Thú chơi Tết của người Hà Nội

Mỗi khi Tết đế xuân về, Hà Nội như khoác lên mình một chiếc áo mới rực rỡ sắc màu. Hòa chung bầu không khí nhộn nhịp và hối hả, người Hà Nội không chỉ đón Tết bằng những món ăn ngon mà còn lưu giữ những thú chơi mang đậm bản sắc văn hóa như thú chơi hoa, chơi tranh và cả thú làm mứt Tết.

Tao nhã thú chơi hoa Tết

Giữa vô vàn loài cây cảnh, hoa đào luôn được lựa chọn như một lẽ tự nhiên, bởi sắc hồng của nó đã trở thành hơi thở của mùa xuân đất Bắc. Từ bao đời nay, thú chơi hoa đào đã là tập quán không thể thiếu trong mỗi gia đình Hà Nội như một phần hồn cốt của Tết.

Với người Hà Thành, hoa đào không chỉ là loài hoa, mà còn là biểu tượng của Tết đoàn viên, ấm no và bình an. Từ khi nào hoa đào đã gắn bó với ngày Tết, chẳng ai biết rõ, chỉ biết rằng sắc đào ấy cứ thế len lỏi vào từng mái nhà, mang niềm vui rộn ràng và hy vọng cho muôn người.

Dẫu đã chuyển vào TP. HCM sinh sống hơn chục năm nay, chị Liên Phương vẫn giữ thói quen tìm mua bằng được một cây đào để trưng Tết trong nhà. Đó cũng là cách để chị cảm nhận phong vị Tết của Thủ đô.

Chị Liên Phương (quận 1, TP. HCM) chia sẻ: "Trời TP. HCM hơi se lạnh càng nhớ quê hơn. Đã 5 năm rồi mình chưa ăn Tết ở quê, chính vì thế, bên cạnh những việc giữ gìn phong tục tập quán của ngoài Bắc thì trong nhà mình phải có một cành đào."

Không chỉ có hoa đào, ngày Tết còn là dịp để nhiều người Hà Nội chơi quất cảnh, hoa ly, hoa lan hay mai trắng. Nếu mai vàng là biểu tượng của miền Nam thì mai trắng là nét riêng của Tết Hà Nội, tượng trưng cho sự tinh khiết, thanh tao. Người sành chơi thường phối mai trắng với cúc đại đóa vàng, tạo nên sự hòa quyện hoàn hảo giữa sắc trắng thanh nhã và vàng rực rỡ. Còn với những ai yêu vẻ đẹp vương giả, hoa lan luôn là lựa chọn hàng đầu. Để tránh thế đơn điệu, người ta thường xếp các giỏ lan cao thấp giao nhau, xen nhau và treo dưới mái hiên nhà.

Đặc biệt với nhiều gia đình Hà Nội, thú chơi hoa thủy tiên vẫn giữ được vị trí riêng biệt. Trên bàn thờ gia tiên hay bàn tiếp khách những ngày xuân, những bình hoa thủy tiên thơm ngát không chỉ tô điểm không gian mà còn là lời chào năm mới đầy trang trọng. Người ta tin rằng, nếu hoa thủy tiên nở đúng khoảnh khắc giao thừa, gia đình sẽ đón nhận nhiều may mắn và thịnh vượng suốt cả năm.

Người Hà Nội với thú chơi tranh Tết

Từ xa xưa, khi mỗi mùa xuân về cũng là lúc "mùa tranh Tết" đến. Khắp phố phường, làng mạc bừng lên sắc thắm của hoa đào, chính là lúc người người, nhà nhà đi chợ sắm tranh Tết để trang hoàng nhà cửa, đồng thời gửi gắm ước vọng vào một năm mới thịnh vượng, an lành. Tranh Tết vừa là thú chơi tao nhã, vừa góp phần không nhỏ bảo tồn văn hóa dân tộc.

Dân gian có câu "nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc", ý nói đến các thú chơi hàng đầu của người Việt trong dịp Tết Nguyên đán có từ bao đời nay. Thú chơi tranh trong những ngày Tết đến xuân về với sắc màu rực rỡ, đường nét độc đáo, không chỉ mang lời chúc năm mới an khang, thịnh vượng, mà còn là một phong tục cổ truyền đẹp, một phần hồn Việt trong lành và nhân hậu.

Tranh Tết dân gian có nhiều thể loại: tranh tín ngưỡng, tranh chúc tụng, tranh cầu phúc - lộc - thọ, tranh trấn trạch, tranh lịch sử, tranh châm biếm, tranh phong cảnh... Đã là tranh treo Tết bao giờ cũng mang một nội dung cầu chúc cho những gì tốt đẹp nhất và ước vọng một năm mới tràn đầy hạnh phúc viên mãn. Mỗi bức tranh dân gian đều mang một ý nghĩa nhân sinh riêng, biểu hiện nhiều góc độ tâm trạng của con người.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, bên cạnh sắc đỏ của câu đối, những bức tranh Tết lại xuất hiện mang theo hồn cốt dân tộc, thắp sáng không gian ngày xuân. Phường tranh dân gian Hàng Trống, từng rực rỡ vào thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX, nay chỉ còn nghệ nhân Lê Đình Nghiên - hậu duệ của nghệ nhân Lê Đình Liệu, lưu giữ được kho báu quý giá với khoảng 50 ván in cổ, trong đó có những ván đã hơn 200 năm tuổi.

Những bức tranh Hàng Trống giản dị mà tinh tế, thường là hình ảnh con gà, con lợn - biểu tượng cho sự sung túc, đủ đầy. Người ta treo tranh không chỉ để trang trí, mà còn gửi gắm hy vọng về một năm mới an lành, hạnh phúc. Dẫu dòng tranh này có lúc tưởng chừng mai một, nhưng với nỗ lực của nghệ nhân và chính quyền phường Hàng Trống, một lần nữa, giá trị xưa đang được hồi sinh, truyền lại cho thế hệ trẻ.

Tranh đỏ Kim Hoàng cũng là một viên ngọc sáng trong kho tàng tranh dân gian Việt Nam. Những bức tranh với chủ đề thân thuộc như ông Công ông Táo, cảnh làng quê hay tranh lợn đã đi vào đời sống người dân như một phần ký ức Tết. Đặc biệt, thơ đề và bùa trấn tà trên góc tranh Kim Hoàng mang thêm lớp nghĩa sâu sắc, vừa trang hoàng nhà cửa, vừa cầu bình an, xua đuổi điều xấu. Không dừng lại ở những gam màu truyền thống, các nghệ nhân ngày nay còn sáng tạo thêm những sắc màu hiện đại, vẽ tranh theo con giáp, khiến mỗi bức tranh trở thành một món quà ý nghĩa của mùa xuân.

Thú chơi tranh ngày Tết không chỉ là sở thích, mà còn là một phần tâm hồn Việt, nơi gửi gắm khát vọng, ước mơ. Tranh dân gian Việt Nam với vẻ đẹp mộc mạc mà sâu sắc, chính là "bách khoa toàn thư" sống động, lưu giữ những quan niệm nhân sinh và giá trị vĩnh cửu của dân tộc.

Thú làm mứt Tết của người Hà Nội

Món mứt Tết không chỉ là thức quà để đãi khách mà còn mang một phần hồn của ngày Tết Hà Nội. Mỗi lần làm mứt, gia đình quây quần bên nhau, vừa làm, vừa trò chuyện, chia sẻ những câu chuyện cũ, những kỷ niệm xưa. Mứt Tết không chỉ là món ăn, mà còn là một phần của ký ức. Vị ngọt của mứt Tết không chỉ là vị ngọt từ đường, mà còn là vị ngọt của tình cảm gia đình, của sự sum vầy trong những ngày đầu năm.

Ngày Tết, trong không gian ấm cúng của mỗi gia đình Hà Nội, ngoài những món ăn truyền thống, không thể thiếu những đĩa mứt ngọt ngào, thơm lừng. Thú làm mứt Tết đã trở thành một nét đẹp trong văn hóa của người Hà Nội bao đời nay, là sự kết hợp tinh tế giữa nghệ thuật chế biến và tình cảm gia đình.

Mứt gừng, mứt dừa, mứt quất… mỗi loại mứt đều mang một hương vị riêng, không chỉ để đãi khách mà còn thể hiện sự khéo léo, tỉ mỉ của những người nội trợ. Mứt gừng với vị cay nồng, ngọt nhẹ là món đặc trưng vừa tốt cho sức khỏe, vừa mang ý nghĩa chúc năm mới sức khỏe dồi dào. Mứt dừa thì dẻo thơm, ngọt ngào, với màu sắc rực rỡ như lời chúc một năm mới an khang, thịnh vượng.

Cứ mỗi dịp Tết đến, những người phụ nữ Hà Nội lại tất bật chuẩn bị mứt, từ việc chọn nguyên liệu tươi ngon, cắt tỉa, nấu nướng đến khi mứt hoàn thành đều đượm một tình yêu thương vô bờ. Làm mứt không chỉ là công việc chuẩn bị Tết, mà còn là dịp để các thế hệ trong gia đình quây quần bên nhau, cùng chia sẻ những khoảnh khắc ngọt ngào của ngày đầu năm.

Phong tục đón Tết Nguyên đán của một số nước châu Á

Trung Quốc

Múa lân là một trong những phong tục nổi bật trong dịp Tết Nguyên đán của người Trung Quốc. Trong múa lân, có hai nhân vật chính là "lân" (con lân) và "sư" (người điều khiển con lân). Người điều khiển lân thường phải thay đổi nhịp trống linh hoạt và đa dạng theo từng chuyển động của con lân, chẳng hạn như cúi chào hay uốn lượn.

Màu sắc của con lân cũng rất quan trọng. Lân thường có màu vàng, đỏ và xanh, mỗi màu đều mang một ý nghĩa riêng, như đỏ tượng trưng cho may mắn và sự thịnh vượng, vàng là biểu tượng của sự giàu có. Không giống như múa rồng Tết Nguyên đán, một số phiên bản múa lân bao gồm các động tác từ võ thuật Trung Quốc. Trên thực tế, người biểu diễn múa lân Trung Quốc thường là thành viên của trường võ thuật địa phương.

Câu đối là một phong tục Tết cổ truyền của người Trung Quốc. Câu đối thường được treo ở cửa nhà hoặc trên tường trong nhà, mang ý nghĩa cầu mong một năm mới tốt đẹp, an lành. Chữ "Phúc" rất được ưa chuộng, nhưng nó thường được treo ngược, gọi là "Phúc đảo". Đây là phép chơi chữ, trong đó "đảo" đồng âm với "đáo", do đó chữ treo ngược trở thành "Phúc đáo", nghĩa là phúc đến nhà. Ngoài ra, người Trung Quốc còn chuộng dùng phép chơi chữ cho một số món ăn cầu may dịp Tết Nguyên đán. Ví dụ, cá là một món ăn truyền thống trong năm mới, do từ cá đồng âm với dư giả, thể hiện mong cầu năm mới sung túc.

Hội hoa đăng thường được tổ chức vào ngày 15 tháng Giêng âm lịch, ngày cuối cùng của Tết Nguyên đán. Vào ngày này, người dân sẽ mang theo những chiếc đèn lồng trang trí rất cầu kỳ, tinh xảo với nhiều hình thù khác nhau như hình hoa, hình thú, hình nhân vật... Hội hoa đăng là một dịp lễ hội vui tươi, náo nhiệt, thu hút đông đảo người dân và khách du lịch Trung Quốc tham gia. Trong dịp này, mọi người sẽ cùng nhau ngắm nhìn những chiếc đèn lồng lung linh, rực rỡ, cùng nhau trò chuyện, chúc nhau những lời chúc tốt đẹp trong năm mới.

Hàn Quốc

Phong tục cúi lạy chào năm mới (sebae) là một nghi lễ quan trọng và đây cũng là một văn hóa độc đáo của người Hàn. Khi kết thúc lễ cúng, người nhỏ tuổi trong nhà sẽ diện đồ Hanbok mới và thực hiện nghi lễ cúi lạy với ông bà, cha mẹ. Việc cúi lạy như là lời chào đầu năm mới, thể hiện sự chúc sức khỏe, sự thành kính, biết ơn đối với bậc sinh thành. Đổi lại, cha mẹ và người lớn tuổi thưởng cho trẻ em tiền mừng tuổi. Trước đây, cha mẹ thường tặng trẻ em bánh gạo và trái cây thay vì tiền.

Canh bánh gạo (tteokguk) là một món ăn truyền thống của người Hàn Quốc trong dịp Tết Nguyên đán . Món súp này được làm từ bánh gạo thái lát mỏng, nấu trong nước dùng thịt bò hoặc gà, thường được thêm trứng, hành lá, rong biển và thịt bò thái chỉ. Theo truyền thống, ăn một bát canh bánh gạo vào ngày đầu năm mới tượng trưng cho sự trưởng thành thêm một tuổi và cầu chúc một năm mới tràn đầy may mắn, sức khỏe và thịnh vượng. Hình dáng tròn của lát bánh gạo được ví như đồng tiền cổ, mang ý nghĩa phúc lộc và thịnh vượng.

Chơi gậy (yutnori) là trò chơi dân gian rất phổ biến trong dịp Tết Nguyên đán tại Hàn Quốc. Trò chơi này thường được chia thành hai đội, mỗi đội lần lượt ném gậy lên (cây gậy có vai trò như xúc xắc) để quyết định bước đi của người chơi. Đội nào đến đích trước thì đội đó sẽ thắng. Với luật chơi đơn giản nhưng mang tính chiến thuật, yutnori không chỉ là một hình thức giải trí mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, hợp tác giữa các thành viên. Đây là một nét đẹp văn hóa độc đáo của người Hàn, thường xuất hiện trong các sự kiện gia đình hoặc các hoạt động quảng bá di sản văn hóa truyền thống.

Mai Phương

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/video/thu-choi-tet-cua-nguoi-ha-noi-299021.htm
Zalo