Thống nhất ban hành chính sách đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận

Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội thống nhất với sự cần thiết phải ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù cho điện hạt nhân Ninh Thuận.

Bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án

Sáng 14/2/2025, tiếp tục Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội nghe Tờ trình, Báo cáo thẩm tra về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy

Trình bày Báo cáo thẩm tra về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy cho biết, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) thống nhất với sự cần thiết phải ban hành một số cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Về thời điểm đề nghị thông qua Nghị quyết, Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, Chính phủ đề xuất đưa dự án điện hạt nhân Ninh Thuận vào vận hành trong năm 2030. Do đó, đề nghị nghiên cứu kỹ lưỡng và bổ sung giải pháp để bảo đảm mục tiêu hoàn thành dự án theo đề xuất của Chính phủ.

Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo bổ sung thông tin về cơ sở chính trị, pháp lý, chỉ đạo của cấp có thẩm quyền về mốc tiến độ để nêu bật cần thiết phải ban hành Nghị quyết ở thời điểm hiện tại thay vì ban hành cùng với Nghị quyết của Quốc hội phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận và dự án Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) (dự kiến trình tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, tháng 5/2025).

Ủy ban KH,CN&MT cũng cơ bản nhất trí về phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết. Tuy nhiên, đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc có được áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù tại Nghị quyết này đối với dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận sau khi được điều chỉnh hay không.

Bên cạnh đó, đề nghị bỏ điểm b khoản 2 dự thảo Nghị quyết về “Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam” vì Nghị quyết của Quốc hội chỉ quy định chung về các cơ chế, chính sách đặc thù. Hơn nữa, chủ trương đầu tư dự án còn chưa được điều chỉnh. Nghị quyết này sẽ là cơ sở để Thủ tướng Chính phủ giao chủ đầu tư thực hiện các dự án, do vậy, chưa nên quy định tên gọi chủ đầu tư cụ thể.

Về sự phù hợp với quy định của hệ thống pháp luật và tính tương thích với điều ước quốc tế, cam kết, thỏa thuận quốc tế, ông Lê Quang Huy đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ sự phù hợp của các chính sách với chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước, đồng thời, đề nghị rà soát các nội dung quy định tại dự thảo Nghị quyết bảo đảm tuân thủ đúng và đầy đủ Quy định 178-QĐ/TW ngày 27/6/2024 của Bộ Chính trị.

Cùng với đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát các nội dung đề xuất trong dự thảo Nghị quyết để bảo đảm đúng thẩm quyền của Quốc hội, hợp lý, khả thi, chính xác, tránh trùng lặp. Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy, có một số cơ chế, chính sách đặc thù tại dự thảo Nghị quyết không thuộc thẩm quyền của Quốc hội hoặc không có liên quan trực tiếp đến xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay là hợp lý

Về các cơ chế, chính sách cụ thể, Ủy ban KH,CN&MT cho biết, về lựa chọn nhà thầu, một số ý kiến tán thành các cơ chế lựa chọn nhà thầu được Chính phủ đề nghị trong dự thảo Tờ trình nhằm sớm triển khai dự án, rút ngắn thời gian đầu tư xây dựng.

Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Quốc hội nghe Báo cáo thẩm tra về các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, nội dung về chỉ định thầu đã được quy định trong Luật Đầu tư và phù hợp với việc lựa chọn nhà thầu trong đầu tư xây dựng dự án này, do đó đề nghị không đưa vào dự thảo Nghị quyết.

Việc áp dụng chỉ định thầu gói thầu chìa khóa trao tay là hợp lý để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Tuy nhiên, hình thức này có thể dẫn đến hạn chế cạnh tranh, nguy cơ lợi ích nhóm và thiếu minh bạch trong quá trình thực hiện.

Do đó, đề nghị cần có quy định rõ ràng về điều kiện áp dụng, tiêu chí lựa chọn nhà thầu, bổ sung cơ chế kiểm soát chặt chẽ các điều khoản hợp đồng, đặc biệt là các cam kết về công nghệ, bảo trì và chuyển giao công nghệ sau khi hoàn thành dự án.

Về phương án tài chính và thu xếp vốn, ông Lê Quang Huy nêu rõ, về các cơ chế, chính sách đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, đề nghị nghiên cứu, cân nhắc việc quy định cụ thể trong dự thảo Nghị quyết.

Về cơ chế để đảm bảo mức vốn đối ứng, Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ chỉ đạo làm rõ và khẳng định việc đánh giá lại tài sản để bổ sung vốn tự có, việc giữ lại toàn bộ lợi nhuận sau thuế còn lại để bổ sung vốn đối ứng... là hoàn toàn chỉ phục vụ cho việc triển khai dự án điện hạt nhân, không phục vụ cho bất kỳ mục đích nào khác.

Có ý kiến đề nghị cần có quy định chặt chẽ về hạn mức vay vốn, lãi suất, thời hạn trả nợ và các điều kiện ràng buộc khác có liên quan...; có các giải pháp kiểm soát sử dụng vốn vay đảm bảo đúng mục đích, hiệu quả.

Về công tác lập Báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM), đề nghị cần có biện pháp đảm bảo quyền tham gia của cộng đồng, đặc biệt là những người dân không có điều kiện tiếp cận Internet, bảo đảm tuân thủ theo các yêu cầu của IAEA.

Có ý kiến đề nghị thực hiện lồng ghép thủ tục về ĐTM, công nghệ, an toàn hạt nhân để giảm bớt quy trình, thủ tục. Ủy ban KH,CN&MT đề nghị Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, xem xét ý kiến trên và quy định rõ trong dự thảo Nghị quyết để tránh hiểu không cần thực hiện việc lập, thẩm định và phê duyệt Báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy kiến nghị Quốc hội xem xét, quyết định việc ban hành Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận.

Đồng thời, kiến nghị Chính phủ xin ý kiến của cơ quan có thẩm quyền về các cơ chế, chính sách liên quan theo quy định; chỉ đạo các cơ quan liên quan khẩn trương thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khi được ban hành, đảm bảo đúng chủ trương, chính sách của Đảng; hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách liên quan, trong đó có việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án, sửa đổi Luật Năng lượng nguyên tử và các cơ chế, chính sách đặc thù khác (nếu có).

Quỳnh Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thong-nhat-ban-hanh-chinh-sach-dac-thu-cho-dien-hat-nhan-ninh-thuan-373756.html
Zalo