'Thổi lửa' cho bánh tét truyền thống
Với người dân miền Tây Nam Bộ, bánh tét là món ăn không thể thiếu trên bàn thờ gia tiên những ngày giáp tết, đầu năm. Vì vậy, từ giữa tháng 12 Âm lịch, nhiều gia đình trong làng nghề bánh tét truyền thống tại xã Bình An, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An tất bật gói bánh số lượng lớn để mang đến mùa xuân đủ đầy cho mọi người.
Hỏi thăm nơi bán bánh tét ngon, đẹp mắt, người dân thường nhắc đến bánh tét Bình An (xã Bình An, huyện Thủ Thừa) làm nức lòng thực khách mấy chục năm nay. Trong đó, thương hiệu bánh tét Chín Mai của bà Nguyễn Thị Kiều Mai (ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa) được nhiều người ưa chuộng bởi vị ngọt thanh của nhân chuối, vị béo bùi đậm đà của đậu, mỡ, hương nếp dẻo thơm hòa quyện với mùi lá chuối thanh mát.
Mới gần 10 giờ, hơn 200 đòn bánh của bà đã bán gần hết. Ngày thường như thế, đến tết, bánh tét của bà Mai càng “đắt như tôm tươi”, mỗi ngày bán khoảng 1.500-2.000 đòn.
Bánh tét Chín Mai nói riêng và của cả Bình An nói chung đều nổi tiếng với hình trụ vuông tròn, lá gói nguyên vẹn, ít rách, còn giữ được vẻ thẳng thớm, màu xanh mà không bị héo, đen.
Để làm được điều này, người thợ phải có nhiều năm kinh nghiệm. Người đứng nấu phải biết ước lượng loại nồi, số lít nước, thời gian nấu hay canh thêm bớt lửa để bánh không bị nhão, khi chín đạt độ mềm, dẻo thơm.
Bà Mai tâm sự: “Nối nghiệp mẹ, tôi gắn bó với nghề hơn 40 năm nay. Những cách làm truyền thống được mẹ truyền lại, tôi vẫn giữ nhưng cũng đổi mới trong khâu nêm gia vị để tăng độ thơm ngon cho bánh. Do đó, người dùng nên ăn bánh trong khoảng 4 ngày để bảo đảm được hương vị thơm ngon”.
Là một trong những người có “thâm niên” gói bánh tét hơn 30 năm, bà Phan Thị Kim Liên (ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa) chưa từng phai nhạt tình yêu với nghề. Tuổi cao, sức yếu nhưng hàng ngày, bà vẫn tỉ mỉ gói từng đòn bánh.
Bà Liên kể: “30 năm nay, nghề gói bánh tét đã nuôi sống tôi và cả gia đình. Gần đây do bệnh nhiều, tôi không thể kinh doanh bánh tét như xưa. Tuy nhiên vì nhớ nghề, tôi nhận gói bánh cho cơ sở Chín Mai, mỗi ngày làm được từ 100-200 đòn. Được làm việc và trò chuyện với mọi người nên tôi vui lắm!”.
Đợi khách đến lấy những đòn bánh cuối cùng, bà Mai hoài niệm: “Hồi đó trong xóm ai cũng biết gói bánh tét. Tết đến, cả sân rộng chất đầy củi, nhóm gần chục nồi to để nấu bánh. Mệt mà vui lắm! Giờ già cả rồi, có nhà cả mẹ cả con đều đau bệnh nên chẳng còn sức giữ nghề gia truyền”.
Hiểu được nỗi trăn trở của bà, từ khi về làm dâu, chị Võ Thị Thanh Thúy (ấp Vàm Kinh, xã Bình An, huyện Thủ Thừa) tự mày mò học gói bánh phụ giúp mẹ.
Chị Thúy kể: “Mỗi ngày, vợ chồng tôi dậy từ 2 giờ sáng để vớt bánh nấu từ hôm trước, sau đó chuẩn bị cho các mối đến lấy. Trong thời gian đó, tôi rửa nguyên liệu, lau lá, ướp chuối và thịt heo, làm nhân bánh cho thợ đến gói. Sau khi thợ gói xong đòn bánh nào, chúng tôi sẽ lần lượt cho vào nồi để nấu, đến sáng hôm sau thì chín và vớt ra”.
Với bà Mai, bà Liên, chị Thúy hay những người trong làng nghề truyền thống, giữ nghề gói bánh tét không chỉ là kế thừa nề nếp gia đình mà còn là cách để giữ gìn hương vị quê hương mỗi dịp tết đến, xuân về./.