Thu nhập khá từ mô hình cải tạo vườn tạp

Rời quân ngũ trở về quê hương, ông Nguyễn Đức Tri (sinh năm 1959), ở thôn Tân Kiên, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị đã nhanh chóng bắt tay vào phát triển kinh tế gia đình. Nhờ biết lựa chọn các loại cây trồng phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng tại địa phương, gia đình ông từng bước vươn lên làm giàu chính đáng.

Ông Tri chăm sóc vườn hoa màu của gia đình -Ảnh: T.P

Ông Tri chăm sóc vườn hoa màu của gia đình -Ảnh: T.P

“Phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, ông Tri đã vượt lên khó khăn để phát triển kinh tế gia đình, nuôi dạy con cái trở thành những công dân có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, ông luôn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của địa phương, của hội. Ông là một trong những tấm gương điển hình làm kinh tế giỏi, vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng để các cựu chiến binh (CCB) khác học tập và làm theo”, Chủ tịch Hội CCB xã Triệu Ái Phan Văn Hợi nhận xét khi đưa chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của hội viên mình.

Xuất hiện trước mắt chúng tôi là ngôi nhà khang trang, kiên cố cùng khu vườn tươi tốt, trĩu quả. Đây là thành quả sau nhiều năm chăm chỉ lao động của vợ chồng ông Tri. Xuất thân trong một gia đình thuần nông nghèo khó lại được rèn luyện qua quân ngũ, vì vậy, ông luôn có ý chí, quyết tâm vươn lên để cuộc sống bớt vất vả hơn. Năm 1982, phục viên trở về với đôi bàn tay trắng, ông bắt tay lập nghiệp với nghề truyền thống của gia đình là trồng lúa nước.

Tuy nhiên, sau vài năm hiệu quả kinh tế không đạt như mong đợi nên ông Tri tìm tòi chuyển đổi sang các loại cây trồng khác. “Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy hồ tiêu là loại cây phù hợp phát triển ở vùng gò đồi. Với số vốn ít ỏi có trong tay, tôi đi chặt cây trồng trụ và đầu tư trồng khoảng 3 sào tiêu. Cũng nhờ nguồn thu từ cây tiêu, sau này vợ chồng tôi mới có thêm kinh phí mở rộng việc trồng trọt trên mảnh vườn của mình”, ông Tri bộc bạch.

Để đạt hiệu quả cao trong sản xuất, ông tích cực học hỏi kinh nghiệm qua các phương tiện thông tin đại chúng và một số hộ dân trong và ngoài xã tiếp tục chuyển đổi cây trồng. Bỏ ra bao mồ hôi, công sức, đến nay, gia đình ông có 2 ha rừng tràm, trong diện tích đất vườn, ngoài tiêu ông còn trồng đa dạng các loại cây như: thanh long 100 gốc; sim rừng 4,5 sào; chanh 70 gốc; dứa xen lẫn với các loại cây rau màu, cây ngắn ngày theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài” để tăng thêm thu nhập.

Theo ông Tri, làm nông nghiệp hiện nay cần khoa học, am hiểu thổ nhưỡng và đặc điểm của từng loại cây trồng. Bởi vậy, ngay từ đầu, ông phân loại cây trồng thành từng khu vực riêng, ở giữa có lối đi rộng để tiện chăm sóc, bón phân, thu hoạch quả. Nhờ chăm sóc tốt, đúng quy trình kỹ thuật nên vườn cây của gia đình ông đạt sản lượng cao, chất lượng sản phẩm thơm ngon, được người dân địa phương ưa chuộng.

Giới thiệu cho chúng tôi về 4,5 sào sim rừng của gia đình, ông chia sẻ: cây sim rừng là loài cây bụi, rất ưa sáng, chịu được điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có thể phát triển ngay cả trên đất cằn cỗi. Sau khi trồng, gia đình ông chủ yếu tập trung làm cỏ, bón phân nên cây sinh trưởng nhanh và cho thu quả. Sim ra hoa vào khoảng tháng 4 - 5 và chín vào khoảng tháng 7, thời gian thu hoạch kéo dài trong 3 tháng.

Ông Tri cho biết: “Vụ sim vừa qua, nhà tôi bán ra thị trường khoảng 40.000 đồng/sim thành phẩm. Sim rừng không mất nhiều công chăm sóc, lại cho quả nhiều. Quả sim có thể được sử dụng để chế biến các sản phẩm đa dạng như rượu sim, mứt sim, siro sim, nước giải khát từ sim nên hiệu quả kinh tế tương đối cao”.

Ngoài trồng trọt, trước đây vợ chồng ông còn phát triển chăn nuôi với số lượng lớn gà, ngan, trâu, bò. Cũng nhờ đó mà ông Tri có thêm điều kiện chăm lo cho con cái học hành đến nơi, đến chốn. Vài năm nay, sức khỏe không còn được như trước nên vợ chồng ông chỉ tập trung phát triển vườn cây của mình. Trung bình mỗi năm, mô hình kinh tế này mang lại cho gia đình ông Tri nguồn thu khoảng 220 triệu đồng.

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông còn là người hòa đồng, gần gũi, luôn sẵn sàng giúp đỡ vốn, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với người dân, đặc biệt là hội viên CCB khó khăn trên địa bàn. Với sự năng động trong phát triển kinh tế và làm giàu, sự năng nổ trong các phong trào xã hội, ông Tri nhiều lần được địa phương và hội CCB các cấp ghi nhận, khen thưởng.

“Khi còn trẻ, tôi đã cống hiến trí và lực để đánh đuổi quân thù; phát triển kinh tế gia đình, nuôi con ăn học. Giờ lớn tuổi rồi, tôi lấy công việc trồng trọt, chăm bẵm vườn cây làm thú vui. Không mong gì hơn ngoài sức khỏe, bởi còn sức khỏe là còn có thể góp sức xây dựng quê hương”, ông Tri nói.

Trúc Phương

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/thu-nhap-kha-tu-mo-hinh-cai-tao-vuon-tap-190164.htm
Zalo