Học sinh THPT Ngô Thì Nhậm kể học thêm GV trên lớp ở nơi ghi biển Tri Thức Việt
Nằm sâu trong ngõ 15B/15 đường Tả Thanh Oai, giáo viên Trường THPT Ngô Thì Nhậm dạy thêm học sinh chính khóa tại cơ sở có ghi biển Tri thức Việt.
.t1 { text-align: justify; }
Học sinh Trường Trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm nói về việc học thêm của giáo viên trên lớp tại Trung tâm Tri thức Việt.
Phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, nhiều độc giả là phụ huynh Trường trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm cho biết, có giáo viên của trường dạy học sinh chính khóa tại Trung tâm Tri thức Việt có cơ sở tại ngõ 15B/15 Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội).
“Giáo viên Trường Trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm dạy thêm cho học sinh của mình trên lớp ngay tại trung tâm. Điều này vi phạm quy định về dạy thêm, học thêm được nêu tại Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo”, độc giả cho hay.
Từ thông tin phản ánh của độc giả, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có ghi nhận thực tế từ học sinh, phụ huynh.

Trường Trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm.
Học sinh Trường trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm học thêm ra vào suốt cả sáng, chiều trong tuần
Theo tìm hiểu, hoạt động dạy thêm được tổ chức vào các ngày trong tuần, một ngày thường sẽ có 5 ca học, mỗi ca dạy thêm trong khoảng hơn 1 tiếng và số lượng học sinh khoảng 20 em.
Qua quan sát của phóng viên, khoảng cách từ Trường Trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm đến cơ sở dạy thêm ghi biển Tri thức Việt tại địa chỉ trên khoảng một cây số. Cơ sở nằm trong con ngõ 15B/15 đường Tả Thanh Oai, cách trục đường chính khoảng trăm mét.
Cơ sở nằm ở bên tay phải đường và cách ngõ khoảng chục mét. Chiếc cổng mang kiến trúc cổ ghi con số 1945 ở trên. Ở phía bên phải cổng, sát tường, có gắn tấm biển ghi Tri thức Việt và thông tin về các cơ sở của đơn vị này. Tấm biển được đặt ở vị trí khá khuất, nên nếu người lạ đi qua con ngõ, khó có thể nhận thấy nơi đây là cơ sở tổ chức dạy thêm.

Con ngõ dẫn vào trung tâm dạy thêm này.

Tiến sâu vào bên trong, mới có thể nhìn thấy rõ tấm biển của Trung tâm Tri thức Việt gắn ở phía bên phải cổng.
Trên tấm bảng của cơ sở này có logo và dòng chữ ghi địa chỉ website VNCADEMY.VN, phía dưới ghi: Tri thức Việt cùng 6 cơ sở và địa chỉ. Trong đó, hai cơ sở ở phố Hồng Mai (Hai Bà Trưng), một cơ sở ở Thụy Khuê (Tây Hồ), một cơ sở ở Tả Thanh Oai (Thanh Trì) và 2 cơ sở tại Long Biên. Theo địa chỉ website ghi ở tấm biển, người viết truy cập vào địa chỉ website, tuy nhiên hệ thống báo không thể truy cập web.
Theo ghi nhận của người viết từ thực tế khảo sát, thông thường, một ngày ở đây thường có 5 ca học, mỗi ca giảng dạy trong hơn 1 tiếng (học sinh có thể đến trước nửa tiếng). Nơi dạy thêm có 2 căn nhà cấp bốn, trong đó căn nhà cũ thì bỏ không, căn nhà còn lại mới xây dựng được thời gian có hai phòng học, điều hòa. Trong khoảng thời gian người viết khảo sát, mỗi ca có một lớp học.
Bên trong khuôn viên của nơi tổ chức dạy là một chiếc sân có thể chứa được khoảng bốn chục chiếc xe.
Theo người dân ở ngõ 15 Tả Thanh Oai, căn nhà này được làm nơi dạy thêm kể từ khi Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực.
Học sinh học thêm ở đây cả sáng và chiều, với số lượng đông. Buổi sáng giáo viên dạy ca từ 7h-9h, 9-11h, buổi chiều có ca học có khi đến 20h.
Ôn luyện học kỳ cho học sinh của mình
Theo ghi nhận của người viết, vào khoảng 17h56 ngày 26/4 (thứ Bảy), một lớp học sinh khối 10 tan ca học thêm môn Lý của cô N.
Khi được hỏi về mức phí học thêm ca học ở đây, nam sinh cho hay: “Khoảng 70 nghìn đồng/ca”.
Người viết hỏi nam sinh về việc, cô N. có phải là giáo viên dạy chính khóa trên lớp không, nam sinh đáp: “Cô N. dạy trên lớp cháu, và có khoảng 20 bạn đi học thêm”. Theo quan sát của phóng viên, sau khi cô N. dạy xong lớp 10 trên, nữ giáo viên này ở lại để dạy thêm cho một lớp khác khoảng chục học sinh.
Người viết tiếp tục ghi nhận vào ngày 28/4 (thứ Hai), kết thúc buổi học thêm vào khoảng 9h sáng, một học sinh lớp 11 về ca học thêm. Nam sinh này cho hay: "Cháu vừa học xong ca học thêm môn Toán của cô H. dạy lớp cháu ở trên trường. Lớp có khoảng 20 bạn học. Cô giáo đang cho lớp chúng cháu ôn đề để chuẩn bị cho kỳ thi học kỳ 2"..
Cùng thời điểm này, người viết gặp một số học sinh lớp 10 đến cơ sở trên để học thêm.
Một nữ sinh chia sẻ, sáng nay cháu học thêm môn Văn: “Chúng cháu học thêm ở trung tâm, giáo viên dạy thêm là cô giáo dạy cháu ở trên lớp. Nay chúng cháu học cô Th.. Lịch học chính trên trường của lớp cháu là học buổi chiều”.

Học sinh học thêm môn Văn của lớp cô Th. tan học.
Đến khoảng gần 11h ngày 28/4, lớp Văn kết thúc ca học, các học sinh lên xe máy và xe máy điện ra về. Nhiều em không đội mũ bảo hiểm, tiếng học sinh nô đùa làm con ngõ trở nên ồn ào.
Khi học sinh đã tan, cũng như các giáo viên khác dạy ca cuối buổi, cô Th. (giáo viên dạy Văn) dựng phương tiện rồi khóa cổng xong mới ra về.

Tan ca học, cô Th. khóa cửa cơ sở.

Sáng ngày 29/4, có hai lớp cùng học tại hai phòng sát nhau, ngoài sân phương tiện để chật kín.
Sáng 29/4 (thứ Ba), phóng viên thấy trong cơ sở có hai lớp đang học thêm, ngoài sân có nhiều phương tiện dừng đỗ gần kín sân. Do cùng lúc có hai lớp học, nên giáo viên phải dùng mic để nói.
Không tìm thấy niêm yết công khai thông tin dạy thêm tại cơ sở
Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về dạy thêm học thêm hiệu lực từ ngày 14/2/2025, có đăng tải mẫu công khai trên cổng thông tin điện tử hoặc niêm yết tại nơi cơ sở dạy thêm đặt trụ sở (đối với dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường).
Trong đó, bảng mẫu công khai có nêu về thông tin phải công khai là danh sách người dạy thêm, mức thu tiền học thêm, thời khóa biểu các lớp học thêm…

Để tìm hiểu về điều kiện cơ sở vật chất, công khai các thông tin theo quy định tại Thông tư 29, người viết đã vào phía trong cơ sở dạy thêm của Tri thức Việt tại cơ sở này.
Thời điểm khoảng 18h ngày 26/4 (thứ Bảy), bên trong trung tâm, có một lớp học thêm môn Lý của lớp cô N. đang dạy. Ở sát phòng đang học là một phòng học tương tự, theo quan sát, trong phòng rộng khoảng chục mét vuông, hai dãy bàn ghế đủ cho 20 học sinh ngồi học, ở giữa là lối đi khá nhỏ hẹp, phía trên bục giảng là 2 tấm bảng.

Bên trong phòng học và tấm bảng gắn thông tin về trung tâm và nội quy.
Ở giữa hai phòng học là một tấm bảng có gắn tờ giấy thông tin về nội quy hoạt động dạy thêm, và một số tờ cardvisit của Tri thức Việt. Tuy nhiên, thông tin về giáo viên dạy thêm, môn học, học phí… không hề có.
Khi người viết rời khỏi khu vực dạy thêm, nhận thấy có người lạ, cô N. liền ra xem ai vào và rồi đóng khóa cửa cổng.

Bên trong lớp học thêm.
Phụ huynh đề xuất giáo viên trên lớp dạy thêm?
Một nữ sinh lớp 10 Trường Trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm cho hay, cháu học thêm ở trung tâm các môn như Toán có mức phí là 90 nghìn đồng/ca, Lý là 60 nghìn đồng/ca và môn Hóa là 80 nghìn đồng/ca. Một tuần học 3 môn học tổng là 6 buổi.
“Cháu học thêm Toán là của trung tâm, còn môn Lý và Hóa thì cháu học giáo viên trên lớp tổ chức dạy ở ngoài trường.
Tuy nhiên, các cô dạy trên lớp vẫn dạy dưới danh nghĩa cho trung tâm. Có hôm cháu học thêm buổi sáng, tối cháu lại đi học thêm tiếp”, nữ sinh cho hay.
Theo nữ sinh, ngay khi bước vào học lớp 10, cháu đã đi học thêm. Thông tư 29 của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 14/2, lớp học thêm nghỉ khoảng một tháng sau đó lại tiếp tục.
Chia sẻ về nội dung kiến thức buổi học thêm, nữ sinh cho hay, giáo viên ôn luyện lại kiến thức dạy trên trường và luyện đề thi.
“Giáo viên không dạy trước kiến thức. Lớp cháu có khoảng nửa lớp đi học thêm”, nữ sinh chia sẻ và cho hay, bản thân dự định thi tổ hợp môn khối A00.
Để có thêm thông tin về việc quản lý giáo viên đăng ký dạy thêm, học thêm ngoài trường của Trường trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm, phóng viên đã liên lạc và gửi câu hỏi cụ thể cho cho nhà trường.
Đến ngày 15/5, phóng viên đã liên hệ qua điện thoại với thầy Đỗ Mạnh Thành - Hiệu trưởng nhà trường.
Thầy Thành cho hay:"Câu trả lời để tôi nhắn cô phó hiệu trưởng nhà trường, tôi cũng mới chuyển công tác xuống đây nên chưa có thông tin".
Phóng viên cũng đề nghị thầy Thành gửi câu trả lời vào ngày 16/5 và được thầy Thành đồng ý. Tuy nhiên, chiều 16/5 phóng viên liên hệ với thầy Thành nhưng vị hiệu trưởng không nghe máy.
Được biết, thầy Đỗ Mạnh Thành chuyển về công tác tại Trường Trung học phổ thông Ngô Thì Nhậm từ ngày 25/3/2025. Trước đó, thầy là Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Trung Văn.
Để có thêm thông tin về hoạt động của cơ sở Tri thức Việt tại ngõ 15 Tả Thanh Oai, ngày 17/5 phóng viên đã liên hệ địa phương. Theo chia sẻ của ông Nguyễn Xuân Mai, cán bộ văn hóa – xã hội Ủy ban Nhân dân xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì, Hà Nội) cho hay, sau khi tiếp nhận các văn bản chỉ đạo của ngành giáo dục về quản lý học thêm dạy thêm, địa phương đã lập kế hoạch, triển khai tới nhà trường, trưởng thôn rà soát báo cáo về cơ sở dạy thêm.
Vị cán bộ cho biết, đối với cấp tiểu học thuộc sự quản lý của địa phương, đơn vị sẽ yêu cầu giáo viên phải chịu trách nhiệm nếu tổ chức dạy thêm. Việc quản lý với cấp tiểu học là dễ, nhưng với trường trung học phổ thông thuộc quản lý của Sở Giáo dục và Đào tạo thì khó.
Theo quy định, trung tâm khi tổ chức dạy thêm học thêm tại địa phương sẽ phải nộp hồ sơ về xã. Tuy nhiên, đến nay chưa có trung tâm nào báo cáo với Ủy ban Nhân dân xã về hoạt động này.
Ông Mai thừa nhận, khi phóng viên nói về hoạt động dạy thêm của cơ sở này, ông mới biết tại ngõ 15B/15 có trung tâm tổ chức dạy thêm.
“Khi phóng viên thông báo về hoạt động dạy thêm tại đây, chúng tôi mới biết ở đây có cơ sở dạy thêm. Bảng biển của trung tâm này để ở góc khuất, xa với đường đi”, ông Mai cho hay.
Ngay sau khi bài viết đăng tải, Tòa soạn có nhận được thông tin từ một địa chỉ mail cá nhân của ông Thịnh Văn Nam - Giám đốc Công ty Cổ phần VNACADEMY. Ông Nam cung cấp tài liệu và cho biết: "Công ty tôi hoạt động trong lĩnh vực giáo dục online và offline với tên miền: Vnacademy.vn với trụ sở tại số 34, ngõ 156, phố Hồng Mai, phường Bạch Mai, Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Công ty tôi hoạt động tại 02 chi nhánh: 14, Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội và 31-BT4, khu đô thị Pháp Vân, Hoàng Mai, Hà Nội. Và không hoạt động trên pháp lý của công ty tại trung tâm nào khác".
Phóng viên cũng đã cung cấp thông tin này đến cán bộ xã Tả Thanh Oai để địa phương nắm được.