg)
Nếu biết tận dụng sáng tạo, các lễ hội xuân có thể trở thành động lực thúc đẩy phát triển. Ảnh: Nhật Minh
Những nét đẹp truyền thống ấy càng trở nên sống động khi người dân tìm đến các thiết chế tâm linh như đình, đền, chùa để cầu an, cầu may. Cùng với những lễ hội đầu xuân rộn ràng khắp nơi từ thành thị đến nông thôn, không khí phấn khởi như lan tỏa, khích lệ rằng năm mới sẽ mang đến những điều tốt đẹp, khởi đầu mới mẻ và đầy hứa hẹn. Tất cả những điều ấy đã góp phần tạo nên bức tranh văn hóa đặc sắc của người Việt, nơi mà truyền thống và hiện đại giao hòa.
Tuy nhiên, bối cảnh xã hội thay đổi, chúng ta phải nhìn nhận lại những giá trị cốt lõi của cuộc sống, thì câu chuyện “tháng Giêng là tháng ăn chơi” cũng cần được suy ngẫm một cách thấu đáo hơn. Chúng ta đang quyết tâm phát triển đất nước, việc duy trì “tháng Giêng là tháng ăn chơi” không còn phù hợp. Một xã hội công nghiệp hiện đại đòi hỏi tác phong làm việc nghiêm túc, kỷ luật và không thể để những thói quen không phù hợp cản trở bước tiến chung của cả quốc gia, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế ngày càng gay gắt. Dù có những tín hiệu tích cực trong bảng xếp hạng quốc tế, nhưng chúng ta không nên chủ quan, tự mãn mà phải biết nhìn nhận và tự thay đổi, cải tiến, để mỗi hành động của mình đều góp phần xây dựng một nền văn minh hiện đại, tác phong làm việc công nghiệp và văn hóa bền vững.
Có người cho rằng, “tháng Giêng ăn chơi” chính là nguyên nhân gây nên sự trì trệ, làm suy giảm năng suất lao động. Một số ý kiến thậm chí đề xuất gộp Tết ta vào Tết tây nhằm giảm bớt không khí “nghỉ ngơi” quá đà. Tuy nhiên, với tư cách là một người làm việc trong lĩnh vực văn hóa, tôi không đồng tình với những đề xuất như vậy. Tết của người Việt không đơn thuần là dịp nghỉ ngơi sau năm dài vất vả, mà còn chứa đựng bao giá trị truyền thống, là nơi chúng ta khẳng định và củng cố bản sắc văn hóa dân tộc. Nếu biết tận dụng một cách sáng tạo những lợi thế của Tết hay các lễ hội xuân, thì thay vì là rào cản, chúng hoàn toàn có thể trở thành động lực thúc đẩy phát triển đất nước.
Dù vậy, thói quen “nghỉ ngơi” quá đà, sự trì trệ trong khởi động công việc sau Tết chính là điều chúng ta phải nhanh chóng thay đổi. Khi đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới với nhiều thách thức mới, mỗi người dân cũng phải làm mới bản thân, thay đổi thói quen cũ không còn phù hợp. Chỉ thị 03/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 như một lời nhắc nhở, cũng là lời thúc giục mọi người tập trung vào nhiệm vụ trọng tâm, khởi đầu năm mới với tinh thần hăng say, trách nhiệm để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước.
Hy vọng rằng, trong kỷ nguyên mới, với niềm tin và quyết tâm không ngừng, mỗi người dân sẽ tự giác thay đổi những hành vi văn hóa không còn phù hợp, từ đó góp phần xây dựng một xã hội hiện đại, văn minh và năng động. Quản lý văn hóa không chỉ là nhiệm vụ bảo tồn những giá trị truyền thống, mà còn là việc lựa chọn, định hướng những thói quen đúng đắn làm chiếc la bàn soi đường cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đó chính là lời khẳng định cho một Việt Nam giàu mạnh, phồn vinh và hạnh phúc; một Việt Nam luôn biết tự hoàn thiện và không ngừng vươn lên!