Thời hàng hóa giá rẻ ở Mỹ đã hết

Các chương trình áp thuế quan lên hàng hóa nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump đang khiến cho lạm phát trở thành một thách thức lớn hơn đối với nước Mỹ...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Từ trước khi ông Trump bắt đầu áp thuế quan trong nhiệm kỳ thứ hai, một thời kỳ dài mà giá của các hàng hóa thiết yếu hàng ngày ở Mỹ trở nên rẻ hơn đã gần đi tới hồi kết.

Giá cả hàng hóa nói chung thường tăng lên theo thời gian. Nhưng trong vòng 20 năm trước khi đại dịch Covid-19 xảy ra, rổ hàng hóa vật lý mà người tiêu dùng điển hình ở Mỹ mua không hề đắt thêm thậm chí dù 1 cent. Giá của những hàng hóa lõi trong rổ chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - nhóm không bao gồm thực phẩm và xăng dầu - thậm chí đã giảm 1,7% trong thời gian từ tháng 12/2011 đến tháng 12/2019. Trong cùng khoảng thời gian, giá của các dịch vụ lõi như nhà cửa, chăm sóc y tế và giáo dục tăng 2,7% mỗi năm. Sự kết hợp giữa giá dịch vụ tăng và giá hàng hóa giảm là mức lạm phát lõi hàng năm 2%, theo tờ báo Wall Street Journal.

Trong thời gian đại dịch, giá hàng hóa ở Mỹ tăng mạnh, đạt đỉnh vào mùa hè năm 2023 rồi giảm dần trong 12 tháng sau đó. Nhưng vào tháng 9/2024, giá hàng hóa lõi bắt đầu tăng trở lại, bình quân tăng 0,1% mỗi tháng, bao gồm tăng 0,2% trong tháng 2/2025. “Dữ liệu lạm phát giá hàng hóa đang cao, sau một chuỗi dữ liệu bình quân gần 0”, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell phát biểu.

“Các số liệu gần đây đang nói lên một điều rằng đối với hàng hóa bây giờ, không còn động lực giảm phát như hồi những năm 2010 nữa”, nhà kinh tế trưởng Steven Blitz của Công ty nghiên cứu TS Lombard nhận xét. Ông Blitz nhận định lạm phát giá hàng hóa sẽ đẩy giá cả nói chung ở Mỹ tăng khoảng 3% mỗi năm, cao hơn mục tiêu lạm phát 2% mà Fed đề ra. Sau khi giảm mạnh từ mức đỉnh thiết lập vào năm 2022, lạm phát lõi ở Mỹ - tính theo thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng là chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) lõi - đã chững lại trong vùng 2,6-3%.

NHỮNG YẾU TỐ GIỮ GIÁ HÀNG HÓA Ở MỸ KHÔNG TĂNG TRONG NHIỀU NĂM

Giảm phát là xấu nếu lan rộng trong toàn bộ nền kinh tế. Tuy nhiên, giảm phát ở một khu vực nhất định - chẳng hạn ở các hàng hóa lõi, nhóm chiếm khoảng 20% rổ CPI - có thể mang lại lợi ích cho người tiêu dùng. Giảm phát như vậy thường là một dấu hiệu cho thấy hàng hóa đang trở nên tốt hơn mà không đắt hơn nhờ sự cải thiện năng suất và tiến bộ công nghệ. Giá máy tính qua nhiều thập kỷ là một ví dụ điển hình.

Đó là một lý do vì sao giá hàng hóa ở Mỹ gần như không thay đổi trong suốt 20 năm. Thương mại là một yếu tố khác cần phải kể đến, theo nhà kinh tế học Ryan Monarch của Đại học Syracuse. Việc Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) vào năm 2001 đã khơi một dòng chảy mạnh mẽ của hàng hóa xuất khẩu sang Mỹ: kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc sang Mỹ đã tăng 500 lần trong thời gian từ năm 1998 đến 2014. Vì vậy, lạm phát giá hàng hóa nhập khẩu nói chung của Mỹ thấp đi 0,6 điểm phần trăm so với trường hợp Trung Quốc không vào WTO, theo một nghiên cứu do ông Monarch và nhà kinh tế Colin Hottman của Fed phối hợp thực hiện.

Trong tương lai, Mỹ sẽ khó có được những lợi ích như vậy. “Sẽ không có một Trung Quốc thứ hai nào xuất hiện trong nền kinh tế toàn cầu nữa”, ông Monarch nói.

Thị trường năng lượng cũng đã mang tới những may mắn. Giá dầu thế giới vào năm 2019 rẻ hơn so với ở thời điểm đầu thập niên 2010, một phần nhờ cuộc cách mạng trong lĩnh vực khai thác dầu đá phiến ở Mỹ. Giá dầu rẻ hơn giúp giảm chi phí sản xuất và vận chuyển đối với hàng hóa cả sản xuất trong nước và nhập khẩu.

Hiện nay, trong khi giá hàng hóa nhập khẩu không còn giảm như trước nữa, việc ông Trump áp thuế quan có thể khiến cho hàng nhập khẩu càng đắt đỏ hơn. Ông Trump đã áp thuế quan 25% lên thép và nhôm nhập khẩu, thuế quan bổ sung 20% lên toàn bộ hàng hóa Trung Quốc, thuế qua 25% lên hàng hóa Canada và Mexico, và thuế quan 25% lên tất cả ô tô nhập khẩu. Ngày 2/4, ông tiếp tục áp thuế quan đối ứng lên hơn 180 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, với mức thuế cơ sở 10% và lên tới khoảng 50% đối với nhiều quốc gia.

Các nhà kinh tế của Ngân hàng Goldman Sachs dự báo thuế quan sẽ đẩy tốc độ lạm phát lõi theo thước đo ưa thích của Fed lên khoảng 3% trong năm nay, từ mức dự báo 2,8% đưa ra hồi tháng 2. Một tháng sau khi ông Trump áp thuế lên hàng hóa Canada và Mexico, chi phí của việc di chuyển hàng hóa qua các biên giới ở Bắc Mỹ đang trở nên đắt đỏ hơn. “Tôi cho rằng chúng ta chưa từng chứng kiến một hành động thương mại nào dẫn tới sự phản ứng mà chúng ta đang thấy hiện nay, xét về sự bất an, hoang mang và tác động thay đổi các mô hình kinh doanh”, bà Breanna Leininger, Phó Chủ tịch của Công ty quản lý thương mại PCB Global Trade Management có trụ sở ở Canada, nói với Wall Street Journal.

ÁP LỰC LẠM PHÁT TẠM THỜI HAY LÂU DÀI?

Một cuộc khảo sát có sự tham gia của 400 giám đốc tài chính (CFO) do Fed chi nhánh Richmond, Fed Chi nhánh Atlanta, và Đại học Duke thực hiên, với kết quả công bố cách đây ít lâu cho thấy các công ty không nhập khẩu hàng hóa từ Canada, Mexico và Trung Quốc dự kiến sẽ tăng giá bán hàng hóa 2,9% trong năm nay. Tuy nhiên, các công ty phụ thuộc nhiều vào nguồn hàng từ các quốc gia bị áp thuế quan này có kế hoạch tăng giá 5,1%.

Theo Chủ tịch Scott Moran của Công ty Dịch vụ kế toán doanh nghiệp Sutker Moran, nhiều doanh nghiệp vẫn đang bán những hàng hóa mà họ đã nhập trước khi thuế quan được áp. “Nhưng chi phí đã bắt đầu tăng do thuế quan, và một số khách hàng của ông Moran buộc phải tính đến việc tăng giá hàng hóa trong năm nay”, ông Moran tiết lộ và nói thêm “họ chỉ có thể trì hoãn đến vậy việc tăng giá”.

Về lý thuyết, việc tăng thuế quan một lần sẽ chỉ dẫn tới sự tăng giá hàng hóa một lần. Tốc độ lạm phát chỉ tăng tạm thời rồi sau đó giảm về mức cũ sau khi thuế quan đã được triển khai khoảng 1 năm. Nhưng trên thực tế, thuế quan có thể làm gia tăng áp lực lạm phát theo những cách khác.

Thông qua việc làm giảm mức độ cạnh tranh, các hàng rào thương mại cho phép các nhà sản xuất trong nước tăng giá cả nhiều hơn. Một ví dụ là khoảng cách giữa giá thép giữa Mỹ và thị trường thế giới đã tăng mạnh từ tháng 1/2025 do thuế quan được áp. Với sự cạnh tranh của hàng hóa nước ngoài giảm bớt, các nhà sản xuất trong nước sẽ đương đầu với ít sức ép hơn trong việc ứng dụng các công nghệ mới nhất hoặc tăng năng suất lao động. Điều này sẽ làm tăng áp lực giá cả trong dài hạn.

Trong cuộc họp chính sách tiền tệ vào tháng 3 vừa rồi, giới chức Fed đã thừa nhận áp lực giá cả do thuế quan thông qua việc nâng dự báo lạm phát năm 2025. Dù vậy, họ cũng phát tín hiệu rằng áp lực này có thể chỉ là vấn đề tạm thời, bằng cách giữ nguyên dự báo sẽ có hai lần giảm lãi suất trong năm nay...

Nội dung đầy đủ của bài viết được đăng tải trên Tạp chí Kinh tế Việt Nam số 14-2025 phát hành ngày 07/04/2025. Kính mời Quý độc giả tìm đọc tại đây:

https://postenp.phaha.vn/tap-chi-kinh-te-viet-nam/detail/1308

An Huy

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thoi-hang-hoa-gia-re-o-my-da-het.htm
Zalo