Tiếp tục cung cấp dữ liệu cụ thể để chứng minh tính tuân thủ của hàng hóa Việt Nam
Bộ Công Thương yêu cầu các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng tiếp tục cung cấp dữ liệu cụ thể để chứng minh về tính tuân thủ của hàng hóa xuất khẩu chủ lực sang Mỹ.

Công nhân nhà máy gỗ chuẩn bị nguồn hàng xuất khẩu. Ảnh: Hồng Nhung - TTXVN
Để tiếp tục phối hợp, hỗ trợ Chính phủ, đoàn đàm phán với phía Hoa Kỳ về các vấn đề thương mại, Bộ Công Thương vừa yêu cầu các doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng của những sản phẩm xuất khẩu chủ lực sang thị trường Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp thông tin, dữ liệu, số liệu cụ thể để chứng minh về tính tuân thủ của hàng hóa Việt Nam, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa và những yêu cầu khác của phía Hoa Kỳ đối với các hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Qua báo cáo từ Bộ Công Thương, Hoa Kỳ hiện là đối tác chiến lược toàn diện và là thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Ở chiều ngược lại, Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ 8 của Hoa Kỳ; người tiêu dùng Hoa Kỳ đã quen hợp tác và rất ưa chuộng hàng Việt Nam bởi có chất lượng tốt và giá cả phù hợp. Trên thực tế, hàng hóa của Việt Nam không cạnh tranh trực tiếp với hàng hóa sản xuất tại Hoa Kỳ, vì thế không xâm hại lợi ích người sản xuất và doanh nghiệp tại Hoa Kỳ mà trái lại giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ được tiếp cận hàng hóa tốt, giá hợp lý. Ngoài ra, các mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu vào Hoa Kỳ cơ bản tuân thủ các tiêu chuẩn kỹ thuật của Hoa Kỳ như quy cách, xuất xứ hàng hóa…; Việt Nam cũng sẵn sàng chứng minh, làm rõ các băn khoăn của đối tác nhập khẩu từ Hoa Kỳ đối với sản phẩm hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Mặc dù Hoa Kỳ là thị trường lớn, quan trọng, có quy mô, tốc độ tăng trưởng hàng năm khá cao và cũng là thị trường mà cả các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp mong muốn duy trì phát triển và khai thác; song cũng không phải là thị trường duy nhất có tiềm năng, lợi thế với hàng hóa Việt Nam bởi Việt Nam còn có 17 Hiệp định thương mại tự do với gần 70 nền kinh tế lớn, mở ra nhiều cơ hội hợp tác, kinh doanh với các quốc gia, các nền kinh tế lớn trên thế giới. Do đó, trong bối cảnh phải ứng phó với chính sách thuế đối ứng bất hợp lý mà nhiều khả năng Hoa Kỳ sẽ áp đặt cho nhiều quốc gia trên thế giới; trong đó có Việt Nam, Bộ Công Thương mong muốn ghi nhận và tổng hợp ý kiến, "tiếng nói" thông qua các thư phản ánh, đơn khiếu nại từ đại diện các bộ, ngành như ngoại giao, tài chính, xây dựng, nông nghiệp và môi trường, khoa học và công nghệ; đại diện các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trong các ngành có kim ngạch xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ như dệt may, da giầy, điện tử, thép, nhôm, điều, cơ khí… về chính sách thuế bất hợp lý; đồng thời, phối hợp với các đối tác hợp tác đầu tư, kinh doanh của Hoa Kỳ tiếp tục vận động, thuyết phục, góp phần chuyển hóa nhận thức, tạo sự ủng hộ của người tiêu dùng Hoa Kỳ và chính giới Hoa Kỳ đối với việc duy trì “dòng chảy thương mại” bình thường của hàng hóa Việt Nam vào Hòa Kỳ; kêu gọi Hoa Kỳ sớm mở cửa cho hàng hóa có hàm lượng công nghệ cao của Hoa Kỳ được nhập khẩu vào Việt Nam và có lộ trình xem xét công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường.
Về dài hạn, Bộ Công Thương cũng khuyến nghị các doanh nghiệp cần chú trọng đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp, nhất là cơ cấu lại sản xuất theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, phát triển dựa trên đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ; tái cấu trúc ngành hàng, thị trường theo hướng đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng và sản phẩm xuất khẩu… để phát triển bền vững.