Dự luật được đề xuất mở đường cho ông Trump mua lại kênh đào Panama
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Dusty Johnson ngày 09/01 (theo giờ Mỹ) sẽ giới thiệu một dự luật mở đường cho Tổng thống đắc cử Donald Trump mua lại kênh đào Panama.
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump hôm 7/1 đã từ chối loại trừ khả năng có hành động quân sự hoặc kinh tế để theo đuổi việc lấy lại kênh đào Panama, một phần trong chương trình nghị sự mà ông đã thúc đẩy kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 năm ngoái.
Tháng trước, ông Trump đã gây tranh cãi khi tuyên bố rằng Panama tính phí "cắt cổ" đối với tàu Mỹ và đe dọa sẽ yêu cầu "toàn quyền kiểm soát" kênh đào nếu mức phí không được giảm sau khi ông nhậm chức. Ông Trump còn cáo buộc rằng Trung Quốc đang kiểm soát kênh đào, dù không có bằng chứng nào ủng hộ tuyên bố này.
Đáp lại, Tổng thống Panama José Rául Mulino đã bác bỏ khả năng trả lại kênh đào Panama, vốn thuộc sở hữu của Mỹ trước khi chuyển giao quyền kiểm soát cho Panama vào năm 1999. Ông Mulino cũng khẳng định rằng mức phí áp dụng cho mọi tàu thuyền đều dựa trên tiêu chuẩn công khai, được thiết lập theo điều kiện thị trường và chi phí vận hành.
Trong diễn biến mới nhất, Hạ nghị sĩ Cộng hòa Dusty Johnson ngày 09/01 (theo giờ Mỹ) sẽ giới thiệu một dự luận với tên gọi Đạo luật mua lại kênh đào Panama cấp thẩm quyền cho Tổng thống mua lại kênh đào Panama và đặt công trình này dưới sự kiểm soát của Mỹ.
Hạ nghị sĩ Johnson cho rằng Tổng thống đắc cử Trump đã đúng trong việc cân nhắc mua lại kênh đào Panama và sự quan tâm và hiện diện của Trung Quốc xung quanh kênh đào là một nguyên nhân lo ngại. Dự luật cũng sẽ cho phép Tổng thống, với sự phối hợp của Ngoại trưởng Mỹ, khởi xướng và tiến hành các cuộc đàm phán với các đối tác phù hợp của chính phủ Cộng hòa Panama nhằm mua lại kênh đào Panama.
Dự luật cũng yêu cầu Tổng thống trình lên Quốc hội một bản cáo cáo chi tiết về quá trình đàm phán, các thách thức và kết quả dự kiến trong vòng 180 ngày sau khi văn bản này được thông qua.
Kênh đào Panama, một trong những kỳ quan kỹ thuật vĩ đại nhất thế kỷ 20, đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối Đại Tây Dương và Thái Bình Dương, rút ngắn hàng ngàn km hành trình vận tải biển. Được Mỹ xây dựng từ năm 1904 đến năm 1914, kênh đào không chỉ là biểu tượng của sức mạnh kỹ thuật mà còn là công cụ chiến lược và kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, quyền kiểm soát của Mỹ đối với kênh đào đã gây ra căng thẳng kéo dài với Panama. Những bất đồng lên đến đỉnh điểm vào năm 1964, khi các cuộc bạo loạn chống Mỹ bùng phát trong khu vực kênh đào do Mỹ kiểm soát. Những xung đột này đã dẫn đến việc đàm phán lại quyền quản lý kênh đào. Hiệp ước Torrijos-Carter, được ký kết vào năm 1977 bởi Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và nhà lãnh đạo Panama Omar Torrijos, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng.
Theo hiệp ước này, Panama chính thức nắm quyền kiểm soát kênh đào vào năm 2000. Đồng thời, hiệp ước cũng thiết lập tính trung lập vĩnh viễn, cho phép mọi quốc gia sử dụng kênh đào mà không bị phân biệt.