'Bức tường băng' với kinh tế tư nhân đã được phá

Các chuyên gia cho rằng Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân đã có những bước tiến quan trọng, đột phá cao hơn các Nghị quyết trước đó.

 Theo chuyên gia, Nghị quyết 68 đã có những mô tả chi tiết hơn về khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: Nam Khánh.

Theo chuyên gia, Nghị quyết 68 đã có những mô tả chi tiết hơn về khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: Nam Khánh.

Bộ Chính trị mới đây đã ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân, xác định kinh tế tư nhân là động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm, nâng cao năng suất lao động. Nghị quyết cũng đề ra những giải pháp, yêu cầu để phát triển khu vực kinh tế này.

Tại tọa đàm "Để kinh tế tư nhân bứt phá theo Nghị quyết 68 - Những việc cần làm ngay" do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 9/5, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp đánh giá Nghị quyết 68 đã có những bước tiến quan trọng với những mô tả chi tiết hơn về khu vực kinh tế tư nhân.

Đột phá thứ 3 trong lịch sử phát triển kinh tế tư nhân

Chia sẻ về quá trình xây dựng Nghị quyết, bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính) cho biết việc phát triển kinh tế tư nhân là vấn đề "đau đáu" suốt mấy chục năm qua.

"Khi chúng tôi tham gia xây dựng Nghị quyết, ban đầu rất lo ngại rằng những đề xuất mạnh mẽ như vậy sẽ không được chấp thuận. Nhưng lần này, có sự chỉ đạo quyết liệt từ Trung ương, đặc biệt là bài viết của Tổng Bí thư như kim chỉ nam, tiếp thêm niềm tin và quyết tâm cho chúng tôi. Có thể khẳng định, nghị quyết lần này có tính đột phá cao hơn hẳn các lần trước", bà Thủy nhấn mạnh.

Bà lấy ví dụ về điều kiện kinh doanh - một "bức tường" rất khó tháo gỡ, nay Nghị quyết nêu rõ chuyển toàn bộ sang công bố, không để các Bộ, ngành tự đặt thêm điều kiện, trừ các lĩnh vực liên quan đến quốc phòng, an ninh và sức khỏe người dân. Lãnh đạo Bộ Tài chính đánh giá đây là một đột phá thực sự.

Hay Nghị quyết Trung ương 10 từ năm 2017 đã ghi rõ nguyên tắc "không hình sự hóa các quan hệ kinh tế", nhưng theo bà Thủy, nguyên tắc này đến nay vẫn còn nhiều vướng mắc trong việc cụ thể hóa. Nghị quyết lần này đã có bước tiến quan trọng, với những mô tả chi tiết hơn, chẳng hạn trong trường hợp chưa rõ ràng (50-50) thì kiên quyết không hình sự hóa.

 Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính). Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Bà Bùi Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể (Bộ Tài chính). Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

"Một điểm rất quan trọng là niềm tin", bà Thủy nói. Theo đó, lần này, Đảng và Chính phủ đã thể hiện sự tin tưởng sâu sắc đối với khu vực tư nhân, đặt ra yêu cầu bình đẳng giữa các khu vực kinh tế trong cơ hội kinh doanh, tiếp cận nguồn lực...

Trước đây, doanh nghiệp Nhà nước và FDI thường được ưu tiên hơn so với doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt trong tiếp cận tín dụng. Có thời kỳ, doanh nghiệp Nhà nước được tín chấp, không cần tài sản thế chấp vẫn vay được vốn, trong khi doanh nghiệp tư nhân thì khó khăn.

Ông Phan Đức Hiếu, Đại biểu Quốc hội, chuyên gia kinh tế, cũng cho rằng việc ra đời Nghị quyết 68 ở thời điểm này, nếu triển khai thực hiện tốt thì có thể là bước ngoặt, đột phá thứ 3 trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân.

Hai đột phát trước đó, theo ông Hiếu, là việc kinh tế tư nhân bắt đầu được công nhận trong giai đoạn 1978-1990; và sự ra đời của Luật Doanh nghiệp giai đoạn 1999-2000, tức trao quyền kinh doanh và có sự cải cách thủ tục hành chính, chủ yếu ở mức gia nhập thị trường.

Còn với Nghị quyết 68, ông Hiếu cho rằng đã tiến thêm một bước, có thể giúp thay đổi khu vực kinh tế tư nhân về chất.

 Ông Phan Đức Hiếu cho rằng nếu triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 68 thì có thể là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng nếu triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 68 thì có thể là bước ngoặt, đột phá thứ ba trong lịch sử phát triển khu vực kinh tế tư nhân. Ảnh: VGP/Nhật Bắc.

Ông nhìn nhận tất cả giải pháp trong Nghị quyết này cho thấy 3 nhóm mục tiêu mà Bộ Chính trị mong muốn. Thứ nhất là tiếp tục tạo thuận lợi hơn cho việc gia nhập thị trường. "Thông điệp ở đây rất rõ là xóa bỏ các rào cản hành chính trong quá trình hoạt động. Đó là cắt giảm 30% thủ tục quy định chi phí tuân thủ. Đây là một sự tiến lên rất lớn so với thời điểm những năm 2000", ông Hiếu nói.

Thứ hai là tăng mức độ bảo vệ. Ông lấy ví dụ về quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị là không xử lý trách nhiệm của khu vực kinh tế tư nhân theo hướng hình sự hóa, qua đó giảm thiểu rất nhiều rủi ro cho khu vực này.

Thứ ba là khơi thông nguồn lực, giúp khu vực này tiếp cận nguồn lực với đất đai, nguồn lực về mặt bằng sản xuất kinh doanh, về vốn, nhân sự.

Doanh nghiệp tư nhân đã mong mỏi Nghị quyết này từ rất lâu

Tại tọa đàm, ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, cho biết ngân hàng này đang phục vụ lượng doanh nghiệp tư nhân rất lớn với gần 300.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ cùng hơn 800.000 hộ kinh doanh. Do đó, ACB hiểu rất rõ những trăn trở của doanh nghiệp và hộ kinh doanh trong thời kỳ hiện nay.

"Doanh nhân hiện nay đối mặt với nhiều thách thức, từ vấn đề cạnh tranh, thị trường, thuế quan và trách nhiệm của họ là phải giữ được doanh nghiệp của mình. Vậy làm sao cạnh tranh được tốt hơn, làm sao đổi mới sáng tạo là việc thường trực hàng ngày?", đại diện ACB đặt vấn đề.

 Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB. VGP/Nhật Bắc.

Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB. VGP/Nhật Bắc.

Lãnh đạo nhà băng cho hay khi Nghị quyết 68 đưa vấn đề kinh tế tư nhân là quan trọng hàng đầu, phía ngân hàng nhìn nhận đây vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm. Ông Phát đồng thời cho biết ACB cũng như các doanh nghiệp tư nhân của Việt Nam đã mong mỏi Nghị quyết này từ rất lâu.

Về phía trách nhiệm của mình, Tổng giám đốc ACB so sánh: "Thể chế giống như trận địa, các doanh nghiệp là những người ở tuyến trước, còn chúng tôi là doanh nghiệp tài chính thì như hậu phương về tài chính".

Ông khẳng định trách nhiệm của ngân hàng là bảo đảm nguồn vốn rẻ, nguồn vốn phù hợp và những hệ thống chuyển đổi số thanh toán, để doanh nghiệp cảm thấy thuận lợi và tự tin hơn trong hoạt động kinh doanh.

Thủy Tiên

Nguồn Znews: https://znews.vn/buc-tuong-bang-voi-kinh-te-tu-nhan-da-duoc-pha-post1552159.html
Zalo