Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nêu giải pháp ứng phó chính sách thuế của Hoa Kỳ

Trước chính sách thuế của Hoa Kỳ, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là không đối đầu, mà tìm kiếm các giải pháp tổng thể, lâu dài, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc đàm phán.

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại cuộc họp chiều 7/4. (Ảnh: Khương Trung)

Bộ trưởng Đỗ Đức Duy phát biểu tại cuộc họp chiều 7/4. (Ảnh: Khương Trung)

Thông tin từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết trước thách thức lớn từ chính sách thuế quan mới của Hoa Kỳ đối với các doanh nghiệp và ngành nông - lâm sản Việt Nam, chiều nay, 7/4, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã có cuộc họp với đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, cũng như tiếp thu những kiến nghị, đề xuất của các doanh nghiệp.

Tại cuộc họp, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường nhấn mạnh quan điểm của Việt Nam là không đối đầu, mà tìm kiếm các giải pháp tổng thể, lâu dài, trong đó đặc biệt chú trọng tới việc đàm phán.

Đoàn kết, đồng lòng vì lợi ích chung

Chia sẻ tại cuộc họp chiều 7/4, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết trong những ngày qua, Đảng, Nhà nước và Chính phủ đã triển khai nhiều giải pháp linh hoạt để ứng phó với các thay đổi trong chính sách thuế của Hoa Kỳ.

Mặc dù các bộ, ngành đã chuẩn bị kỹ lưỡng và có những phương án dự phòng từ trước, nhưng mức thuế cao được công bố vẫn khiến nhiều doanh nghiệp bất ngờ. Thực tế, ngay trong nội bộ Hoa Kỳ cũng đang có những ý kiến trái chiều về chính sách này, làm cho các diễn biến trong thời gian tới trở nên khó lường.

Không chỉ là vấn đề thuế quan, chính sách này còn liên quan đến các yếu tố như chênh lệch thương mại hai chiều, thuế phi thuế quan và nhiều yếu tố khác mà Hoa Kỳ đã nắm rất rõ thông tin. Điều này dẫn đến việc nhiều doanh nghiệp và đối tác thương mại của Mỹ đã phải tạm dừng hoặc hủy bỏ hợp đồng với Việt Nam.

“Mặc dù Chính phủ đã nỗ lực hết mình để hỗ trợ, nhưng chúng ta cũng phải luôn chuẩn bị cho kịch bản xấu nhất, trong đó đã có những cuộc trao đổi, thuyết phục với các đại diện Hoa Kỳ tại Việt Nam,” ông Duy nhấn mạnh.

Theo đó, để có kết quả thuận lợi, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết Chính phủ và các bộ, ngành xác định phương châm chỉ đạo là bình tĩnh, linh hoạt, bám sát thực tiễn, đồng hành cùng doanh nghiệp và chủ động đàm phán. Trong đó, quan điểm của Việt Nam là không đối đầu, mà tìm kiếm các giải pháp tổng thể, lâu dài.

Với tinh thần đó, ông Duy nhấn mạnh: “Chính phủ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và sẽ tiếp tục lắng nghe, hiến kế để tìm ra những giải pháp thiết thực. Trong đó, việc đoàn kết, đồng lòng vì lợi ích chung của cộng đồng ngành hàng và quốc gia sẽ là yếu tố quyết định trong giai đoạn khó khăn này.”

Ông Duy cũng lưu ý trong các cuộc đàm phán, Việt Nam cần phát huy những lợi thế sẵn có của nông sản như chất lượng tốt, giá cả cạnh tranh, không trực tiếp cạnh tranh với sản xuất nội địa Hoa Kỳ và nhiều mặt hàng không có lựa chọn thay thế.

Mặt khác, theo ông Duy, Việt Nam cũng cần nhìn nhận thách thức cũng là cơ hội để tái cơ cấu sản xuất, ngành hàng và thị trường xuất khẩu. Đây là thời điểm phù hợp để thúc đẩy phát triển các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, hướng tới mô hình sản xuất bền vững, chất lượng cao hơn. Hoa Kỳ vẫn là một trong những thị trường lớn, giàu tiềm năng và có tỷ suất lợi nhuận cao đối với nông sản Việt.

“Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã và sẽ tiếp tục triển khai các giải pháp đã được Chính phủ chỉ đạo từ trước. Trong đó, việc đàm phán với các đối tác của Mỹ như Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ, nhằm có tiếng nói chung với Chính phủ Hoa Kỳ,” ông Duy thông tin.

Theo đó, Bộ Nông nghiệp và Môi trường sẽ trao đổi với các địa phương, đề nghị doanh nghiệp và bà con nông dân duy trì kế hoạch sản xuất, không thay đổi trong thời gian này. Bộ cũng sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp tìm kiếm thị trường thay thế và tiếp tục ghi nhận các kiến nghị từ doanh nghiệp, hiệp hội để đề xuất với Chính phủ.

 (Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

(Ảnh minh họa. Nguồn: TTXVN)

Cùng với đó, cơ quan quản lý Nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp cũng sẽ rà soát các rào cản kỹ thuật về cả xuất khẩu lẫn nhập khẩu nông sản, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông nghiệp từ Hoa Kỳ; phối hợp với các doanh nghiệp nghiên cứu phát triển các ngành sản xuất vật tư đầu vào cho nông nghiệp, như thức ăn chăn nuôi và thuốc bảo vệ thực vật, nhằm giảm chi phí đầu vào; khuyến khích chế biến sâu, tái cơ cấu sản xuất, nâng cao năng lực tạm trữ, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa.

Sẵn sàng ứng phó với tinh thần chủ động

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cũng ghi nhận các kiến nghị quan trọng từ phía các doanh nghiệp và hiệp hội, như: Đàm phán riêng về gói thuế nông sản với phía Hoa Kỳ, hiện đã được trao đổi bước đầu với Chính phủ và đoàn công tác của Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc; nghiên cứu khả năng dịch chuyển chuỗi sản xuất (ví dụ như nhập gỗ tròn từ Hoa Kỳ, chế biến trong nước, xuất khẩu sang Trung Quốc); rà soát thuế xuất khẩu đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường ngoài Hoa Kỳ, đảm bảo hài hòa lợi ích.

Cùng với đó là các giải pháp như: Đề xuất với Bộ Tài chính về việc rút ngắn thời gian hoàn thuế VAT, tạo thuận lợi về dòng tiền cho doanh nghiệp; kiến nghị xác định lại khái niệm “sơ chế” đối với sản phẩm thủy sản xuất khẩu, để đảm bảo chính sách thuế ưu đãi, VASEP đã cam kết sớm gửi văn bản chính thức; đẩy mạnh giảm chi phí logistics, hỗ trợ doanh nghiệp về vận chuyển, lưu kho, bảo quản hàng hóa.

Một số ý kiến cũng đề xuất gói hỗ trợ tổng thể trong trường hợp đàm phán không đạt kết quả tích cực gồm hỗ trợ tín dụng, miễn giảm tiền thuê đất, giãn thời gian nộp thuế, hỗ trợ nông dân trong sản xuất, nuôi trồng và thành lập Quỹ phát triển công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Trên cơ sở đó, người đứng đầu Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng đề nghị các doanh nghiệp, hiệp hội sớm hoàn thiện văn bản kiến nghị, gửi về bộ để tổng hợp, báo cáo Chính phủ một cách hệ thống, đồng bộ và có cơ sở pháp lý.

Theo ông Duy, dù đang phải đối mặt với những khó khăn lớn, nhưng thông điệp từ Chính phủ đã rõ ràng là không bị động, không bị cuốn vào đối đầu, luôn sẵn sàng hành động với tinh thần chủ động, trách nhiệm và bản lĩnh.

Với sự quyết tâm, đồng lòng của các cấp, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy tin tưởng Việt Nam sẽ vượt qua khó khăn này, giữ vững được thị trường và phát triển bền vững trong tương lai.

“Chính phủ sẽ luôn đồng hành và tìm kiếm những giải pháp lâu dài, bền vững cho nền nông nghiệp Việt Nam. Trong đó, nhà nước và doanh nghiệp, hiệp hội, nông dân phải sát cánh, nắm tay nhau ‘vượt bão.’ Mỗi khó khăn đều là một cơ hội để nhìn lại, tái cấu trúc, nâng cấp chuỗi giá trị và hướng đến một nền nông nghiệp hiện đại, vững vàng hơn trên bản đồ thương mại toàn cầu,” ông Duy nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/bo-truong-do-duc-duy-neu-giai-phap-ung-pho-chinh-sach-thue-cua-hoa-ky-post1025314.vnp
Zalo