'Thời cơ vàng' của BRICS tại Châu Á-Thái Bình Dương

Việc kết nạp thành công Indonesia tiếp tục mở ra hướng phát triển mới và khẳng định vị thế của khối BRICS ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.

Trong một diễn biến mang tính bước ngoặt đối với trật tự thế giới, Indonesia mới đây đã chính thức trở thành quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á gia nhập BRICS, đánh dấu một chương mới đầy hứa hẹn cho khối kinh tế đang nổi lên mạnh mẽ này.

Thông báo về việc kết nạp Indonesia được công bố vào ngày 6/1 bởi Brazil, quốc gia giữ chức chủ tịch BRICS năm 2025. “Brazil hoan nghênh sự gia nhập của Indonesia vào khối BRICS. Với tư cách là quốc gia đông dân nhất và nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, Indonesia cùng chia sẻ với các thành viên khác những cam kết về việc cải cách các thể chế quản trị toàn cầu và đóng góp tích cực vào việc tăng cường hợp tác ở khu vực Nam Toàn Cầu”, Chính phủ Brazil tuyên bố.

Về phần mình, người phát ngôn Chính phủ Indonesia cho biết Jakarta hoan nghênh quyết định trên, và nhấn mạnh cam kết của nước này trong việc đóng góp vào các chương trình nghị sự mà BRICS đang thảo luận, bao gồm các nỗ lực thúc đẩy khả năng phục hồi kinh tế, hợp tác công nghệ và sức khỏe cộng đồng.

Việc kết nạp thành công Indonesia tiếp tục mở ra hướng phát triển mới và khẳng định vị thế của khối BRICS ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hình minh họa: Pivot to Russia

Việc kết nạp thành công Indonesia tiếp tục mở ra hướng phát triển mới và khẳng định vị thế của khối BRICS ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Hình minh họa: Pivot to Russia

Việc được đứng chung hàng ngũ với các cường quốc mới nổi như Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi không chỉ nâng cao vị thế của Indonesia nói riêng, mà còn của khu vực Đông Nam Á nói chung, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hợp tác và tầm ảnh hưởng của BRICS đối với các khu vực giàu tiềm năng trên thế giới.

Cửa ngõ chiến lược của BRICS

Là thành quả từ sự hợp tác giữa các nước Brazil, Nga, Trung Quốc và Ấn Độ, BRICS đã và đang ngày càng khẳng định vị thế của mình như một diễn đàn quốc tế quan trọng đối với các quốc gia đang phát triển. Từ 4 nước ban đầu ở thời điểm mới thành lập, khối kinh tế này nhanh chóng mở rộng mạng lưới thành viên ra khắp các khu vực từ Châu Á tới Châu Phi, với sự tham gia của Nam Phi, Ai Cập, Ethiopia, Iran và Các Tiểu Vương Quốc Ả-rập Thống Nhất (UAE).

Được đánh giá như một đối trọng với khối kinh tế G7 của Mỹ và phương Tây, BRICS hiện chiếm một phần đáng kể trong sản lượng kinh tế và nhân lực trên thế giới, khi sở hữu tới 35% GDP và 46% dân số toàn cầu. Đáng chú ý, chủ trương giảm sự phụ thuộc vào đồng USD trong các giao dịch quốc tế, một trong những mục tiêu trọng yếu của khối, hứa hẹn sẽ định hình lại tương lai của thương mại và tài chính toàn cầu.

Sự gia nhập của Indonesia, nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á và là quốc gia đông dân thứ tư thế giới, sẽ tạo nên một cú hích đáng kể đối với BRICS. Không chỉ tăng cường ảnh hưởng chung của mình tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, điều này còn giúp khối có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề toàn cầu, đặc biệt là trong việc thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư vào cơ sở hạ tầng và cải cách hệ thống tài chính quốc tế để phục vụ lợi ích của các nước đang phát triển.

Thậm chí, sự xuất hiện của một quốc gia Đông Nam Á trong khối BRICS còn là tín hiệu cho thấy xu hướng ngày càng xích lại gần Nga và Trung Quốc của các nước Nam Toàn Cầu, nhất là trong bối cảnh trật tự thế giới do phương Tây lãnh đạo đang có sự rạn nứt về mặt chính trị bởi những bất ổn ở Ukraine và khu vực Trung Đông. Bên cạnh đó, với sự trở lại Nhà Trắng của Tổng thống Donald Trump, Mỹ nhiều khả năng sẽ thúc đẩy chủ nghĩa biệt lập với việc rút khỏi những cam kết mang tính đa phương.

Sứ mệnh mới của Indonesia

Quyết định kết nạp Indonesia vốn được lãnh đạo các quốc gia khối BRICS đồng thuận trong hội nghị thượng đỉnh diễn ra hồi tháng 8/2023. Tuy nhiên, Jakarta đã trì hoãn việc chính thức hóa tư cách thành viên cho đến khi chính phủ mới được thành lập vào năm ngoái.

Đối với Indonesia, việc gia nhập BRICS không chỉ đơn thuần là hợp tác kinh tế mà còn là sự liên kết chính trị, trong bối cảnh nước này đang nỗ lực gia tăng quan hệ đối tác với các quốc gia mới nổi khác, đồng thời ủng hộ mạnh mẽ lợi ích của các nước Nam Toàn Cầu. Điều này đã được Rolliansyah Soemirat - người phát ngôn Bộ Ngoại giao Indonesia, khẳng định trong cuộc phỏng vấn với kênh DW.

"Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh rằng BRICS là một diễn đàn quan trọng đối với Indonesia để tăng cường hợp tác ở khu vực Nam Toàn Cầu, và đảm bảo rằng tiếng nói và khát vọng của các nước Nam Toàn Cầu được phản ánh đầy đủ trong các quyết định quốc tế", ông Soemirat nêu rõ.

Đối với khu vực, tư cách thành viên của BRICS có thể nâng cao vai trò lãnh đạo của Indonesia trong Cộng đồng các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), giúp thúc đẩy hợp tác giữa ASEAN và BRICS, từ đó tạo ra một khu vực Đông Nam Á mạnh mẽ và kết nối hơn. Bên cạnh đó, Jakarta sẽ có cơ hội mở rộng các quan hệ đối tác chiến lược, đặc biệt trong một số lĩnh vực như năng lượng, công nghệ, an ninh với các nước thành viên BRICS.

Tuy nhiên, không phải tất cả đều là cơ hội. Indonesia sẽ phải đối mặt với những thách thức về địa chính trị và chính sách đối ngoại. Quốc gia này cần cân nhắc kỹ lưỡng việc cân bằng mối quan hệ với các đối tác truyền thống từ Mỹ và phương Tây, đồng thời phải tìm cách đạt được sự đồng thuận trong nội khối với các quốc gia thành viên BRICS khác, nơi mà lợi ích và quan điểm có thể rất khác biệt.

"Indonesia không hề có ý định cắt đứt quan hệ với phương Tây, dù theo cách từ từ hay đột ngột,” thạc sĩ Habib Abiyan Dzakwan từ khoa quan hệ quốc tế thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Indonesia, chia sẻ với DW. "Bản chất chính sách đối ngoại của Indonesia là xem tất cả các quốc gia như bạn bè, như những gì Tổng thống Prabowo Subianto đã tuyên bố".

Với sự thể hiện rõ ràng mong muốn tham gia của Ả-rập Xê-út, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Azerbaijan, quy mô của BRICS nhiều khả năng còn tiếp tục được mở rộng trong tương lai.

Song song với sự phát triển này, BRICS cũng cũng thúc đẩy những cải cách sâu rộng hơn đối với các tổ chức mang tính toàn cầu như Liên Hợp Quốc và Quỹ Tiền tệ Quốc tế. Những điều này giúp khối ngày càng khẳng định vị thế là một tổ chức định hình trật tự thế giới mới, hướng tới một tương lai công bằng, toàn diện hơn.

Việt Anh

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/thoi-co-vang-cua-brics-tai-chau-a-thai-binh-duong.html
Zalo