10 sự kiện kinh tế - xã hội nổi bật của Việt Nam năm 2024

Năm 2024 khép lại đã chứng kiến sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ của Việt Nam cùng với nhiều chính sách ổn định về giá vàng, thị trường bất động sản...

Cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị

Thực hiện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW (Ban Chấp hành Trung ương khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, từ đầu tháng 12, các cơ quan Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội khẩn trương xây dựng phương án trình Trung ương trong quý I/2025.

Việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy là một cuộc cách mạng đòi hỏi sự dũng cảm, hy sinh của cán bộ, công chức, viên chức, yêu cầu phải thực hiện một cách khách quan, công tâm, khoa học để chuẩn bị đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.

Ảnh: VOV

Ảnh: VOV

Một năm kỷ niệm hàng loạt các sự kiện trọng đại của đất nước

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đặt yêu cầu rất cao đối với việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm, trọng tâm là các hoạt động lớn ở cấp Trung ương, vừa phải có ý nghĩa tri ân, có giá trị tuyên truyền, giáo dục về chính trị-tư tưởng, vừa phải mới, hấp dẫn nhưng bảo đảm thiết thực, an toàn, tiết kiệm và hướng tới người dân để người dân được thụ hưởng.

Các sự kiện này đều tạo được hiệu ứng và sức lan tỏa mạnh mẽ, để lại ấn tượng rất sâu sắc đối với nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế về một Việt Nam anh hùng, bất khuất và không ngừng phát triển.

Điểm sáng về kinh tế khi tăng trưởng GDP đạt hơn 7%, lạm phát dưới 4%

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

“Thần kỳ” là mỹ từ các chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước dành cho Việt Nam khi đánh giá tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt được trong năm 2024. Trong bối cảnh chịu ảnh hưởng nặng nề của siêu bão Yagi và kinh tế thế giới nhiều bất ổn, kinh tế Việt Nam đã nỗ lực vượt khó, GDP dự báo tăng trưởng hơn 7%, vượt mục tiêu Quốc hội giao. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát dưới 4%. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tiến sát kỷ lục 800 tỷ USD. Giá trị thương hiệu quốc gia đạt 507 tỷ USD, xếp thứ 32/193 quốc gia. Thu hút vốn FDI đạt hơn 31 tỷ USD, thuộc nhóm 15 nước đang phát triển thu hút vốn FDI lớn nhất thế giới.

Đột phá về công nghệ

Ngày 5/12/2024, tại Hà Nội, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính và Chủ tịch Tập đoàn NVIDIA- Jensen Huang, Thỏa thuận hợp tác giữa Chính phủ Việt Nam và Tập đoàn NVIDIA được ký kết nhằm thành lập Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển trí tuệ nhân tạo và Trung tâm dữ liệu AI tại Việt Nam. NVIDIA cũng đã quyết định mua lại Vinbrain. Đây là “cú hích” quan trọng giúp Việt Nam có bước nhảy vọt về công nghệ thời gian tới.

Ảnh: TTXVN

Ảnh: TTXVN

Hồi tháng 11, một nhà cung ứng của Apple - Foxconn công bố khoản đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang, còn Meta của tỷ phú Mark Zuckerberg có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo.

Thay vì chỉ hút tiền vào hoạt động sản xuất lắp ráp như nhiều năm trước, Việt Nam được dự báo sẽ nhanh chóng trở thành một phần quan trọng của thế giới công nghệ toàn cầu.

Du lịch Việt Nam phục hồi mạnh mẽ, đón khoảng 17 triêụkhách du lịch quốc tế, 120 triệu lượt khách du lịch nội địa

Năm 2024, mặc dù bối cảnh trong nước và thế giới có nhiều biến động nhưng du lịch vẫn là một điểm sáng của nền kinh tế. Đón 17 triệu lượt khách quốc tế, 120 triệu lượt khách nội địa, ngành Du lịch đã đánh dấu sự phục hồi hoàn toàn sau dịch Covid-19.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Siêu bão Yagi gây thiệt hại nặng nề

Siêu bão Yagi (bão số 3) có cường độ mạnh nhất trong 30 năm qua ở Biển Đông và 70 năm qua trên đất liền nước ta, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ: cường độ gió rất mạnh (gió giật cấp 17); sức tàn phá rất lớn; thời gian tàn phá trên đất liền và duy trì thời gian dài; phạm vi ảnh hưởng rộng, bao phủ toàn bộ 26 địa phương khu vực miền Bắc và Thanh Hóa; gây ra mưa lớn dài ngày, dẫn đến thảm họa thiên tai về lũ, sạt lở nghiêm trọng tại nhiều địa phương.

Bão số 3 đã gây thiệt hại nghiêm trọng, nặng nề về người, tài sản, cây trồng, vật nuôi, các hạ tầng kinh tế - xã hội; ảnh hưởng rất lớn đến đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, hoạt động sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, du lịch.

Ảnh: Internet

Ảnh: Internet

Những dự án chiến lược về hạ tầng giao thông và năng lượng

Năm 2024, những dự án chiến lược về giao thông và năng lượng đã và đang tạo động lực phát triển kinh tế, đảm bảo năng lượng bền vững, khẳng định tầm nhìn chiến lược cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV thông qua nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, sơ bộ tổng vốn 1,7 triệu tỷ đồng, tương đương 67 tỷ USD, hoàn thành mục tiêu cơ bản vào năm 2035. Toàn tuyến được đầu tư với tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; có 23 ga hành khách, 5 ga hàng hóa; vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

Quốc hội cũng quyết nghị tái khởi động dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, nhằm đảm bảo an ninh năng lượng và hướng đến mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Với dự án sân bay Long Thành, Quốc hội đồng ý giai đoạn 1 đầu tư xây dựng hai đường cất hạ cánh ở phía Bắc và một nhà ga hành khách cùng các hạng mục phụ trợ đồng bộ với công suất 25 triệu hành khách/năm, 1,2 triệu tấn hàng hóa/năm.

Các dự án đầu tư hạ tầng giao thông và năng lượng đạt được kết quả kỳ vọng sẽ mang lại diện mạo mới cho đất nước và sự lan tỏa kinh tế sang nhiều lĩnh vực.

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Ngành ngân hàng đẩy mạnh xác thực sinh trắc học

Từ ngày 1/7/2024, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng triển khai xác thực sinh trắc học đối với giao dịch trực tuyến. Tính đến tháng 12/2024, 38 triệu lượt khách hàng đã hoàn tất xác thực sinh trắc học, giúp giảm 50% số vụ lừa đảo và trên 70% số tài khoản nhận tiền lừa đảo. Đây là bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ để bảo vệ người dùng và nâng cao an toàn cho các giao dịch tài chính.

Thông qua 3 luật tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản

Tháng 1/2024, Quốc hội thông qua ba luật quan trọng (Luật Đất đai, Luật Kinh doanh Bất động sản, Luật Nhà ở) với sự điều chỉnh đồng bộ và có hiệu lực từ ngày 1/8/2024. Các luật này tạo khung pháp lý minh bạch và thông thoáng hơn, tháo gỡ các “nút thắt” trong quản lý đất đai và phát triển bất động sản.

Ảnh: Vietnam+

Ảnh: Vietnam+

Luật Đất đai tập trung vào định giá đất sát với thị trường, giảm đầu cơ; Luật Kinh doanh Bất động sản hỗ trợ doanh nghiệp huy động vốn; trong khi đó, Luật Nhà ở chú trọng phát triển nhà ở xã hội. Các quy định này góp phần tăng cường tính minh bạch, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư và người dân.

Ổn định thị trường vàng, giảm chênh lệch giá vàng

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Ảnh minh họa/Nguồn: Internet

Trong năm 2024, thị trường chứng kiến những biến động khó lường của giá vàng với nhiều lần tăng mạnh, lập đỉnh lịch sử mới. Trước tình hình đó, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện biện pháp bình ổn thị trường vàng thông qua tổ chức đấu thầu vàng miếng và bán vàng trực tiếp qua các ngân hàng thương mại lớn như Vietcombank, BIDV, Agribank, VietinBank và SJC. Nhờ đó, chênh lệch giá vàng giữa trong nước và thế giới đã giảm mạnh từ 15-18 triệu đồng/lượng xuống còn 3-4 triệu đồng/lượng. Về lâu dài, để ổn định thị trường vàng, nhiều ý kiến đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên bãi bỏ tình trạng độc quyền nhập khẩu, sản xuất và kinh doanh vàng miếng, đảm bảo liên thông giữa thị trường vàng trong nước và quốc tế.

Phương Anh (T/H)

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhonline.vn/10-su-kien-kinh-te--xa-hoi-noi-bat-cua-viet-nam-nam-2024-d204244.html
Zalo