Nga sẽ thực sự 'ngấm' đòn trừng phạt của phương Tây vào 2025?

Trong gần 3 năm kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine, phương Tây đã tiến hành nhiều biện pháp trừng phạt Moscow.

Một số ngân hàng Nga đã bị xóa khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Hàng nghìn công ty đã chấm dứt hoặc đình chỉ hoạt động kinh doanh tại Nga. Hàng trăm nhà tài phiệt, chính trị gia và quan chức chính phủ Nga bị đóng băng tài sản hoặc tịch thu trong khi một số quốc gia trên thế giới đã giảm mức tiêu thụ khí đốt của Nga.

Ban đầu, cộng đồng quốc tế hy vọng rằng các lệnh trừng phạt sẽ làm giảm mạnh giá trị của đồng rúp và do đó chấm dứt nhanh chóng chiến dịch quân sự của Moscow. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra và tác động của các lệnh trừng phạt rất chậm.

Nền kinh tế Nga đã sụt giảm 2,1% năm 2022 nhưng đã tăng trưởng vào năm 2023 và 2024 do Nga quyết định tăng chi tiêu quốc phòng. Tuy nhiên, Nga cũng mất hàng tỷ USD do các lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm vào các doanh nghiệp, công ty khí đốt và hoạt động thương mại của nước này. Bất chấp những tổn thất trên, Nga vẫn tiếp tục chiến dịch của mình ở Ukraine.

Ảnh minh họa: Reuters

Ảnh minh họa: Reuters

Hiện nay, bức tranh có vẻ khác. Nền kinh tế Nga đang bắt đầu chứng kiến toàn bộ tác động của các lệnh trừng phạt quốc tế. Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng, nếu những xu hướng này tiếp tục thì tác động đầy đủ của các lệnh trừng phạt tài chính, kết hợp với sự phản kháng mạnh mẽ của Ukraine với các lực lượng Nga cuối cùng có thể gây đủ áp lực lên Điện Kremlin để chấm dứt xung đột.

Họ nhận định, những dấu hiệu đầu tiên đã xuất hiện vào cuối năm 2024. Đồng rúp đã suy yếu và mất hơn một nửa giá trị so với đồng USD và euro. Các lệnh trừng phạt quốc tế đối với các tổ chức tài chính của Nga đóng vai trò quan trọng trong sự phá giá này. Ngoài ra, theo Trường Kinh tế Kiev, xuất khẩu dầu của Ng đã giảm xuống còn 64,4 USD/thùng vào cuối năm 2024 (xuất khẩu ban đầu là 70 USD/thùng). Điều này cho thấy doanh thu của chính phủ Nga từ việc bán dầu đang ít hơn.

Lạm phát gia tăng cũng gây lo ngại ở Nga. Trong phiên hỏi đáp trên truyền hình thường niên vào tháng trước, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết, lạm phát là một vấn đề và nền kinh tế Nga đang "quá nóng". Ông thừa nhận giá hàng hóa tăng nhưng cho biết tiền lương của công dân Nga cũng đã tăng theo. Nhà lãnh đạo Nga kết luận, Ngân hàng Trung ương Nga đang nỗ lực điều chỉnh mọi thứ để giải quyết tình trạng lạm phát gia tăng.

Giới quan sát phương Tây cho rằng những quan điểm của ông Putin về lạm phát rất đáng chú ý vì nhà lãnh đạo Nga hiếm khi thảo luận về các vấn đề liên quan đến xã hội. Vì vậy, việc ông cảm thấy cần phải thừa nhận lạm phát là một vấn đề nghiêm trọng cho thấy có điều gì đó lớn hơn đang diễn ra.

Ngoài sự suy giảm của đồng rúp và lạm phát gia tăng, còn có những nguyên nhân khác gây lo ngại trong nước Nga. Theo Quỹ Carnegie, các nhà máy công nghiệp ở Nga chỉ hoạt động ở mức 81% công suất. Nhiều doanh nghiệp trong số này dẫn ra tình trạng thiếu lao động là một lý do chính khiến hàng hóa và nguyên vật liệu không đủ.

Đối với hoạt động kinh doanh quốc tế, xuất khẩu và thương mại của Nga đã bị ảnh hưởng đáng kể. Hàng nghìn công ty phương Tây đã đình chỉ và chấm dứt hoạt động kinh doanh tại Nga, nghĩa là Moscow đã mất đi doanh thu từ các tổ chức này. Ngoài ra, một số ngân hàng đã dừng giao dịch với Nga. Các lệnh trừng phạt cũng đang nhắm vào cả những công ty và doanh nghiệp hỗ trợ Nga tránh các lệnh trừng phạt.

Một số nhà quan sát phương Tây cho rằng, với những diễn biến trên, các lệnh trừng phạt cuối cùng cũng phát huy tác dụng. Các dấu hiệu hiện tại cho thấy Nga sẽ đối mặt với suy thoái kinh tế vào năm 2025 và Tổng thống Putin cùng Điện Kremlin phải xác định cách giải quyết những khó khăn tài chính này.

Kiều Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo: Atlantic Council

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/nga-se-thuc-su-ngam-don-trung-phat-cua-phuong-tay-vao-2025-post1147530.vov
Zalo