Thiếu quy định cụ thể, điện mặt trời mái nhà trong các khu công nghiệp vẫn khó phát triển
Doanh nghiệp trong khu công nghiệp vẫn chưa mặn mà khi đầu tư, lắp đặt điện mặt trời mái nhà do sức hấp dẫn đầu tư về mô hình này chưa cao, khiến sự chuyển dịch năng lượng xanh còn ì ạch, chưa đạt như kỳ vọng...

Tiềm năng khai thác điện mặt trời áp mái tại các khu, cụm công nghiệp là rất lớn, có thể lên tới 12-20 GWP.
Tại diễn đàn “Thúc đẩy năng lượng xanh trong khu công nghiệp- Giải pháp cho doanh nghiệp triển khai hiệu quả”, ngày 15/5, ông Nguyễn Ngọc Trung, Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế ngành, Ban Chính sách, chiến lược Trung ương, cho rằng Việt Nam hiện có khoảng 419 khu công nghiệp đã được thành lập, trong đó 381 khu đang hoạt động và khoảng 900 cụm công nghiệp được quy hoạch, trong đó 700 cụm đã đi vào hoạt động, với khoảng trên 40.000 doanh nghiệp đang hoạt động.
VƯỚNG MẮC TRONG TRIỂN KHAI
Với lợi thế diện tích mái nhà xưởng rộng lớn và nhu cầu tiêu thụ điện cao tập trung, tiềm năng khai thác điện mặt trời áp mái tại các khu, cụm công nghiệp là rất lớn, có thể lên tới 12-20 GWP, tương đương công suất của khoảng trên 10 nhà máy nhiệt điện than cỡ lớn. Đây một nguồn điện xanh khổng lồ ngay trong lòng các khu công nghiệp mà chúng ta hoàn toàn có thể tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Việc lắp đặt điện mặt trời áp mái giúp doanh nghiệp giảm chi phí điện năng trong dài hạn, tạo dựng hình ảnh xanh, nâng cao giá trị thương hiệu. Còn đối với hệ thống điện quốc gia, giúp giảm áp lực cho lưới điện, bổ trợ và ổn định nguồn cung, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng.
Mặc dù có nhiều tiềm năng và được kỳ vọng cao, việc triển khai năng lượng xanh, đặc biệt là điện mặt trời áp mái, hiện vẫn đang gặp không ít khó khăn, vướng mắc.
Theo ông Hoàng Quang Phòng, Phó Chủ tịch VCCI, mặc dù chủ trương của Đảng, Chính phủ đã rõ, tuy nhiên, đến nay doanh nghiệp trong khu công nghiệp vẫn gặp khó khăn khi đầu tư, lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà do chưa có quy định cụ thể. Các thủ tục, văn bản hướng dẫn từ các Bộ, ngành chưa được rõ ràng, nhất quán. Doanh nghiệp muốn lắp đặt, sử dụng điện mặt trời mái nhà còn loay hoay chưa biết áp dụng theo quy định nào.
Ông Trung nhấn mạnh những vướng mắc hiện nay là hành lang pháp lý thời gian qua còn chưa đồng bộ, rõ ràng. Việc thiếu quy định cụ thể đã khiến doanh nghiệp gặp vướng mắc trong khâu đăng ký, đấu nối, vận hành hệ thống. Nhiều dự án đã phải tạm dừng chờ hướng dẫn, làm lỡ nhịp đầu tư.
Cùng với đó, gánh nặng chi phí đầu tư ban đầu cũng là rào cản lớn, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái đòi hỏi vốn đầu tư nhiều tỷ đồng cho mỗi MW, khiến không ít doanh nghiệp dù muốn cũng khó thu xếp nguồn lực tài chính.
Hơn nữa, cơ sở hạ tầng kỹ thuật tại nhiều khu công nghiệp chưa sẵn sàng cho việc tích hợp nguồn điện phân tán. Hệ thống lưới điện nội bộ của một số khu công nghiệp còn yếu, thiếu các thiết bị đo đếm và điều khiển hai chiều hiện đại, dẫn đến lo ngại về an toàn vận hành.
Ngoài ra, nhận thức và kỹ năng về phát triển, quản lý hệ thống năng lượng xanh của một bộ phận doanh nghiệp còn hạn chế; không ít doanh nghiệp e ngại rủi ro công nghệ mới hoặc chưa đánh giá đúng lợi ích dài hạn của việc đầu tư năng lượng sạch.

Dưới góc độ doanh nghiệp sản xuất, triển khai điện mặt trời áp mái, ông Vũ Huy Đông, đại diện Công ty Cổ phần Năng lượng ADE, cho rằng các khu công nghiệp hiện đang chiếm tới hơn 50% tổng tiêu thụ điện năng của ngành sản xuất, đồng thời cũng là khu vực phát thải lớn.
Với xu hướng tiêu chuẩn hóa về môi trường từ các thị trường xuất khẩu như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, các doanh nghiệp trong khu công nghiệp buộc phải có chiến lược giảm phát thải carbon, trong đó sử dụng năng lượng tái tạo là một giải pháp then chốt.
Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ còn e ngại do thiếu thông tin, thiếu vốn đầu tư ban đầu hoặc lo ngại về thủ tục pháp lý và hiệu quả vận hành.
CẦN HOÀN THIỆN KHUNG PHÁP LÝ
Nhằm thúc đẩy phát triển năng lượng xanh trong khu công nghiệp, nhiều ý kiến cho rằng cần có các giải pháp đồng bộ. Cụ thể, cần hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo tính đồng bộ, rõ ràng, minh bạch. Các bộ, ngành cần nhanh chóng ban hành thông tư, văn bản hướng dẫn chi tiết việc thực hiện Nghị định 57/2025/NĐ-CP và 58/2025/NĐ-CP.
Đặc biệt, cần sớm có quy định, hướng dẫn rõ ràng về mô hình điện mặt trời mái nhà tự sản tự tiêu trong khu công nghiệp (ví dụ: định mức công suất được bán dư lên lưới, hợp đồng mua bán điện nội bộ giữa doanh nghiệp trong khu công nghiệp, thủ tục đấu nối đơn giản hơn...). Khung pháp lý ổn định, minh bạch sẽ giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn vào lĩnh vực này.
Theo ông Trung, Nhà nước có thể xem xét các chính sách ưu đãi về thuế, tín dụng xanh để hỗ trợ doanh nghiệp lắp đặt hệ thống năng lượng tái tạo. Ví dụ, áp dụng miễn/giảm thuế nhập khẩu cho thiết bị năng lượng xanh; cho phép khấu hao nhanh tài sản là hệ thống điện mặt trời; hoặc thiết lập quỹ tín dụng xanh cho vay ưu đãi đối với dự án điện mái nhà.
Đồng thời, khuyến khích mô hình hợp tác ESCO (các công ty dịch vụ năng lượng). Theo đó, bên thứ ba đầu tư lắp đặt hệ thống, doanh nghiệp chỉ mua điện lại, giúp khắc phục bài toán vốn đầu tư ban đầu cho doanh nghiệp nhỏ.
Các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp cần phối hợp với ngành điện nâng cấp hệ thống lưới điện tại chỗ, lắp đặt các thiết bị đo đếm thông minh, trạm biến áp có dự phòng công suất, đảm bảo điều kiện kỹ thuật để tiếp nhận nguồn điện từ năng lượng tái tạo phân tán.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế vận hành lưới điện linh hoạt, an toàn, có dự phòng trong trường hợp ngừng cấp điện lưới hoặc sự cố, để vừa tận dụng được điện mặt trời, vừa không gây ảnh hưởng đến hoạt động chung.
“Cơ quan chức năng và các hiệp hội (như VCCI) nên tổ chức các chương trình tập huấn, tư vấn cho doanh nghiệp về lợi ích, kỹ thuật và quản lý dự án năng lượng xanh. Việc chia sẻ các mô hình điểm - chẳng hạn một khu công nghiệp xanh điển hình đã lắp đặt thành công hàng chục MW điện mặt trời mái nhà, sẽ tạo cảm hứng và niềm tin cho các doanh nghiệp khác noi theo”, ông Trung gợi ý.
Bên cạnh đó, cần đào tạo đội ngũ kỹ sư, công nhân có tay nghề trong lĩnh vực năng lượng tái tạo, đảm bảo có đủ nhân lực vận hành, bảo trì các hệ thống mới một cách an toàn, hiệu quả.
Đại diện Ban Chính sách, chiến lược Trung ương nhấn mạnh phát triển năng lượng xanh đòi hỏi sự chung tay của cả khu vực nhà nước và tư nhân. Chính phủ sẵn sàng đóng vai trò kiến tạo, hỗ trợ, nhưng sự tham gia của doanh nghiệp với tư cách nhà đầu tư và người sử dụng cuối cùng là quyết định thành công.
“Chúng ta cần mở rộng hợp tác với các đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế để tranh thủ nguồn lực tài chính xanh, công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản trị dự án. Việc kết hợp nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi cùng vốn tư nhân trong nước sẽ giúp hình thành các dự án điện tái tạo quy mô lớn hơn, bài bản hơn, kể cả trong các khu công nghiệp”, ông Trung khuyến nghị.
Để tăng tốc quá trình chuyển đổi xanh trong khu công nghiệp, ông Đông kiến nghị cần xây dựng cơ chế xác nhận "doanh nghiệp sử dụng năng lượng xanh" để tạo lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu. Đồng thời, cho phép áp dụng cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) giữa doanh nghiệp điện mặt trời và nhà máy trong khu công nghiệp. Nhà nước cần ưu tiên các khu công nghiệp có tỷ lệ sử dụng điện mặt trời cao trong chính sách hỗ trợ đầu tư, cấp đất và cấp phép mở rộng.