Lễ hội Gầu Tào: Nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mông

Gầu Tào là lễ hội truyền thống của người Mông và được cộng đồng dân tộc Mông thuộc các huyện Mường Khương, Bắc Hà, Si Ma Cai và thị trấn Phong Hải, tỉnh Lào Cai gìn giữ từ xưa đến nay. Năm 2025, tại Si Ma Cai, lễ hội sẽ diễn ra từ mùng 3 đến mùng 5 Tết Ất Tỵ, hứa hẹn thu hút đông đảo người dân và du khách.

Công tác chuẩn bị tổ chức Lễ hội Gầu Tào huyện Si Ma Cai năm 2025 (Phùng Minh Thắng)

Nét đẹp tinh thần của đồng bào dân tộc Mông

Theo phong tục, khi một gia đình người Mông không có con, ít con hoặc sinh con một bề hay có người ốm đau hoặc làm ăn không tốt…, họ sẽ lên đồi Gầu Tào khấn xin thần linh ban cho con cái, cầu xin sức khỏe hay làm ăn thuận lợi. Khi lời cầu khấn trở thành hiện thực, họ làm lễ Gầu Tào để tạ ơn thần linh.

“Gầu Tào” theo tiếng dân tộc Mông có nghĩa là “chơi ngoài trời”, hay “hội chơi trên đồi”. Theo tập quán, lễ hội Gầu Tào thường do 3 gia đình có quan hệ huyết thống hoặc thông gia với nhau và có chung hoàn cảnh như nêu trên cùng tổ chức.

Địa điểm làm lễ Gầu Tào được gọi là Hấu Tào (Đồi Hội), là một quả đồi thấp, đỉnh bằng phẳng tạo nên một bãi rộng và được bao quanh bởi những ngọn đồi cao hơn, phía trước có một không gian trũng, hẹp. Người Mông quan niệm, quả đồi Gầu Tào tượng trưng cho phúc mệnh của gia chủ. Trong đó, không gian trũng phía trước tượng trưng cho sự đứt gãy, không may mắn; những ngọn đồi phía sau cao hơn tượng trưng cho sự phát triển: Con cái hơn cha mẹ, tài lộc ngày càng nhiều.

Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.

Lễ hội thu hút đông đảo người dân và du khách thập phương.

Lễ hội diễn ra vào mùa xuân trong ba năm liền. Mỗi năm, một cây nêu sẽ được dựng lên và ba gia chủ sẽ lần lượt lấy cây nêu cùng những vật treo trên cây về để lấy phúc, lấy lộc. Điểm đặc biệt, quả đồi tổ chức lễ Gầu Tào phải quay theo hướng Đông để cây nêu khi dựng lên đón được ánh nắng mặt trời.

Để tổ chức lễ Gầu Tào, gia chủ phải mời chủ lễ (Trứ Tào) giúp chủ trì lễ hội và một người phụ nữ giúp việc (Nẹ Tào), đều phải là những người có gia cảnh yên ấm, hạnh phúc, kinh tế khá giả; cùng với hai thanh niên, nam nữ, giúp chủ lễ là Tú Tào và Sảy Tào.

Lễ hội tổ chức vào tháng Giêng hằng năm, nhưng việc chuẩn bị được tiến hành từ cuối tháng Chạp, với hai nghi lễ là chặt tre và dựng nêu. Ngày chính hội được tổ chức từ mùng 2 đến mùng 4 Tết, tùy theo tuổi của gia chủ hợp với ngày nào. Chủ lễ và người giúp việc treo đồ lễ lên cây nêu, đặt tiền mã dưới gốc và quỳ xuống khấn, vái cây nêu. Sau nghi lễ cúng bên cây nêu, chủ lễ tuyên bố mở đám hội.

Nghi thức hát mở màn lễ hội được thực hiện bởi một người thạo hát nhưng phải có gia đình khỏe mạnh, kinh tế khá giả. Sau đó, mọi người dự hội đều có thể vào hát, trình diễn và thưởng thức các trò chơi, múa khèn, múa võ, múa gậy sinh tiền, hát hội Chù Gầu Tào… và đều được chủ lễ mời rượu. Ngày hội này cũng là dịp để nam nữ chuẩn bị quần áo đẹp, vui chơi cùng chúng bạn, gặp gỡ người yêu… để bộc bạch tình cảm qua những bài hát mà thường ngày họ không thể thổ lộ.

Lễ hội Gầu Tào kéo dài trong ba ngày. Chiều ngày thứ ba, chủ lễ tuyên bố lễ hạ cây nêu, rồi cầm ô dẫn đoàn người đi ngược chiều kim đồng hồ xung quanh cây, hát bài “khâu dìn sê” (hạ cây nêu).

Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

Lễ hội Gầu Tào được xem là lễ hội lớn nhất trong năm của người Mông, mang ý nghĩa cầu phúc, cầu lộc, tạ ơn trời đất và tổ tiên đã phù hộ cho gia đình một năm an lành, bội thu. Đây cũng là dịp để cộng đồng gắn kết, gặp gỡ và vui chơi sau một năm lao động vất vả.

Tuy nhiên, lễ hội Gầu Tào của người Mông nói chung, ở Lào Cai nói riêng, đang dần mai một, vì các nghệ nhân đều đã cao tuổi mà họ chỉ truyền dạy cho con trai trưởng nên đã hạn chế việc trao truyền cho thế hệ kế tiếp. Hơn nữa, giới trẻ ngày càng không mặn mà với việc tham gia các nghi lễ cũng như các hoạt động trình diễn truyền thống trong lễ hội.

Để khẳng định giá trị về mặt lịch sử, văn hóa, khoa học cũng như sự cần thiết bảo vệ và phát huy di sản này, Lễ hội Gầu Tào của người Mông ở Lào Cai đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia (đợt 1, tháng 12/2012), loại hình Lễ hội truyền thống.

Theo kế hoạch của huyện Si Ma Cai, lễ hội Gầu Tào (Grâuk Taox) năm nay tại huyện Si Ma Cai dự kiến sẽ diễn ra từ ngày 31/01/2025 (tức ngày 03/01 âm lịch) đến ngày 02/02/2025 (tức ngày 05/1 âm lịch).

Lễ hội bao gồm các chuỗi hoạt động đa dạng và phong phú như: Lễ tế dân gian; Hội thi múa Khèn Mông giữa các xã, thị trấn trong huyện Si Ma Cai; giao lưu văn nghệ giữa nhân dân và du khách; tổ chức các trò chơi dân gian (đu quay, ném còn, đánh én, bịt mắt bắt vịt,…); giao lưu các môn thể thao đẩy gậy, bắn nỏ.

Lễ hội hứa hẹn sẽ tái hiện một cách sinh động về phong tục tập quán tốt đẹp, lâu đời, lành mạnh và nét đẹp tinh thần của đồng bào dân tộc Mông huyện Si Ma Cai, đồng thời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ các giá trị văn hóa tinh thần của nhân dân các dân tộc trong và ngoài huyện.

Pv

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/le-hoi-gau-tao-net-van-hoa-doc-dao-cua-dong-bao-dan-toc-mong-467339.html
Zalo