Thông tư 29 có hiệu lực: 'Người trong cuộc' nói gì?

Thông tư mới quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài trường với các học sinh chính khóa. Nhiều thầy cô có chung ý kiến, phần nhiều tiêu cực đến từ việc giáo viên dạy thêm học sinh mình dạy chính khóa.

Thông tư 29 ban hành, có hiệu lực từ 14/2 quy định rõ những trường hợp không được phép dạy thêm, tổ chức dạy thêm.

Đáng chú ý, giáo viên thuộc trường công lập không được phép tham gia quản lý, điều hành việc dạy thêm ngoài nhà trường. Khi tham gia dạy thêm ngoài nhà trường, giáo viên cũng cần báo cáo với người đứng đầu nhà trường về môn học, địa điểm, hình thức, thời gian tham gia dạy thêm.

Ngoài ra, giáo viên không được phép tổ chức dạy thêm học sinh tiểu học, trừ trường hợp bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao và rèn luyện kĩ năng sống.

Chờ hướng dẫn cụ thể

Cô giáo Nguyễn Hoàng Lan (Hà Nội), giáo viên dạy tổ hợp khoa học tự nhiên của một trường THCS cho rằng, trước khi thông tư 29 ban hành, cô đã tạm thời cho lớp dạy thêm nghỉ học chờ hướng dẫn thực hiện.

Vừa là giáo viên vừa là bà mẹ có 3 con cũng đi học thêm, cô Lan cho rằng, cô và các giáo viên khác chờ hướng dẫn cụ thể để các đơn vị thực hiện đúng Thông tư 29 về dạy thêm, học thêm.

"Tôi đồng tình với các quy định mới trong thông tư vì tránh việc học thêm bị biến tướng. Giáo viên cần nghiên cứu kỹ thông tư nhằm thực hiện sao cho đúng và cho sát, không để xảy ra tình trạng dạy thêm, học thêm trái với quy định"- giáo viên này cho hay.

Thầy Trần Mạnh Tùng, giáo viên dạy Toán ở Hà Nội chia sẻ, việc dạy thêm, học thêm là nhu cầu có thật, nhu cầu chính đáng của người dạy và người học, ở các nước đều có cả và đặc biệt sôi động ở những nơi mà thi cử cạnh tranh, căng thẳng.

Với quy định giáo viên không được phép tổ chức dạy thêm học sinh tiểu học, thầy Tùng hoàn toàn đồng tình vì với học sinh tiểu học, hiện nay các em đã học 2 buổi một ngày, thời gian còn lại nên để các em nghỉ ngơi hoặc rèn luyện các kĩ năng, các năng khiếu hay tham gia các hoạt động cùng với bạn bè, gia đình. Việc học thêm với học sinh tiểu học là lợi bất cập hại.

Cũng theo thầy giáo này, có một điểm mới của thông tư 29 đó là giáo viên dạy thêm ngoài nhà trường cần báo cáo với hiệu trưởng hoặc người đứng đầu nhà trường các thông tin như môn học, địa điểm, hình thức, thời gian dạy thêm.

“Điều này là quan trọng và cần thiết vì nó góp phần công khai, minh bạch chuyện dạy thêm của giáo viên và quy trách nhiệm quản lí “quân của mình” cho hiệu trưởng. Khi giáo viên vi phạm về dạy thêm thì hiệu trưởng cũng có phần trách nhiệm trong đó”- thầy Tùng nêu quan điểm.

Thông tư mới quy định giáo viên không được dạy thêm ngoài trường với các học sinh chính khóa nhận được sự đồng tình. Bởi lẽ, hầu hết các tiêu cực của việc dạy thêm đến từ việc giáo viên dạy thêm học sinh mà mình dạy chính khóa (kể cả trong trường và ngoài nhà trường) với các biểu hiện làm méo mó hoạt động dạy học như ép buộc, phân biệt đối xử, cắt xén bài dạy, …

Bộ GD&ĐT đã nhiều lần đề nghị đưa loại hình dạy thêm là hoạt động kinh doanh, cần phải đăng ký, thông tư 29 đã cụ thể hóa việc này. Quy định như vậy là hợp lí, giúp cho việc dạy thêm minh bạch và có nhiều lực lượng tham gia vào việc thanh kiểm tra (chính quyền, ngành giáo dục).

Dạy thêm không đăng ký kinh doanh có thể bị phạt đến 100 triệu đồng?

Quy định mới là cá nhân, tổ chức hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường mà không đăng ký kinh doanh có thể bị phạt hành chính từ 5 đến 100 triệu đồng.

Về vấn đề này, nhiều thầy cô cho rằng, các con số 5 triệu hay 100 triệu là dựa trên Nghị định 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính với cá nhân hộ kinh doanh hoặc với công ty.

Hoạt động dạy thêm vẫn có nét đặc thù, đành rằng là cung cấp một dịch vụ nhưng ứng xử như một hộ kinh doanh hoặc một công ty thì cũng chưa hợp lý.

Ngoài ra, các thông tin trong thông tư 29 là chưa đầy đủ và chưa rõ ràng. Cần làm rõ sau 14/2 hoạt động dạy thêm cần đăng ký như thế nào, cần các điều kiện gì, việc quản lí, cấp phép được thực hiện ra sao,… Hiện nay giới giáo viên đang rất băn khoăn về việc này.

“Tôi đề nghị, khi áp dụng theo thông tư 29 thì Bộ GD&ĐT và các cơ quan có liên quan cần cung cấp thêm thông tin, quy định, hướng dẫn để việc triển khai hợp lí, khả thi, góp phần đưa hoạt động dạy thêm, học thêm và0 quỹ đạo tích cực, công khai và minh bạch”- thầy Tùng nói.

Cô giáo Thùy An, giáo viên dạy Văn của Hà Nội chia sẻ, trước đây, cô thuê địa điểm dạy học là của một nhà dân. Nhưng nay, ngoài các yêu cầu của quy định mới như đăng ký kinh doanh thì địa điểm học cũng phải thay đổi, thuê địa điểm phải có giấy phép đầy đủ.

"Trước khi có hướng dẫn cụ thể, giáo viên tự tìm hiểu kĩ. Việc gì làm được trước thì cứ làm, tránh làm sai vì mức phạt hành chính cũng khá lớn, lên tới cả 100 triệu đồng", cô An nói.

Đỗ Hợp

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thong-tu-29-co-hieu-luc-nguoi-trong-cuoc-noi-gi-post1717667.tpo
Zalo