Thông tư 29: Giáo viên lúng túng, phụ huynh sốt ruột
Hôm nay, Thông tư số 29/2024/TT-BGDĐT chính thức có hiệu lực, nhiều giáo viên tại TP. Hồ Chí Minh đang tất bật lo thủ tục để mở lớp dạy thêm.
Giáo viên lo thủ tục
Ngày 14/2/2025, Thông tư 29/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức có hiệu lực, yêu cầu giáo viên dạy thêm có thu tiền phải đăng ký hộ kinh doanh cá thể hoặc ký hợp đồng giảng dạy tại các trung tâm được cấp phép. Trước những quy định mới, những ngày qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo các quận, huyện tại TP. Hồ Chí Minh liên tục nhận được câu hỏi từ giáo viên về quy trình đăng ký hộ kinh doanh cá thể.
Tuy nhiên, do chưa có hướng dẫn chi tiết, nhiều người vẫn lúng túng trong việc kê khai thu nhập, chuẩn bị hồ sơ và hoàn thành các thủ tục hành chính.
Cô Lê Thị Phương Dung, giáo viên dạy Tiếng Anh tại một trường THCS ở Quận Bình Thạnh (TP. Hồ Chí Minh) chia sẻ: “Tôi hoàn toàn đồng ý với việc giáo viên dạy thêm phải đóng thuế, nhưng việc bắt buộc đăng ký kinh doanh thì khá rắc rối. Tôi nhờ chồng tôi đứng tên để đăng ký kinh doanh nhưng cả vợ chồng tôi đều làm giờ hành chính. Đến hôm nay tôi vẫn chưa hoàn thành thủ tục”.
Cùng chung nỗi lo, cô Trần Thị Minh, giáo viên môn Ngữ văn tại quận 1, cho biết: “Thu nhập từ dạy thêm của tôi không cố định, phụ thuộc vào số lượng học sinh từng tháng với học phí mỗi em 500.000 đồng. Nếu bây giờ buộc giáo viên phải hợp đồng với trung tâm nào đó để đảm bảo pháp lý thì chưa chắc đã đủ để bù chi phí. Nếu phải đóng thuế và thực hiện các thủ tục phức tạp, có thể tôi sẽ phải cân nhắc việc ngừng dạy thêm”.
Không ít giáo viên tìm cách thích ứng với quy định mới bằng cách ký hợp đồng với các trung tâm gia sư, dù trên thực tế họ vẫn tự tổ chức lớp học tại nhà. Giám đốc một công ty giáo dục tại TP. Hồ Chí MIn cho biết gần đây nhiều giáo viên tìm đến xin ký hợp đồng chỉ để hợp thức hóa việc dạy thêm.
“Họ chỉ cần mặt bằng và hợp đồng, còn nội dung giảng dạy và học sinh đều tự lo. Nhưng chúng tôi không thể chấp nhận vì vi phạm quy định, có thể bị xử phạt hoặc rút giấy phép”, Giám đốc này cho biết.
Một xu hướng khác đang gia tăng là giáo viên chuyển sang dạy trực tuyến để tránh các yêu cầu đăng ký kinh doanh. Nhiều người tận dụng nền tảng Zoom, Google Meet hoặc Facebook để duy trì lớp học mà không phải lo về kiểm tra hành chính. Tuy nhiên, hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về việc quản lý dạy online, khiến giáo viên không rõ liệu họ có phải kê khai thu nhập và đóng thuế hay không.
Cô Lê Thanh Hà, giáo viên dạy Toán tại quận 3, cho biết: “Tôi bắt đầu chuyển sang dạy trực tuyến từ năm ngoái, nhưng không chắc liệu có phải kê khai thuế theo quy định mới hay không. Nếu tất cả giáo viên dạy online cũng phải đăng ký hộ kinh doanh thì không hợp lý.”
Gia sư đắt hàng, nguy cơ tăng học phí
Không chỉ giáo viên gặp khó khăn, nhiều phụ huynh và học sinh cũng bị ảnh hưởng. Do một số giáo viên tạm dừng dạy thêm để chờ hướng dẫn cụ thể, nhu cầu tìm gia sư tăng cao, khiến giá dịch vụ gia sư tại TP. Hồ Chí Minh tăng trong thời gian qua. Nhiều trung tâm gia sư ghi nhận lượng phụ huynh đăng ký tìm giáo viên kèm cặp cho con tăng mạnh, đặc biệt là học sinh ôn thi chuyển cấp và ôn thị Đại học.
Cô Nguyễn Thị Thanh Linh - Một gia sư môn Tiếng Anh cho biết: “Tôi vẫn dạy kèm 1-1 tại nhà học sinh theo yêu cầu của phụ huynh. Nhưng không rõ tôi có cần đăng ký kinh doanh theo Thông tư 29 hay không?”.
Đại diện một công ty gia sư tại TP. Hồ Chí Minh cảnh báo nguy cơ “loạn giá” do nhu cầu tăng cao. “Nhiều trung tâm gia sư lợi dụng thời điểm này để nâng giá, nhưng không đảm bảo chất lượng. Chúng tôi khuyến khích gia sư đăng ký qua công ty để đảm bảo quyền lợi cho cả phụ huynh và người dạy”.
Chị Nguyễn Thị Hạnh, phụ huynh có con học lớp 9 tại quận Tân Phú, lo lắng: “Con tôi đang ôn thi vào lớp 10, nên việc học thêm rất quan trọng. Thế nhưng, từ khi có thông tin về Thông tư 29, một số giáo viên đã tạm dừng dạy để chờ hướng dẫn, khiến tôi phải tìm lớp mới cho con. Các lớp học có giáo viên giỏi đều tăng học phí vì giáo viên phải gánh thêm các khoản thuế và phí.”
Không ít phụ huynh cũng băn khoăn về việc các lớp học trực tuyến có thể bị ảnh hưởng. Chị Phạm Thị Lan, phụ huynh ở quận Gò Vấp, cho biết: “Con tôi đang theo học một lớp online với một giáo viên rất giỏi. Nhưng nếu giáo viên bị yêu cầu đăng ký kinh doanh và chịu các loại thuế phí, có thể họ sẽ không dạy online nữa. Khi đó, học sinh sẽ mất đi cơ hội học với giáo viên chất lượng.”
Tại họp báo về các vấn đề kinh tế - xã hội của TP. Hồ Chí Minh chiều 13/2, ông Hồ Tấn Minh – Chánh Văn phòng Sở Giáo dục và Đào tạo khẳng định Thông tư 29 không cấm dạy thêm, nhưng giáo viên phải tuân thủ quy định.
Theo ông Minh, trước đây một số giáo viên không dạy hết nội dung trong giờ chính khóa, dành phần kiến thức đó cho lớp học thêm, làm xấu hình ảnh ngành giáo dục. Vì vậy, Thông tư 29 yêu cầu các trường chỉ được dạy thêm không thu tiền với ba nhóm học sinh: học sinh giỏi, học sinh chưa đạt chuẩn và học sinh cuối cấp. Giáo viên không được dạy thêm có thu tiền với học sinh chính khóa.
“Đã dạy thêm ngoài nhà trường thì phải thực hiện đúng quy định, dù chỉ dạy kèm 2-3 em. Không có ngoại lệ hay du di các trường hợp vi phạm Thông tư 29”, ông Minh nhấn mạnh.
UBND TP. Hồ Chí Minh đã giao Sở Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn thực hiện Thông tư 29, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan để thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động dạy thêm, học thêm.