Indonesia có thể mua dầu Moscow giá rẻ; bước tiến mới của Nga và Iran, quyết 'tẩy chay' đồng USD

Chuyên gia kinh tế và chính sách công tại Đại học Phát triển Quốc gia (UPN) Jakarta, ông Achmad Nur Hidayat cho rằng, việc Indonesia trở thành thành viên chính thức của Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) có thể mở ra cơ hội tiếp cận dầu thô của Nga với giá rẻ hơn.

Một tàu chở dầu neo đậu tại một bến dầu khí tại Cảng Constanta ở Romania. (Nguồn: Bloomberg)

Một tàu chở dầu neo đậu tại một bến dầu khí tại Cảng Constanta ở Romania. (Nguồn: Bloomberg)

Nhận định của ông Achmad Nur Hidayat tính đến vị thế của Nga là một trong những nhà sản xuất dầu thô chính của thế giới và hiện đang phải đối mặt với lệnh cấm vận từ một số nước phương Tây.

Theo ông Achmad, ưu điểm chính của việc mua bán dầu với xứ bạch dương là tiềm năng giá rẻ hơn so với giá thị trường quốc tế.

Lệnh cấm vận của phương Tây đối với dầu mỏ của Nga đã khuyến khích nước này mở rộng mạng lưới các quốc gia mua dầu, với mức chiết khấu đáng kể.

Bên cạnh đó, Jakarta có các cơ hội hợp tác rộng rãi hơn trong lĩnh vực năng lượng. Hợp tác giữa Nga và Indonesia có thể mở đường cho đầu tư vào cơ sở hạ tầng năng lượng, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức.

Bước này có thể hỗ trợ đa dạng hóa năng lượng của Indonesia về lâu dài.

Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế này cũng cho rằng, sự hợp tác trên không tránh khỏi những rủi ro. Xem xét lệnh cấm vận và trừng phạt do các nước phương Tây áp đặt đối với Nga, một trong những thách thức chính là khả năng tiếp cận hạn chế của Nga với các hệ thống thanh toán toàn cầu như SWIFT. Điều đó có thể gây khó khăn cho các giao dịch thương mại.

Như vậy, đất nước Đông Nam Á cần tìm kiếm các cơ chế thanh toán thay thế, như sử dụng nội tệ hoặc các hệ thống thanh toán đặc biệt. Tuy nhiên, bước đi này cũng có nguy cơ gây ra căng thẳng ngoại giao với các nước phương Tây cũng là đối tác chiến lược của Jakarta.

* Ngày 8/1, Đại sứ Iran tại Moscow Kazem Jalali cho hay, giai đoạn tích hợp thứ hai giữa hệ thống thanh toán của Nga và Iran - trong đó thẻ thanh toán Mir - sẽ có thể được sử dụng trên lãnh thổ đất nước để thanh toán hàng hóa và dịch vụ.

Giai đoạn trên dự kiến sẽ hoàn thành trước ngày 30/6/2025.

Ông Kazem Jalali nói: “Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ chuyển sang giai đoạn thứ hai (tích hợp hệ thống thanh toán quốc gia), tại đó công dân Nga sẽ có thể mua hàng bằng thẻ ngân hàng của họ ở Iran, vào nửa đầu năm 2025.

Dự kiến, quá trình này sẽ tiến đến giai đoạn thứ ba, khi đó công dân Iran có thể thanh toán mua hàng bằng thẻ của họ ở Moscow vào nửa cuối năm 2025”.

Theo nhà ngoại giao này, “năm 2025 sẽ là năm giải quyết các vấn đề tài chính và tiền tệ trong quan hệ giữa Tehran và Moscow”.

Ông lưu ý các cuộc đàm phán giữa ngân hàng trung ương hai nước đang tiến triển thành công.

Ngày 6/7/2024, Chủ tịch Ngân hàng trung ương Iran Mohammad Reza Farzin thông báo, hai nước đã hoàn thành việc tích hợp các hệ thống thanh toán quốc gia, không sử dụng USD.

Theo ông, việc kết nối hệ thống Mir của Nga và Shetab của Iran sẽ diễn ra theo ba giai đoạn. Ở giai đoạn đầu, chủ thẻ Shetab sẽ có thể rút đồng ruble của Nga tại máy ATM của các ngân hàng Nga.

Giai đoạn thứ hai sẽ cho phép người Nga sử dụng thẻ Mir ở Iran để thanh toán mua hàng. Sau khi hoàn thành giai đoạn thứ ba, người Iran sẽ có cơ hội thanh toán bằng thẻ Shetab ở Nga.

(theo Antara, Reuters)

Việt An

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/indonesia-co-the-mua-dau-moscow-gia-re-buoc-tien-moi-cua-nga-va-iran-quyet-tay-chay-dong-usd-300193.html
Zalo