Ngành rau quả trước mục tiêu kim ngạch 8 tỷ USD
Năm 2025, Việt Nam đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả đạt kim ngạch 8 tỷ USD, tăng gần 900 triệu USD so với con số kỷ lục 7,12 tỷ USD năm 2024. Tuy nhiên, những biến động thị trường nhập khẩu cùng với xu hướng tiêu dùng tập trung nhiều vào phân khúc hàng chế biến và sản phẩm hữu cơ đang là những trở ngại không nhỏ cho ngành hàng này trên hành trình chinh phục mục tiêu đề ra.
Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tháng 1/2025, xuất khẩu rau quả của Việt Nam đạt 416,528 triệu USD, giảm 11,3% so với tháng 12/2024 và giảm 5,2% so với cùng kỳ năm 2024; xuất siêu khoảng 131,998 triệu USD.
Biến động xu hướng tiêu dùng
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), người tiêu dùng trên hầu khắp các thị trường nhập khẩu rau quả hiện nay đều ngày càng quan tâm đến lợi ích sức khỏe từ rau quả hữu cơ và chế biến sâu nên quy mô thị trường cho dòng hàng này gia tăng mạnh mẽ.
Ðối với thị trường rau quả hữu cơ, dự kiến sẽ tăng lên 11,92 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hằng năm (CAGR) là 5,9% (giai đoạn 2025-2029). Nguyên nhân là do các hoạt động nông nghiệp bền vững được mở rộng với sự đổi mới trong ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất; tính minh bạch của chuỗi cung ứng và sự đa dạng các sản phẩm hữu cơ.
Theo khảo sát ngành công nghiệp hữu cơ do Hiệp hội Thương mại hữu cơ tại Mỹ công bố, doanh số bán thực phẩm hữu cơ tại Mỹ vào năm 2022 tăng 4,3% so với năm 2021 nhờ tác động có lợi cho sức khỏe của người sản xuất và người tiêu dùng. Còn theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh, năm 2022, số lượng nhà hàng và cơ sở dịch vụ sử dụng thực phẩm hữu cơ tăng đã thúc đẩy thị trường canh tác rau củ hữu cơ.
Với rau quả chế biến, riêng trái cây sấy khô quy mô thị trường toàn cầu ước tính sẽ đạt 16,55 tỷ USD vào năm 2030, tăng trưởng với tốc độ hằng năm là 5,6% trong giai đoạn 2025-2030. Sự ra đời của các sản phẩm sáng tạo cùng với sức mua ngày càng tăng đã thúc đẩy nhu cầu về trái cây sấy khô trên toàn thế giới. Khu vực châu Á-Thái Bình Dương được dự đoán sẽ có tốc độ tăng trưởng kép hằng năm nhanh nhất trong giai đoạn 2025-2030.
Nhu cầu về các sản phẩm này cũng ngày càng tăng ở các quốc gia đông dân như Trung Quốc và Ấn Ðộ. Hiện châu Âu dẫn đầu ngành trái cây sấy khô toàn cầu với thị phần doanh thu là 29,5% trong năm 2024. Người tiêu dùng các quốc gia như Ðức, Anh và Pháp tăng lựa chọn hình thức ăn nhẹ mang đi sẽ tiếp tục có tác động tích cực đến sự tăng trưởng của phân khúc trái cây sấy khô.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Ðặng Phúc Nguyên, hiện nay tại Việt Nam, sản lượng rau quả tươi được chế biến vẫn còn ít trong khi sản lượng thu hoạch hằng năm rất lớn. Ðây là một trong những nguyên nhân chính khiến kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam chưa chiếm tỷ trọng cao tại các thị trường, khu vực thị trường có nhu cầu lớn về sản phẩm chế biến như châu Âu, Mỹ, Hàn Quốc… Trong tổng số kim ngạch 7,12 tỷ USD năm 2024 của cả ngành hàng thì kim ngạch sản phẩm chế biến mới chỉ chiếm hơn 1 tỷ USD. Do đó các doanh nghiệp rau quả Việt Nam cần tập trung vào chế biến sâu để vừa nâng cao giá trị gia tăng, vừa hạn chế rủi ro mùa vụ như xuất khẩu tươi.
Giám sát vùng nguyên liệu và tăng đầu tư chế biến
Ông Nguyễn Phong Phú-Giám đốc Kỹ thuật Công ty Vina T&T Group cho biết: Việt Nam là quốc gia có sản lượng trái cây lớn, bảo đảm cung cấp ổn định cho các thị trường. Hiện Vina T&T Group đã xuất khẩu trái cây đi nhiều thị trường lớn như Mỹ, EU, Australia, Canada… Ðể đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng thế giới thì doanh nghiệp cần tăng cường kiểm soát chất lượng từ khâu đầu vào: Phải có vùng nguyên liệu đạt chuẩn và đa dạng sản phẩm chế biến, đồng thời mở rộng thị trường tiêu thụ. Cụ thể như với sản phẩm dừa, sau khi có Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dừa tươi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc thì đây là loại quả có nhiều ưu thế xuất khẩu nhưng doanh nghiệp cũng cần quan tâm phát triển thị trường mới để giảm sự phụ thuộc quá mức vào Trung Quốc nhằm đề phòng rủi ro nếu thị trường này thay đổi chính sách bất ngờ. Ngoài ra, cần đa dạng hóa sản phẩm từ dừa, thí dụ các sản phẩm giá trị gia tăng cao như sữa dừa, kẹo dừa và mỹ phẩm từ dừa.
Mặt khác, các cơ quan chức năng cần có giải pháp để tránh tình trạng mua bán mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đối với nông sản xuất khẩu do thời gian qua một số doanh nghiệp hoặc cá nhân đã thực hiện các hành vi gian lận như bán hoặc cho thuê mã số vùng trồng; gian lận nguồn gốc sản phẩm, làm sai lệch thông tin xuất xứ sản phẩm; một số vùng trồng không duy trì sản xuất theo tiêu chuẩn đã đăng ký, dẫn đến các lô hàng bị phát hiện vi phạm kiểm dịch thực vật hoặc an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến niềm tin từ các đối tác quốc tế khiến việc đàm phán mở rộng thị trường trở nên khó khăn hơn.
Như đối với sầu riêng, đã có tình trạng một số đối tượng lợi dụng, gian lận sử dụng mã số vùng trồng và mã số đóng gói thông qua các hình thức hợp đồng ủy quyền sử dụng mã số với con dấu, chữ ký giả… để lừa đảo nhằm trục lợi, thông quan xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.
Về vấn đề này, Hiệp hội Rau quả Việt Nam đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, giám sát, rà soát chặt chẽ các cơ sở đóng gói, xuất khẩu sầu riêng, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm đã có tố giác hoặc chưa có; hoàn thiện cơ sở dữ liệu mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói giúp dễ dàng quản lý và truy xuất nguồn gốc sản phẩm; đồng thời tăng cường hợp tác với các cơ quan chức năng của các nước nhập khẩu để cùng chống lại hành vi gian lận thương mại.