Tạo cơ chế để 'kỳ lân' công nghệ Việt phát triển đột phá

Thị trường vốn là 'chìa khóa' để doanh nghiệp (DN) công nghệ phát triển đột phá. Tuy nhiên, thực trạng hiện nay cho thấy có không ít kỳ lân và 'startup' tiềm năng của Việt Nam đang phải 'xuất ngoại' để tìm nguồn lực phát triển. Trong bối cảnh đó, việc mở khóa thị trường vốn thông qua cải cách thể chế, xây dựng chính sách đặc thù cho DN công nghệ là điều kiện cấp thiết.

Việc mở khóa thị trường vốn thông qua cải cách thể chế, xây dựng chính sách đặc thù cho DN công nghệ là điều kiện cấp thiết

Thể chế đi trước, mở đường cho vốn đầu tư vào công nghệ

Ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Chính phủ cũng đã nhanh chóng cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 03/NQ-CP với 7 nhóm nhiệm vụ hành động, trong đó nhiệm vụ hoàn thiện thể chế được nhấn mạnh là then chốt. Theo đó, Chính phủ yêu cầu: "Khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh".

Thực tế, trong nhiều cuộc họp gần đây, Chính phủ đã nhấn mạnh rằng phát triển DN công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo là trụ cột để Việt Nam chuyển mình trong kỷ nguyên số. Cũng theo chỉ đạo của Chính phủ, trong năm 2025, các bộ ngành liên quan phải hoàn thiện các văn bản pháp luật sửa đổi để hỗ trợ huy động vốn linh hoạt hơn cho startup, đồng thời xây dựng chương trình hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo gắn với nguồn lực tài chính dài hạn.

Nhiều chuyên gia cho rằng để thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược của Nghị quyết 57, thì hoàn thiện thể chế phải đi trước một bước, cả trong tư duy, công cụ chính sách lẫn khung pháp lý điều tiết.

Một trong những nút thắt lớn nhất hiện nay chính là thị trường vốn. Thị trường chứng khoán- vốn được kỳ vọng là kênh huy động vốn trung và dài hạn cho DN nhưng lại chưa thực sự hỗ trợ được các công ty công nghệ. Lý do là bởi những quy định hiện hành chủ yếu được xây dựng cho các DN sản xuất – kinh doanh truyền thống, trong khi mô hình hoạt động và chu kỳ tài chính của DN công nghệ lại hoàn toàn khác biệt.

Dưới góc độ Công ty chứng khoán hoạt động lâu năm trên thị trường, bà Nguyễn Ngọc Anh, Tổng giám đốc SSI Asset Management (SSIAM) chia sẻ: Các DN công nghệ khi tìm đến SSIAM thường đặt câu hỏi liệu họ có thể huy động vốn tại thị trường nước ngoài hay không, chứ ít ai hỏi về khả năng gọi vốn tại thị trường Việt Nam. Theo bà Nguyễn Ngọc Anh, trong 10 năm qua, Việt Nam gần như không có IPO công nghệ lớn nào. Thậm chí ngay cả vào giai đoạn 2017–2019 – thời kỳ đỉnh cao của IPO – cũng hoàn toàn vắng bóng DN công nghệ.

So sánh với khu vực cho thấy sự chậm nhịp đáng lo ngại. Ví dụ như, Indonesia đã chứng kiến nhiều thương vụ IPO công nghệ quy mô lớn như GoTo Group – hợp nhất giữa Gojek và Tokopedia – IPO thành công với định giá hơn 28 tỷ USD, hay Bukalapak IPO hơn 1,5 tỷ USD.

Theo nhóm chuyên gia của Viện Chiến lược phát triển kinh tế số, mô hình tăng trưởng "đốt tiền để giành thị phần" khiến các startup công nghệ khó có thể đáp ứng các tiêu chí tài chính như lợi nhuận ổn định hay không có lỗ lũy kế. Trong khi đó, Luật Chứng khoán hiện hành vẫn yêu cầu DN IPO phải có lãi 2 năm liên tiếp và không được lỗ lũy kế. Đây được xem là "rào cản kỹ thuật" khiến hầu hết DN công nghệ bị loại từ "vòng gửi xe".

TS Trần Văn – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số

TS Trần Văn – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số

Cần một hành lang pháp lý hỗ trợ hơn cho DN công nghệ

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, TS Trần Văn – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển kinh tế số (IDS) thẳng thắn cho rằng: Nếu vẫn duy trì cơ chế cũ, thì DN công nghệ Việt khó có thể tiếp cận thị trường vốn trong nước. Ông Trần Văn lập luận rằng nhà đầu tư hiện nay đã thay đổi "khẩu vị rủi ro", họ có thể chấp nhận đầu tư vào các DN đang trong giai đoạn đầu hoặc chưa có lợi nhuận nếu thấy được tiềm năng tăng trưởng.

TS Trần Văn dẫn ví dụ, theo quy định của Điều 15 Luật Chứng khoán, các doanh nghiệp muốn IPO nhằm mục đích niêm yết trên sàn chứng khoán phải đáp ứng điều kiện hoạt động kinh doanh của 2 năm liên tục liền trước năm IPO, đồng thời không có lỗ lũy kế tính đến năm đăng ký chào bán.

Quy định này được đặt ra nhằm mục đích đảm bảo chất lượng chứng khoán niêm yết, bảo vệ các nhà đầu tư trên thị trường khỏi nguy cơ thua lỗ khi đầu tư vào các doanh nghiệp kém hiệu quả. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay "khẩu vị rủi ro" của nhà đầu tư đã thay đổi, và các phương pháp định giá tài sản, đánh giá rủi ro của nhà đầu tư nước ngoài cũng đã khác hơn nhiều so với trước đây thì việc cơ chế cũ sẽ tạo thành "nút thắt" cản trở các doanh nghiệp công nghệ Việt tiếp cận thị trường vốn để phát triển, các nhà đầu tư mất đi cơ hội đầu tư vào các start-up công nghệ cho dù họ có đầy đủ thông tin doanh nghiệp và chấp nhận rủi ro để đầu tư.

TS Nguyễn Đức Kiên – nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết

TS Nguyễn Đức Kiên – nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết

Còn TS Nguyễn Đức Kiên – nguyên Tổ trưởng Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho biết, tại Việt Nam, các startup công nghệ vẫn huy động được vốn ở giai đoạn đầu như vòng hạt giống (seed), Series A, Series B từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, khi chuyển sang giai đoạn Series C trở đi, với nhu cầu vốn trên 50 triệu USD, thì gần như không còn kênh vốn trong nước nào đủ sức đáp ứng.

Hệ quả là hoặc các startup buộc phải bán mình sớm, hoặc phải phá sản giữa chừng do thiếu vốn.

"Nhiều quốc gia trong khu vực đã chấp nhận sự khác biệt và xây dựng cơ chế riêng cho DN công nghệ, từ đó thu hút thành công vốn đầu tư lớn. Việt Nam không thể đứng ngoài cuộc chơi này", TS Nguyễn Đức Kiên cũng nhấn mạnh.

Ông Dương Quốc Anh-nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Ông Dương Quốc Anh-nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội

Từ góc độ chính sách thị trường, ông Dương Quốc Anh-nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Quốc hội phân tích: Bằng cách niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán, doanh nghiệp có thể tiếp cận nguồn vốn mới từ các nhà đầu tư trên thị trường mở, gồm nhà đầu tư cá nhân, quỹ đầu tư, các tổ chức tài chính. Điều này giúp tăng cơ hội huy động vốn so với việc chỉ dựa vào các nhà đầu tư cá nhân hoặc các tổ chức đầu tư ban đầu.

Vị chuyên gia này đề xuất cần có hai hướng đi song song: trước mắt, Nhà nước cần xây dựng cơ chế nới lỏng điều kiện niêm yết cho DN công nghệ. Về lâu dài, nên thành lập một sàn giao dịch riêng biệt cho lĩnh vực công nghệ. Ông Dương Quốc Anh gợi ý, mô hình này đã được áp dụng thành công tại nhiều quốc gia như Hàn Quốc, Trung Quốc và Singapore.

"Nếu kiến nghị này sớm được hiện thực hóa, Việt Nam không chỉ có thêm một kênh IPO sôi động mà còn tạo ra môi trường đầu tư minh bạch, hấp dẫn cho các DN công nghệ. Đồng thời, điều đó cũng khuyến khích các startup đặt trụ sở tại Việt Nam, thay vì chuyển ra nước ngoài, một yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế trong nước", ông Dương Quốc Anh nói.

Anh Minh

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/tao-co-che-de-ky-lan-cong-nghe-viet-phat-trien-dot-pha-102250407190921165.htm
Zalo