Ngành gỗ cần bình tĩnh ứng phó với 'bão' thuế quan
Mang lại nguồn thu hàng chục tỷ USD từ xuất khẩu, song ngành gỗ đang phải đối mặt với 'bão' thuế quan, khi Mỹ dự kiến áp dụng mức thuế đối ứng 46% với Việt Nam vào ngày 9/4 tới đây.

Ngành gỗ cần bình tĩnh ứng phó với "bão" thuế quan. Ảnh ST
Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) Ngô Sỹ Hoài đã có chia sẻ với Báo Kiểm toán về vấn đề này và những lưu ý dành cho doanh nghiệp để vượt qua khó khăn hiện nay.
Xin ông có thể cho biết về tình hình xuất khẩu của ngành gỗ hiện nay?
Tiếp đà tăng trưởng năm 2024, xuất khẩu gỗ 3 tháng đầu năm 2025 đạt 3,95 tỷ USD, tăng 11,6% so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, riêng tháng 3, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 1,5 tỷ USD.
Đáng chú ý, Hoa Kỳ là thị trường tiêu thụ gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam, chiếm thị phần 53,1%. Nhật Bản và Trung Quốc là hai thị trường lớn tiếp theo với thị phần tương ứng là 13,2% và 10,6%.
Đây là những con số tăng trưởng rất ấn tượng, cho thấy dư địa tăng trưởng của ngành gỗ còn rất lớn, khi các năm sau đều tăng hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, bên cạnh những tín hiệu tích cực, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ cũng đang phải đối diện với nhiều thách thức.
Trong đó, các doanh nghiệp gỗ của Việt Nam phần lớn là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô hộ gia đình, dễ chịu tác động từ thị trường; cũng như gặp nhiều khó khăn trong việc đổi mới, hiện đại hóa quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm.

Ông Ngô Sỹ Hoài. Ảnh: N.Lộc
Nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu gỗ chưa thực sự ổn định và thiếu nguyên liệu gỗ lớn, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nhập khẩu gỗ từ nước ngoài dẫn đến tăng giá thành sản phẩm, từ đó ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của gỗ Việt với các thị trường xuất khẩu gỗ khác.
Bên cạnh đó, mặc dù thị trường tiếp nhận sản phẩm gỗ của Việt Nam tương đối ổn định, song chưa thật sự đa dạng. Điều này về lâu dài có thể dẫn đến những tác động không tốt, đặc biệt là trong bối cảnh tình hình thế giới phức tạp như hiện nay.
Ông đánh giá tác động của chính sách thuế đối ứng mà Mỹ mới đây áp cho Việt Nam sẽ ảnh hưởng ra sao đến ngành gỗ, thưa ông?
Liên quan đến việc Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Việt Nam, xuất khẩu nông sản của Việt Nam nói chung và ngành gỗ nói riêng khi sang Mỹ sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp.
Đối với xuất khẩu nông, lâm, thủy sản, Mỹ là thị trường tiếp nhận các sản phẩm nông sản của Việt Nam với giá trị lớn nhất trong số các thị trường.
Năm 2025, ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 18 tỷ USD, cao hơn năm trước khoảng 2 tỷ USD, trong đó xác định Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu chủ lực. Với những diễn biến bất lợi từ thị trường đang đặt ra những thách thức rất lớn cho mục tiêu xuất khẩu gỗ năm 2025 của Việt Nam.
Trong đó, riêng với ngành gỗ, tác động của chính sách thuế được dự báo sẽ rất nghiêm trọng. Bởi, gỗ và sản phẩm gỗ là mặt hàng có giá trị xuất khẩu và thặng dư thương mại lớn nhất trong các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chủ lực của Việt Nam sang Mỹ.
Trong 4 năm gần đây, mỗi năm Mỹ chi khoảng 7-9 tỷ USD để nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ Việt Nam và luôn chiếm trên 50% giá trị gỗ xuất khẩu của Việt Nam ra thị trường. Trong khi Việt Nam chi khoảng 300 triệu USD mỗi năm (năm 2024, Việt Nam chi khoảng 316 triệu USD) để nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ thị trường Mỹ.
Do đó, khi mức thuế suất 46% được phía Mỹ công bố đã khiến ngành gỗ thực sự choáng váng, bởi theo tính toán, mức thuế được dự đoán trước đó chỉ vào khoảng 25%.
Nhưng đó vẫn chưa phải là thông tin bất lợi duy nhất với ngành gỗ đến từ thị trường hàng đầu này. Ngành gỗ cũng đang chịu điều tra theo mục 232 của Đạo luật Mở rộng thương mại năm 1962. Vì thế, có thể trước mắt chưa phải chịu áp mức thuế này, song cũng không thể đoán định được về khả năng đánh thuế sau cuộc điều tra của Mỹ.
Do vậy để ứng phó trước mắt, doanh nghiệp sẽ tìm cách đẩy hàng trước khi có phán quyết điều tra và lệnh áp thuế nhằm giảm bớt thiệt hại và tìm cách cơ cấu lại hoạt động để giảm thiệt hại.
Một trong những giải pháp được ngành nông nghiệp đưa ra để đàm phán, thuyết phục Mỹ giảm thuế quan, đó là chứng minh các sản phẩm nông sản xuất khẩu, trong đó có sản phẩm gỗ giữa hai nước có tính bổ trợ lẫn nhau. Ông kỳ vọng ra sao về giải pháp này và ông có khuyến nghị gì với các doanh nghiệp?
Đây là một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng nhất lúc này không chỉ của ngành gỗ, mà của toàn ngành nông nghiệp, các doanh nghiệp xuất khẩu, người trồng.
Giải pháp này đã và đang được các ngành chức năng, đặc biệt là ngành nông nghiệp thực hiện linh hoạt, tranh thủ mọi thời điểm, cơ hội để thông tin đến đối tác Mỹ. Mới đây, tại buổi tiếp Đại sứ Mỹ, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy nhấn mạnh rằng những sản phẩm nông nghiệp thế mạnh của hai nước có tính bổ trợ, không cạnh tranh lẫn nhau nên Việt Nam rất sẵn sàng mở cửa tiếp nhận nông sản của Mỹ.
Liên quan đến vấn đề này, trước mắt, Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, các hiệp hội địa phương và các doanh nghiệp gỗ Việt, với sự đồng hành của các Bộ, ngành có liên quan, đang chuẩn bị sẵn sàng để có thể tham gia có hiệu quả vào các cuộc điều trần để chứng minh quan hệ thương mại trong lĩnh vực gỗ giữa Việt Nam và Mỹ là quan hệ bổ trợ cho nhau, cùng có lợi và hoàn toàn không gây hại cho công nghiệp gỗ Mỹ.

Đảm bảo vùng nguyên liệu từ rừng trồng, rừng sản xuất sẽ giúp ngành gỗ nâng cao khả năng cạnh tranh
Tuy nhiên, chỉ chừng đó, theo tôi là chưa đủ để thuyết phục phía Mỹ xem xét lại mức thuế quan. Điều quan trọng lúc này, đó là cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần nhanh chóng xem xét tăng sản phẩm nhập khẩu hàng hóa từ Mỹ, đặc biệt là sản phẩm gỗ từ Mỹ (như gỗ xẻ, gỗ tròn và veneer) để cân bằng cán cân thương mại và những giải pháp khác để phía Mỹ thấy được lợi ích cần hợp tác với Việt Nam…
Ngoài việc tập trung khẩn cấp các giải pháp ứng phó với thuế quan của Mỹ, cơ quan chức năng, doanh nghiệp cần chủ động hơn trong việc tiếp cận các thị trường khác, trong đó cần chú ý đến những thị trường tiềm năng như Nhật Bản, Trung Quốc vì hai thị trường này chúng ta mới chủ yếu xuất khẩu viên nén, dăm gỗ. Ngoài ra, cần tập trung vào các thị trường mới nổi như Trung Đông.
Đặc biệt, các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ cần chú trọng nguyên liệu đầu vào của ngành công nghiệp gỗ. Bởi, muốn có ngành công nghiệp gỗ mạnh, đủ sức cạnh tranh để tiếp cận các thị trường tiềm năng, cần phải tập trung phát triển hiệu quả nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, có chứng chỉ quản lý rừng bền vững và chất lượng cao. Đây là là vấn đề trọng tâm để cải thiện đơn hàng và tăng doanh thu từ xuất khẩu, cũng như hướng tới mục tiêu phát triển bền vững mà Việt Nam đang tích cực thực hiện.
Nhìn xa hơn, doanh nghiệp gỗ Việt cần chuyển đổi mô hình kinh doanh từ chủ yếu gia công theo đơn hàng của nhà nhập khẩu (OEM), sang chủ động mẫu mã (ODM) và xây dựng thương hiệu (OBM) để tăng hiệu quả kinh doanh.