Tại sao ngộ độc thức ăn nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng lại nguy hiểm tính mạng?

Ngộ độc thực phẩm do nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng là một trong những ngộ độc có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không được bù dịch đúng cách và điều trị kịp thời.

Độc tố tụ cầu vàng có thể từ mụn nhọt của người chế biến thực phẩm

Trong những năm gần đây, nước ta đã ghi nhận các vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại trường học, khi đi dã ngoại, liên hoan... trong đó có nguyên nhân do thức ăn nhiễm vi khuẩn tụ cầu vàng khiến cộng đồng hết sức lo ngại.

Các học sinh ngộ độc được cấp cứu tại BV Bạch Mai. (Ảnh minh họa: VOV.VN)

Các học sinh ngộ độc được cấp cứu tại BV Bạch Mai. (Ảnh minh họa: VOV.VN)

Điển hình vào cuối tháng 9/2024, nhiều học sinh trường Tiểu học và THCS xã Nông Thượng, thành phố Bắc Kạn nhập viện do có biểu hiện bất thường như đau đầu, sốt, buồn nôn, nôn, đau bụng, tiêu chảy… Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bắc Kạn tiến hành xét nghiệm, nuôi cấy mẫu bệnh phẩm của các ca bệnh tại trường này cho thấy, các mẫu dương tính với vi khuẩn tụ cầu vàng. Trước đó, tháng 3/2023, hơn 70 học sinh Trường tiểu học Kim Giang (Hà Nội) ngộ độc, nhập viện do vi khuẩn tụ cầu vàng có trong món thịt gà của suất ăn tại trường.

Tụ cầu vàng (tên khoa học là Staphylococcus aureus) là một loại vi khuẩn có độc tính cao, khả năng nhiễm vào thực phẩm và gây bệnh của tụ cầu vàng rất lớn, do chúng phân bố ở khắp nơi. Đây là vi khuẩn phổ biến, có thể ở trong không khí, đất, nước, trong niêm mạc mũi, trong khoang miệng và họng của người cũng như động vật, trên da và các mụn mủ, ở vú bò sữa bị viêm.

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Bệnh viện Bạch Mai

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Bệnh viện Bạch Mai

Bác sĩ Nguyễn Quốc Thái, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết: Tụ cầu vàng có thể gây bệnh theo nhiều cơ chế khác nhau, có thể thông qua tiếp xúc tại nhà bếp và quá trình chế biến; độc tố của vi khuẩn này có thể xuất phát từ mụn nhọt của người chế biến thực phẩm. Sau khi gãi, nặn mụn nếu người chế biến không rửa tay, tụ cầu vàng sẽ bám vào thực phẩm. Khi thực phẩm bị ô nhiễm, vi khuẩn tụ cầu vàng sẽ phát triển tiết ra độc tố, khiến người sử dụng thực phẩm có thể xuất hiện triệu chứng như sốt, tiêu chảy, đau đầu... Đây là loại vi khuẩn khó điều trị, có thể kháng nhiều loại kháng sinh nếu không được phát hiện và người bệnh không tuân thủ điều trị của bác sĩ.

Tụ cầu vàng là một loại vi khuẩn có độc tính cao, khả năng nhiễm vào thực phẩm rất lớn, do chúng phân bố ở khắp nơi, có khả năng sinh độc tố gây nên nhiều bệnh cấp tính. Thông thường những người khỏe mạnh nhiễm tụ cầu vàng sẽ hồi phục nhanh chóng khi được bù nước và nghỉ ngơi đầy đủ. Tuy nhiên ở trẻ nhỏ, người già yếu, người có hệ miễn dịch kém do mất nước điện giải nặng nếu không được chăm sóc, điều trị phù hợp có thể chuyển nặng, thậm chí tử vong.

“Tụ cầu vàng sau mấy tiếng nhiễm vào thức ăn đã sản sinh ra ngoại độc tố ruột, dẫn đến các triệu chứng ngộ độc. Đáng nói, độc tố ruột bền với nhiệt, phải đun sôi thực phẩm trong 2 giờ mới phá hủy hoàn toàn độc tố này. Độc tố tụ cầu vàng nhiễm qua thực phẩm thì đã nguy hại, nhưng trên thực tế nó còn ác hiểm gấp nhiều lần khi vi khuẩn vào cơ thể gây nhiễm trùng máu, nhiễm trùng toàn thân. Khi đến các bộ phận trong cơ thể vi khuẩn có thể nằm sâu bên trong, ẩn kín ở đó, khiến cho đôi khi việc sử dụng kháng sinh không hiệu quả”, bác sĩ Thái nhấn mạnh.

TS.BS Trương Hồng Sơn, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam

TS.BS Trương Hồng Sơn, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam

Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, chuyên gia dinh dưỡng cao cấp, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam: Thời tiết nắng nóng, việc chế biến không đảm bảo vệ sinh có thể sẽ là điều kiện thuận lợi tăng thêm nguy cơ nhiễm khuẩn, gây ra ngộ độc thực phẩm. “Thông thường tụ cầu vàng gây ra ngộ độc rất nhanh, có khi sau 1-6 giờ ăn các thực phẩm nhiễm khuẩn này có thể xuất hiện các triệu chứng nôn ói dữ dội, đau quặn bụng, mất nước. Trong một số trường hợp nặng có thể gây tử vong. Chính vì thế, các cơ sở chế biến cần thường xuyên khám sức khỏe định kỳ cho công nhân trực tiếp chế biến thực phẩm, cũng như các cách bảo quản thực phẩm tốt để giữ uy tín, bảo đảm an toàn thực phẩm. Người chế biến phải rửa tay thường xuyên bằng xà phòng và nước sạch để có thể loại bỏ được vi khuẩn. Khi chế biến thực phẩm nên sử dụng các loại găng tay, tránh trực tiếp dùng bàn tay có nguy cơ tiềm ẩn đưa độc tố tụ cầu từ môi trường vào trong thực phẩm”, TS.BS Trương Hồng Sơn lưu ý.

Bác sĩ Quốc Thái khuyến cáo: Khi phát hiện sốt và tiêu chảy nghi ngờ do độc tố tụ cầu vàng nên cho người bệnh bù nước càng sớm càng tốt. Trường hợp nhiễm trùng nhiễm độc thực phẩm có sốt, nôn, tiêu chảy, đau quặn bụng thì phải nghi ngờ đến tác nhân độc tố của tụ cầu vàng, và cần nhanh chóng bù nước điện giải, đưa đến cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời. Trẻ bị mất nước có thể do thiếu hụt các chất điện giải trong cơ thể mà không được phát hiện và bù nước kịp thời có thể rơi vào tình trạng sốc, rối loạn về tuần hoàn, ảnh hưởng đến các cơ quan đích trong cơ thể như tim, phổi, thận... thậm chí nguy hiểm đến tính mạng.

Lưu Hường/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tai-sao-ngo-doc-thuc-an-nhiem-vi-khuan-tu-cau-vang-lai-nguy-hiem-tinh-mang-post1192669.vov
Zalo