Thời gian ăn tối lý tưởng cho người bị tiểu đường

Kháng insulin làm tăng lượng đường trong máu và gây bệnh tiểu đường, nhưng với thay đổi lối sống như ăn tối sớm, bạn có thể cải thiện độ nhạy insulin và ổn định đường huyết, giúp cơ thể tiêu hóa và xử lý đường hiệu quả hơn.

Đối với những người có lượng đường trong máu cao và bệnh tiểu đường, không nên để bụng đói trong thời gian dài để tránh tình trạng đường tăng đột biến và hạ thấp. Vì vậy, theo các chuyên gia, việc kiểm soát bệnh tiểu đường thông qua việc điều chỉnh insulin là vô cùng quan trọng.

 Người bị tiểu đường nên ăn tối sớm, tốt nhất là ít nhất hai đến ba giờ trước khi đi ngủ. Ảnh: Pexels

Người bị tiểu đường nên ăn tối sớm, tốt nhất là ít nhất hai đến ba giờ trước khi đi ngủ. Ảnh: Pexels

Trong khi insulin, một loại hormone vận chuyển đường từ máu vào tế bào là một trong những yếu tố chính cần được điều chỉnh hợp lý, các bác sĩ cho biết một số yếu tố về lối sống có thể giúp ngăn ngừa hoặc cải thiện khả năng kháng insulin và một trong số đó là thời điểm bạn ăn tối.

Điều gì xảy ra khi cơ thể bạn trở nên kháng insulin?

Các bác sĩ cho biết, tình trạng kháng insulin xảy ra khi cơ thể của bạn ngừng phản ứng tốt với insulin mà nó sản xuất. Trong khi glucose cung cấp năng lượng, các tế bào trong cơ thể bạn bị khóa lại do bệnh tiểu đường và chìa khóa để mở chúng chính là insulin. Tuy nhiên, nếu bạn không sản xuất đủ insulin, thì sẽ không có đủ tế bào được mở và glucose sẽ tích tụ trong máu của bạn.

Vậy nên, khi kháng insulin xảy ra, mức đường huyết cao dẫn đến nguy cơ mắc tiền tiểu đường và tiểu đường type 2 tăng lên.

Thời gian tốt nhất để ăn tối cho những người bị tiểu đường là khi nào?

Theo các chuyên gia, đối với người bị kháng insulin, thời gian lý tưởng để ăn tối là khoảng hai đến ba giờ trước khi đi ngủ. Điều này giúp cơ thể có đủ thời gian tiêu hóa và ổn định mức đường huyết.

Mặc dù ăn trước khi ngủ một khoảng thời gian hợp lý giúp điều chỉnh đường huyết, nhưng nếu bạn ăn tối quá gần giờ đi ngủ, điều này có thể làm gián đoạn nhịp sinh học, giảm khả năng chuyển hóa glucose và khiến mức đường huyết sáng sớm cao hơn. Lâu dần, sự gián đoạn này còn ảnh hưởng đến cảm giác thèm ăn, gây rối loạn giấc ngủ và mất cân bằng hormone, làm tăng kháng insulin vào ban đêm.

Theo các nghiên cứu, ăn khuya khi bị tiểu đường không chỉ ảnh hưởng đến insulin và đường huyết, mà còn có thể làm tăng chỉ số BMI và mức triglyceride. Ngoài ra, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng ăn tối muộn có thể làm tăng nguy cơ phát triển hội chứng chuyển hóa, một tình trạng thường đi kèm với kháng insulin.

Một vài lợi ích của việc ăn sớm bao gồm việc các tế bào sản xuất insulin của cơ thể có thời gian nghỉ ngơi và phục hồi trong trạng thái nhịn ăn khi bạn ngủ, giúp chúng duy trì sức khỏe và hoạt động tối ưu. Vì vậy, hầu hết các bác sĩ khuyên bạn nên ăn tối trước 6 giờ tối thay vì 9 giờ tối.

Tuy nhiên, vì cơ thể và lịch trình của mỗi người là khác nhau, bạn cũng có thể điều chỉnh một chút cho phù hợp, theo Times Now.

NHẬT LINH

The Times Now

Nguồn PLO: https://plo.vn/video/thoi-gian-an-toi-ly-tuong-cho-nguoi-bi-tieu-duong-post842846.html
Zalo