Thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh: Bước tiến định hình lại thế trận thương mại toàn cầu của Nhà Trắng?
Thỏa thuận thương mại đầu tiên mà Tổng thống Trump đạt được với Anh có thể không đơn thuần là một hiệp định kinh tế, mà còn là công cụ định hình lại thế trận thương mại toàn cầu trong thập niên tới.

Thỏa thuận thương mại ‘đầy đủ và toàn diện’ Mỹ-Anh có gì mà gây áp lực toàn cầu? Trong ảnh: Tổng thống Donald Trump, Phó Tổng thống JD Vance và Đại sứ Anh tại Mỹ Peter Mandelson gọi điện thoại cho Thủ tướng Anh Keir Starmer tại Phòng Bầu dục của Nhà Trắng, ngày 8/5. (Nguồn: Getty Images)
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Anh Keir Starmer cùng hoan nghênh thỏa thuận thương mại đạt được đầu tiên, mang tính bước ngoặt trong "chiến dịch đàm phán lại thuế quan toàn cầu" của nhà Lãnh đạo Mỹ. Lãnh đạo hai nước gọi ngày đạt được thỏa thuận là "ngày lịch sử", hứa hẹn củng cố mối quan hệ Mỹ-Vương quốc Anh trong nhiều năm tới.
Ông chủ Nhà Trắng Donald Trump ca ngợi về một thỏa thuận thương mại đột phá với Vương quốc Anh - một quốc gia tuyệt vời.
Thủ tướng Keir Starmer kỳ vọng, "thỏa thuận lịch sử sẽ mở ra một thị trường khổng lồ cho cả hai đối tác lớn Anh và Mỹ cùng khai thác".
Giới phân tích thì nhận định, Thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh không chỉ là sự kiện mang tính biểu tượng về mặt ngoại giao giữa hai đồng minh Mỹ-Anh, mà còn là lời tuyên bố chính thức cho sự trở lại của chiến lược “đàm phán tay đôi, thuế suất cao”, mà vị Tổng thống thứ 47 của nền kinh tế có quyền lực lớn nhất thế giới theo đuổi.
Thỏa thuận sơ bộ cho thấy, Vương quốc Anh sẽ giảm các rào cản phi thuế quan đối với các sản phẩm của Mỹ, bao gồm thịt bò, nhiên liệu ethanol, máy móc và hóa chất. Trong khi đó, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, mức thuế cơ sở 10% mà Mỹ đã áp dụng cho hàng chục quốc gia sẽ vẫn giữ nguyên, trong khi thuế đối với xe ô tô của Anh sẽ giảm từ 25% xuống 10% để phù hợp với mức cơ sở đó.
Các lãnh đạo doanh nghiệp Anh lên tiếng hoan nghênh thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh. Chủ tịch Phòng Thương mại Anh Shevaun Haviland, cho biết, "Thỏa thuận này sẽ khiến nhiều doanh nghiệp Anh thở phào nhẹ nhõm".
Ngân hàng Trung ương Anh đánh giá tác động ban đầu của chính sách thương mại của Tổng thống Trump có thể khiến GDP giảm 0,3% trong 3 năm, nhưng thỏa thuận với Mỹ giúp ổn định tâm lý doanh nghiệp và tạo động lực phục hồi thông qua xuất khẩu.
Như vậy, trong khi Thủ tướng Anh Starmer đạt được thêm một bước tiến kinh tế trong bối cảnh hậu Brexit còn nhiều tranh cãi, đây cũng là một "chiến thắng" mới của chính phủ Anh, sau thỏa thuận thương mại tự do với Ấn Độ - thỏa thuận lớn nhất kể từ khi nước này rời khỏi Liên minh châu Âu (EU); Nhà lãnh đạo Mỹ cũng được đánh giá đã đạt được một thắng lợi chính trị, khi tạo sức ép lan tỏa lên các nền kinh tế lớn khác.
Thỏa thuận thương mại đầu tiên mà Tổng thống Trump đạt được, vì thế không đơn thuần là một hiệp định kinh tế, mà có thể tạo áp lực lên các nền kinh tế lớn khác, đặt nền móng cho các cuộc đàm phán kế tiếp với các đối tác hàng đầu như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ...
Như lời Tổng thống Trump thông báo về Thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh tại Nhà Trắng (ngày 8/5) - sau thỏa thuận đầu tiên này, nhiều thỏa thuận khác đang trong giai đoạn đàm phán nghiêm túc cũng sẽ tiếp bước... Có thể nói, sự kiện kinh tế này đã mở ra một chương mới - là thỏa thuận đầu tiên trong số hàng chục thỏa thuận giảm thuế mà ông chủ Nhà Trắng dự kiến sẽ đạt được trong những tuần tới, sau khi đảo lộn hệ thống thương mại toàn cầu với mức thuế quan "chưa từng có", nhằm thu hẹp thâm hụt thương mại trị giá 1,2 nghìn tỷ USD của Mỹ.
Các phân tích cũng cho rằng, mức thuế cơ bản 10% vẫn được duy trì, cùng nhiều điều khoản chưa được hoàn tất, cho thấy đây mới là "chương đầu tiên" của một chiến lược dài hạn của Mỹ. Mức thuế quan 10% dù là thấp hơn so với nhiều đối tác khác, như Trung Quốc (145%), động thái này cho thấy Washington không còn ủng hộ tự do thương mại vô điều kiện.
Như vậy, các đối tác thương mại của nền kinh tế hàng đầu thế giới – từ châu Á đến châu Âu – giờ đây buộc phải lựa chọn giữa đàm phán sớm hoặc chấp nhận bị đánh thuế nặng hơn. Việc Anh là quốc gia đầu tiên ký kết thỏa thuận song phương với chính quyền Tổng thống Trump tạo ra tiền lệ quan trọng, "đánh tiếng" với các đối tác khác, đặc biệt là những quốc gia đang bị đe dọa áp thuế cao, buộc phải điều chỉnh lập trường đàm phán nếu muốn duy trì quyền tiếp cận thị trường Mỹ.
Một số điểm đáng chú ý của thỏa thuận thương mại Mỹ-Anh:
- Mỹ vẫn giữ mức thuế suất cơ bản 10% đối với phần lớn hàng hóa nhập từ Anh.
- Anh cam kết loại bỏ các rào cản kỹ thuật và hành chính từng gây cản trở hàng hóa Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm chế biến.
- Thỏa thuận mở ra cơ hội đáng kể cho nông dân và nhà sản xuất Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản và nhiên liệu sinh học. Trong đó, xuất khẩu thịt bò sang Anh dự kiến đạt 250 triệu USD/năm và ethanol đạt 700 triệu USD, chấm dứt các rào cản lâu nay từ phía Anh.
- Mỹ đồng ý giảm thuế nhập khẩu ô tô từ Anh từ mức 27,5% xuống 10% cho 100.000 xe mỗi năm. Tuy nhiên, lượng xe vượt ngưỡng quota sẽ vẫn chịu mức thuế 25%.
- Mỹ xóa bỏ mức thuế 25% áp lên thép và nhôm của Anh kể từ năm 2018. Đồng thời, hai nước thành lập liên minh thương mại về thép – nhôm nhằm phối hợp áp thuế 25% với sản phẩm cùng loại từ các quốc gia bị nghi là bán phá giá.
- Mỹ-Anh thống nhất không áp thuế lên các sản phẩm dược phẩm thiết yếu, tạo nền tảng vững chắc cho chuỗi cung ứng y tế chung.
- Thỏa thuận đặt ra các nghĩa vụ chặt chẽ về bảo vệ sở hữu trí tuệ, quyền lao động và tiêu chuẩn môi trường.
- Các nhà sản xuất Mỹ, đặc biệt trong ngành hàng không vũ trụ, sẽ được tiếp cận dễ dàng hơn với linh kiện chất lượng cao từ Anh – một quốc gia có thế mạnh trong ngành này.