Phát triển khu công nghiệp xanh, cần phối hợp liên ngành và khung pháp lý rõ ràng

Chiều 9/5, tại thành phố Đà Nẵng đã diễn ra Diễn đàn Kết nối Tín dụng Xanh – Khu công nghiệp Xanh, quy tụ sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng lớn, chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp đang từng bước chuyển mình theo hướng phát triển bền vững.

Ngành ngân hàng "đi trước một bước" với tín dụng xanh

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Đào Minh Tú cho rằng, phát triển xanh, kinh tế xanh là xu thế toàn cầu và là một trong những "đại sự" mang tính sống còn đối với mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Đây không còn là câu chuyện của tương lai, mà là vấn đề của hiện tại. Nếu không hành động khẩn trương và quyết liệt ngay từ hôm nay, chúng ta sẽ khó đạt được mục tiêu giảm phát thải ròng và mất lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú.

Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú.

Trước sức ép từ các quy định khắt khe về môi trường trên thế giới, đặc biệt liên quan đến phát thải ròng và yêu cầu ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), Phó Thống đốc cho rằng doanh nghiệp Việt cần thay đổi nhanh chóng để thích ứng, nếu không sẽ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận các thị trường xuất khẩu lớn.

Để hỗ trợ nền kinh tế chuyển đổi xanh, ngành Ngân hàng được xác định là một trong những lực lượng tiên phong. Từ năm 2017, khi khái niệm phát triển xanh còn khá mới mẻ tại Việt Nam, NHNN đã chủ động nghiên cứu và ban hành những chính sách khuyến khích tín dụng xanh, với sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế như WB, ADB, GIZ...

Đến năm 2022, ngành ngân hàng đã hình thành cơ bản khung pháp lý phục vụ phát triển tín dụng xanh, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho các tổ chức tín dụng triển khai. "Chúng tôi xác định phải có nguồn vốn dài hạn để phục vụ cho nhu cầu lớn của nền kinh tế. Đây không chỉ là hỗ trợ tài chính, mà còn là trách nhiệm xã hội của ngành ngân hàng," ông Tú nói.

Diễn đàn quy tụ sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng lớn, chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp

Diễn đàn quy tụ sự tham gia của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng lớn, chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp

Tuy vậy, Phó Thống đốc cũng nhấn mạnh cần sự phối hợp liên ngành, từ Trung ương đến địa phương, giữa ngân hàng, doanh nghiệp, các nhà phát triển hạ tầng, để thúc đẩy các mô hình khu công nghiệp xanh thành công và lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.

Hỗ trợ toàn diện doanh nghiệp chuyển đổi xanh

Bên cạnh đó, ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV, cho biết ngân hàng đã xác định ba trụ cột chiến lược: chuyển đổi quy trình, phát triển bền vững và đổi mới sáng tạo.

Từ năm 2018, BIDV đã khởi động lộ trình ESG với việc xây dựng định hướng tín dụng xanh, áp dụng khung quản lý rủi ro môi trường, xã hội cho các dự án sử dụng vốn quốc tế. Giai đoạn 2022–2024 đánh dấu nhiều bước tiến lớn như thành lập Ban Quản lý Dự án Tài chính Bền vững, triển khai các khung tài chính xanh và phát triển các sản phẩm tín dụng xanh theo ngành.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV.

Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV.

Nhờ triển khai đồng bộ, đến cuối năm 2024, dư nợ tín dụng xanh tại BIDV đạt gần 81.000 tỷ đồng, chiếm hơn 12% dư nợ tín dụng xanh toàn ngành ngân hàng. Trong đó, năng lượng tái tạo và năng lượng sạch chiếm 74%, công trình xanh 8%, khu công nghiệp xanh 2%, và nước sạch 1,5%.

Đặc biệt, BIDV đã phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh, 3.000 tỷ đồng trái phiếu bền vững và huy động 5.000 tỷ đồng tiền gửi xanh, góp phần bổ sung nguồn lực trung, dài hạn cho các dự án chuyển đổi xanh.

BIDV nhận thức sâu sắc rằng tài chính là động lực cho tăng trưởng xanh, đã triển khai gói tín dụng 75.000 tỷ đồng với ưu đãi lãi suất cho các lĩnh vực then chốt như năng lượng sạch, khu công nghiệp và logistic, ông Lâm chia sẻ.

Không chỉ cung cấp vốn, BIDV còn đóng vai trò cố vấn và đồng hành cùng doanh nghiệp trong lộ trình xanh hóa. Ngân hàng đã xây dựng mạng lưới đối tác ESG đa ngành, gồm các tổ chức cấp chứng chỉ, tư vấn chuyển đổi và công nghệ xanh. Đồng thời, BIDV duy trì hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế như IFC, ADB, WB, GIZ, USAID... để huy động nguồn vốn ưu đãi và hỗ trợ kỹ thuật chuyên sâu.

Đáng chú ý, BIDV phát triển các gói tín dụng chuyên biệt như gói tín dụng công trình xanh: quy mô 10.000 tỷ đồng; gói tín dụng nước sạch: dư nợ tối đa 5.000 tỷ đồng; gói tín dụng ngành dệt may: 3.000 tỷ đồng và 50 triệu USD; khoản vay liên kết bền vững (SLL): gắn lãi suất với mức độ hoàn thành mục tiêu ESG

"Chúng tôi không chỉ dừng lại ở việc cho vay. BIDV còn giúp doanh nghiệp lập kế hoạch cải thiện hiệu suất môi trường, cung cấp thông tin cập nhật về quy định ESG, từ đó tiếp cận chuẩn mực quốc tế", ông Lâm khẳng định.

Trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực đẩy mạnh quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng bền vững, lãnh đạo BIDV đề xuất hai nhóm giải pháp trọng tâm. Thứ nhất, về phía cơ quan quản lý, cần hoàn thiện khung chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xanh – trong đó chú trọng vào các ưu đãi tín dụng, thuế và đất đai. Thứ hai, tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp về lợi ích của mô hình phát triển xanh.

Chúng ta đang đứng trước một cơ hội lớn để chuyển đổi, và ngành ngân hàng sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp trên hành trình này, Tổng Giám đốc BIDV nhấn mạnh.

Cần khung pháp lý rõ ràng

Trong khi đó, thạc sĩ Đặng Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam, cho rằng tín dụng xanh đóng vai trò quan trọng trong phát triển năng lượng tái tạo, một trụ cột chiến lược của kinh tế xanh Việt Nam.

Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia đến năm 2030, Việt Nam đặt mục tiêu phát triển hơn 27 GW điện gió, mặt trời và sinh khối, với tổng vốn đầu tư ước tính khoảng 34 tỷ USD.

Thạc sĩ Đặng Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam.

Thạc sĩ Đặng Quốc Bảo, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam.

Tuy nhiên, hiện nay việc triển khai vẫn còn nhiều rào cản. Thiếu khung tiêu chí thống nhất để xác định dự án xanh khiến quy trình thẩm định tín dụng kéo dài, làm chậm tiến độ đầu tư. Các tổ chức tín dụng vẫn thận trọng với các lĩnh vực mới như năng lượng tái tạo.

Điển hình, Trungnam Group đang vận hành 1,6 GW năng lượng sạch nhưng chưa tiếp cận được bất kỳ khoản vay ưu đãi nào theo chương trình tín dụng xanh do thiếu hướng dẫn và cơ chế cụ thể.

Bên cạnh đó, chi phí đầu tư ban đầu cao và yêu cầu công nghệ hiện đại cũng làm giảm động lực triển khai dự án xanh, đặc biệt là khu công nghiệp xanh, nơi đòi hỏi quy hoạch bài bản, hạ tầng xử lý thải hiện đại và quy trình vận hành thân thiện môi trường.

Ông Bảo kiến nghị cần sớm hoàn thiện khung pháp lý về tiêu chí và danh mục dự án xanh, ban hành hướng dẫn về ESG, đa dạng hóa sản phẩm tài chính xanh, và xây dựng hệ sinh thái hỗ trợ đồng bộ từ Nhà nước, tổ chức tài chính đến doanh nghiệp.

Chỉ khi đó, tín dụng xanh mới thực sự trở thành động lực thúc đẩy Việt Nam tiến nhanh hơn trên con đường phát triển bền vững và đạt mục tiêu Net Zero vào năm 2050.

Nguyễn Duy Cường

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/phat-trien-khu-cong-nghiep-xanh-can-phoi-hop-lien-nganh-va-khung-phap-ly-ro-rang-204250509190648407.htm
Zalo