Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân: 'Ngàn năm vẫn đỏ tim son anh hùng'

Cách đây 150 năm, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân đã anh dũng, kiên cường cùng nghĩa binh chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược trong những năm giữa thế kỷ XIX và hy sinh một cách đầy khí phách. Ông là người con ưu tú của quê hương Tiền Giang, là anh hùng sống mãi cùng dân tộc với câu ca dao nổi tiếng được nhân dân ca ngợi 'Một lòng đền nợ nước non/ Ngàn năm vẫn đỏ tim son anh hùng'.

“BA LẦN” ĐÁNH GIẶC GIỮ ĐẤT

Nguyễn Hữu Huân sinh năm 1830 ở làng Tịnh Hà, huyện Kiến Hưng, tỉnh Định Tường (nay là xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang). Ngay từ nhỏ, ông nổi tiếng thông minh, học giỏi. Năm 1852, dưới triều vua Tự Đức, ông đỗ Thủ khoa kỳ thi Hương tại Gia Định nên Nguyễn Hữu Huân thường được gọi là “Thủ khoa Huân”.

Chân dung Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân. Ảnh: Tư liệu

Chân dung Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân. Ảnh: Tư liệu

Tháng 2-1859, thực dân Pháp đem quân đánh hạ thành Gia Định. Lúc này, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân đang phụ trách việc học hành, thi cử ở Kiến Hưng, với chức Giáo thụ. Chứng kiến cảnh nước mất nhà tan, giữa năm 1859, Nguyễn Hữu Huân từ bỏ chức Giáo thụ, ông hợp lực với Võ Duy Dương chiêu mộ nghĩa dũng, liên kết với các nhà yêu nước đứng lên phất cờ khởi nghĩa.

Cuộc khởi nghĩa do Nguyễn Hữu Huân và Võ Duy Dương lãnh đạo đã thu hút được đông đảo nông dân và các tầng lớp nhân dân khác tham gia kể cả phú hào. Và tầng lớp này là nguồn cung cấp tài chính, lương thực quan trọng cho nghĩa quân, như bá hộ Trần Văn Học - một người rất giàu có ở Bình Cách, cha vợ của Võ Duy Dương và là thông gia với Nguyễn Hữu Huân.

Ngoài ra, cuộc khởi nghĩa của 2 ông còn có sự phối hợp chiến đấu chặt chẽ với nhiều thủ lãnh nghĩa quân khác, như Trương Định ở Tân Hòa (Gò Công), Trần Xuân Hòa ở Mỹ Quý (Cai Lậy), Bùi Quang Diệu (Quản Là) ở Cần Giuộc (Long An)… đã đánh thắng nhiều trận, gây cho địch nhiều khó khăn.

Hằng năm, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đều đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tại Đền thờ của ông tại xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo.

Hằng năm, lãnh đạo tỉnh Tiền Giang đều đến dâng hoa, thắp hương tưởng niệm Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tại Đền thờ của ông tại xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo.

Đầu năm 1862, bị giặc đánh úp, ông bị bắt giải về Sài Gòn; mặc cho giặc Pháp dùng mọi cách để mua chuộc, dụ dỗ, nhưng ông kiên quyết từ chối, tìm cách trốn thoát và trở về kháng chiến. Với tinh thần yêu nước nồng nàn, kiên quyết đánh giặc giữ đất, tháng 7-1862, ông đến căn cứ Tân Hòa (Gò Công) bàn việc thống nhất lực lượng nghĩa quân với Trương Định nhằm nâng cao sức mạnh chiến đấu chống giặc Pháp xâm lược. Tại đây, ông nhận chức Phó Đề đốc do vua Tự Đức ban cho.

Tháng 2-1863, sau khi căn cứ Tân Hòa thất thủ, ông và Võ Duy Dương chiêu mộ nghĩa quân, phất cờ khởi nghĩa lần thứ hai. Căn cứ chính được đặt tại thôn Bình Cách, tổng Thanh Quơn, huyện Kiến Hòa (nay thuộc xã Tân Bình Thạnh, huyện Chợ Gạo).

Tổng hành dinh tọa lạc tại nhà của Đỗ Tường Kiên. Đó là một ngôi nhà cổ có tất cả 36 cửa kiên cố, chung quanh có ba lũy tre và hào rộng bao bọc. Ông còn nhận nhiệm vụ mang tiền quyên góp của nhân dân sang các tỉnh Vĩnh Long, An Giang và Hà Tiên mua vũ khí để trang bị cho nghĩa quân.

Trước sự lớn mạnh của nghĩa quân, giữa năm 1863, giặc Pháp huy động một lực lượng hùng hậu tấn công căn cứ Bình Cách. Nguyễn Hữu Huân đã chỉ huy nghĩa quân chiến đấu rất anh dũng, khiến địch phải rất vất vả mới chiếm được căn cứ này. Để bảo toàn lực lượng, Nguyễn Hữu Huân cho rút quân lên vùng Thuộc Nhiêu, tiếp tục chiến đấu, lưu động đánh Pháp nhiều trận ở Cái Thia, Cái Bè, Cai Lậy, Rạch Gầm, Trung Lương, Tân Lý…

Cuối năm 1863, thực dân Pháp tung lực lượng tấn công Thuộc Nhiêu. Nghĩa quân phải rút vào Đồng Tháp Mười, xây dựng căn cứ mới. Theo sự phân công giữa ông với Võ Duy Dương; ông sang An Giang - nơi còn thuộc quyền kiểm soát của triều đình - để tuyển mộ nghĩa quân và vận động nhân dân, kể cả triều đình, ủng hộ, đóng góp tiền của, vũ khí, lương thực cho cuộc kháng chiến.

Thế nhưng, do áp lực của thực dân Pháp, tháng 7-1864, quan Tổng đốc An Giang là Phan Khắc Thận đã hèn nhát bắt ông giao nộp cho quân giặc. Một tháng sau, ông bị chính quyền thực dân kết án khổ sai chung thân, đày đi Cayenne (thuộc địa của Pháp ở Trung Mỹ).

Tháng 2-1869, ông được thả về nước và bị quản thúc tại nhà của Đỗ Hữu Phương ở Chợ Lớn. Chúng lại tìm mọi cách dụ dỗ, mua chuộc ông nhưng không thành. Lúc này, những “cộng sự” của Nguyễn Hữu Huân - các thủ lĩnh nghĩa quân lừng lẫy: Trương Định, Võ Duy Dương... đều đã hy sinh, Thủ khoa Huân vẫn kiên trì, bền bỉ một lòng đánh giặc giữ đất, tìm cách liên lạc với những người yêu nước và mưu tính phát động một cuộc khởi nghĩa lần thứ ba.

Tượng đài Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tại Công viên Lạc Hồng (phường 1, TP. Mỹ Tho). Ảnh: Anh Phương

Tượng đài Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân tại Công viên Lạc Hồng (phường 1, TP. Mỹ Tho). Ảnh: Anh Phương

Năm 1872, ông thoát về Mỹ Tho, Chợ Gạo và cùng với Âu Dương Lân nổi lên khởi nghĩa. Từ đây, phong trào chống Pháp do ông đứng đầu lan tỏa mạnh mẽ khắp vùng Mỹ Tho, Chợ Gạo, Tân An (nay thuộc tỉnh Long An), Chợ Lớn (nay thuộc TP. Hồ Chí Minh)…

Thủ lĩnh ở nhiều nơi cũng tham gia phong trào, như Nguyễn Văn Chất ở Vĩnh Long, Lê Công Thành, Phan Văn Đồng, Lâm Lễ ở Cần Thơ... Có thể nói, một hệ thống của lực lượng kháng chiến đã được xây dựng tại nhiều thôn xã, nhất là ở Mỹ Tho và Chợ Gạo.

Cuối năm 1874, thực dân Pháp huy động một lực lượng hùng hậu, từ nhiều hướng tấn công căn cứ Bình Cách. Nghĩa quân kháng cự vô cùng quyết liệt; nhưng do thế giặc quá mạnh, sau đó phải tan rã. Ông bị sa vào tay giặc lần thứ ba, giặc Pháp giam ông ở nhà ngục Mỹ Tho, hết tra tấn dã man lại giở trò mua chuộc, nhưng vẫn không làm lung lay khí tiết của một vị anh hùng yêu nước.

Bất lực trước tấm lòng kiên trung, bản lĩnh cách mạng của Thủ khoa Huân, chúng quyết định giết ông và tổ chức hành quyết dã man, hòng đe dọa nhân dân vào ngày 15-4 năm Ất Hợi (19-5-1875) bằng cách xử chém ông tại chợ Tịnh Hà (nay thuộc xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo).

TRI ÂN VỊ ANH HÙNG DÂN TỘC

Trước lúc hy sinh vì nghĩa lớn của dân tộc, Nguyễn Hữu Huân vẫn lạc quan, bình thản và sáng tác câu đối, tỏ rõ ý chí kiên cường, bất khuất của mình: “Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị/ Duy công bất tựu, diệc quyên nhất tử báo quân ân”; có nghĩa là “Có chí khó giương ra, luống để trăm năm mang miệng thế/ Dầu công không đạt được, cũng liều một chết báo ơn vua”. Những vần thơ ấy toát lên khí phách hiên ngang của vị anh hùng kiên trung đánh giặc giữ đất, trọn đời với nước non.

Sau khi ông tử tiết, 2 người con gái của ông là Nguyễn Thị Vạn và Nguyễn Thị Tánh đứng ra lập mộ trên một gò nhỏ thuộc làng Tịnh Giang (nay là ấp Hòa Quới, xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang).

Theo Bảo tàng tỉnh Tiền Giang, lúc đầu, mộ được đắp bằng đất; sau đó, xây lại bằng đá xanh theo lối voi phục với tấm bia mộ khá lớn có chạm khắc câu đối và bài thơ tuyệt mạng của ông. Phần đá của ngôi mộ rộng 4 m2; núm mộ gồm có 2 phiến đá lớn ghép lại, trên có chạm hoa văn hình xoáy trôn ốc.

Bia mộ gồm ba phiến đá: Chân bia có chạm hoa văn dây lá; thân bia rộng 1 m, cao 0,72 m, dày 0,4 m, đỉnh bia có chạm hoa văn hình mây và sóng nước.

Để tưởng nhớ đến công lao Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, tỉnh Tiền Giang đã xây dựng đền thờ bên cạnh phần mộ của ông (xã Hòa Tịnh, huyện Chợ Gạo). Vào năm 1985, dựng tượng đài Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân với chất liệu bằng đá hoa cương, cao hơn 7 m, phần đế cao 4 m, được đặt tại ngã ba sông Mỹ Tho - kinh Bảo Định (thuộc phường 1, TP. Mỹ Tho), nơi xưa kia, giặc Pháp đã đưa ông xuống tàu để chở về quê nhà hành hình. Đền thờ và lăng mộ của Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân được Bộ Văn hóa - Thông tin xếp hạng Di tích Lịch sử - Văn hóa Quốc gia vào tháng 6-1987.

Hằng năm, Lễ giỗ Anh hùng dân tộc Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân được tổ chức rất trang trọng vào ngày 14 và 15-4 âm lịch và đông đảo nhân dân đến dâng hương, tưởng niệm.

Sự nghiệp cứu nước tuy chưa thành, nhưng cuộc khởi nghĩa và tấm lòng kiên trung, son sắt với sự nghiệp cứu nước mãi là một mẫu mực về lòng yêu nước, tinh thần chiến đấu chống giặc ngoại xâm kiên cường, bất khuất trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.

150 năm trôi qua, biểu tượng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khí phách kiên cường, bất khuất của vị anh hùng dân tộc Nguyễn Hữu Huân vẫn luôn ngời sáng, sống mãi với non sông, đất nước.

LÊ NGUYÊN - T.T

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202505/thu-khoa-nguyen-huu-huan-ngan-nam-van-do-tim-son-anh-hung-1041821/
Zalo