Sữa kém chất lượng gây hại nghiêm trọng cho người mắc bệnh mạn tính

Sữa là nguồn dinh dưỡng tốt cho mọi lứa tuổi, kể cả đối với những người đang mắc bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy thận. Nhưng sử dụng sữa không bảo đảm chất lượng hay không phù hợp với tình trạng bệnh lý có thể gây tác hại nghiêm trọng.

Khám tư vấn dinh dưỡng tại Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng).

Khám tư vấn dinh dưỡng tại Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn (Viện Dinh dưỡng).

Sữa là thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao, trong thành phần có đủ các chất protein (đạm), lipid (chất béo), carbohydrate (chất đường bột), vitamin và chất khoáng giúp cơ thể phát triển khỏe mạnh; là nguồn dinh dưỡng tốt cho mọi lứa tuổi, kể cả đối với những người đang mắc bệnh lý mạn tính như đái tháo đường, suy thận.

Tuy nhiên, theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Thị Thanh Huyền, Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng, nếu sử dụng sữa không bảo đảm chất lượng hay không phù hợp với tình trạng bệnh lý có thể gây tác hại nghiêm trọng.

Đối với người mắc bệnh đái tháo đường sử dụng sữa không bảo đảm chất lượng như chứa hàm lượng đường cao có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng, gây mất kiểm soát đường huyết, làm tăng nguy cơ biến chứng của bệnh. Hay sử dụng sữa chứa nhiều chất béo bão hòa làm tăng đề kháng insulin gây khó kiểm soát tình hình bệnh tật...

Ngoài ra, sữa kém chất lượng còn tiềm ẩn nguy cơ chứa các chất phụ gia, chất tạo ngọt không an toàn hay vượt quá mức cho phép cũng gây ảnh hưởng xấu đến chức năng chuyển hóa của cơ thể.

Còn đối với người suy thận, chế độ ăn cần kiểm soát protein, kali, phospho là điều quan trọng để giảm gánh nặng cho thận. Sữa không chuẩn hay sữa không phù hợp với tình trạng bệnh lý có thể có lượng protein, kali, phospho cao khiến thận phải hoạt động quá sức để đào thải. Việc tăng tải protein (đạm) sẽ làm cho tăng ure máu khiến suy thận tiến triển nhanh hơn. Nếu sữa không bảo đảm chất lượng có chứa nhiều kali người bệnh sử dụng, thận không đào thải kịp sẽ dẫn đến rối loạn nhịp tim rất nguy hiểm.

Sữa chứa nhiều phospho làm cho người suy thận có nguy cơ bị vôi hóa mạch máu, tổn thương mắt, biến chứng tim mạch. Hậu quả lâu dài của việc sử dụng sữa không bảo đảm chất lượng ở người bệnh suy thận sẽ làm tiến triển bệnh nặng hơn, khiến thận không thể hồi phục dẫn tới người bệnh phải tiến hành chạy thận nhân tạo và xuất hiện thêm biến chứng (thiếu máu, loãng xương, bệnh tim do thận…).

Như vậy, đối với những người mắc các bệnh lý mạn tính nêu trên, lựa chọn sai sữa hay sử dụng sữa không bảo đảm chất lượng không những không làm thuyên giảm bệnh mà có thể làm cho tình trạng bệnh trầm trọng hơn, xuất hiện biến chứng bệnh sớm hơn.

Cơ quan chức năng vừa phát hiện hai doanh nghiệp sản xuất sữa giả quy mô lớn. (Ảnh: nhandan.vn)

Cơ quan chức năng vừa phát hiện hai doanh nghiệp sản xuất sữa giả quy mô lớn. (Ảnh: nhandan.vn)

Các bác sĩ chuyên ngành dinh dưỡng khuyến cáo trước khi mua các sản phẩm sữa cần: chọn sữa có nguồn gốc rõ ràng, có chứng nhận an toàn đầy đủ (tuyệt đối không nên sử dụng sữa trôi nổi không rõ nguồn gốc); đọc kỹ nhãn mác trước khi sử dụng; tùy theo từng tình trạng bệnh lý, nên tham khảo ý kiến các bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng trước khi chọn loại sữa phù hợp.

Tiến sĩ, bác sĩ Bùi Thị Thúy, Khoa Khám tư vấn dinh dưỡng người lớn, Viện Dinh dưỡng, lưu ý đối với người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, tăng huyết áp và suy thận, việc lựa chọn loại sữa phù hợp cần được cân nhắc kỹ lưỡng nhằm tránh những ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình điều trị và sức khỏe toàn diện của người bệnh.

Đối với bệnh đái tháo đường, mục tiêu dinh dưỡng chính là kiểm soát đường huyết ổn định, tránh tình trạng tăng đường huyết sau ăn và hỗ trợ quá trình chuyển hóa năng lượng hiệu quả. Do vậy, khi chọn sữa phải ưu tiên các loại sữa chuyên biệt cho người đái tháo đường, có chỉ số đường huyết thấp (low GI), giúp làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu; tránh các loại sữa có chứa đường tinh luyện, siro, maltodextrin, hoặc các chất tạo ngọt dễ gây tăng đường huyết; nên chọn các sản phẩm có chứa chất xơ hòa tan như inulin hoặc FOS giúp cải thiện hệ vi sinh đường ruột và kiểm soát glucose tốt hơn.

Đối với bệnh suy thận, mục tiêu dinh dưỡng là giảm tải chuyển hóa cho thận, kiểm soát lượng protein, phospho, kali và natri trong khẩu phần. Do vậy, cần chọn sữa dành riêng cho người bệnh thận thường có công thức đặc biệt: hàm lượng đạm (protein) thấp nhưng giá trị sinh học cao, lượng kali, phospho và natri được kiểm soát chặt. Tránh các loại sữa có bổ sung nhiều vitamin D và canxi nếu người bệnh đã có tăng calci máu; ưu tiên chọn sữa giàu năng lượng (calo cao) nhưng không gây tăng tải điện giải.

Người bệnh chỉ sử dụng theo đúng chỉ định từ chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ điều trị; thực hiện xét nghiệm định kỳ để theo dõi chức năng thận và điều chỉnh lượng sữa nếu cần thiết. Riêng người bệnh chạy thận nhân tạo hoặc lọc màng bụng có nhu cầu dinh dưỡng khác biệt và cần cá thể hóa chế độ ăn, bao gồm cả lựa chọn sữa.

Tiến sĩ Bùi Thị Thúy cũng đưa ra một số lời khuyên đối với người mắc bệnh nền khi sử dụng các sản phẩm dinh dưỡng. Theo đó, cần đọc kỹ thành phần dinh dưỡng trên bao bì sản phẩm, chú ý hàm lượng đường, đạm, chất béo, natri, kali, phospho và các vi chất khác; nên tham khảo ý kiến từ chuyên gia y tế; cân đối năng lượng từ sữa với các nguồn khác trong khẩu phần để không bị dư năng lượng, đặc biệt đối với người có thừa cân-béo phì; kiểm tra thường xuyên các chỉ số sinh hóa và sức khỏe để có sự điều chỉnh phù hợp về loại sữa và lượng sử dụng.

Sữa chỉ là một thực phẩm trong chế độ ăn đa dạng, lành mạnh quan trọng cho người mắc bệnh nền, giúp hỗ trợ điều trị, tăng cường sức đề kháng và cải thiện chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, lựa chọn đúng loại sữa, sản phẩm dinh dưỡng sử dụng hợp lý và theo dõi thường xuyên là điều kiện tiên quyết để bảo đảm an toàn và hiệu quả. Việc phối hợp chặt chẽ giữa người bệnh-bác sĩ-dinh dưỡng viên sẽ giúp tối ưu hóa lợi ích từ sản phẩm sữa, đồng thời hạn chế tối đa các rủi ro có thể xảy ra.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/sua-kem-chat-luong-gay-hai-nghiem-trong-cho-nguoi-mac-benh-man-tinh-post873061.html
Zalo