Thiếu nguồn tài trợ khiến hoạt động tiêm chủng ở trẻ em toàn cầu bị ảnh hưởng

Liên hợp quốc cảnh báo tác động tiêu cực của việc cắt giảm tài trợ toàn cầu có nguy cơ làm gián đoạn hoạt động tiêm chủng ở trẻ em, nhất là tại các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp. Cảnh báo này cũng đồng thời là lời kêu gọi các tổ chức tài chính quốc tế và các quốc gia giàu có tăng cường đóng góp nhằm lấp đầy 'khoảng trống tài chính' của hoạt động tiêm chủng.

Một em bé được uống vaccine bại liệt tại Kabul, Afghanistan, vào ngày 21/4/2025. (Ảnh: XINHUA)

Một em bé được uống vaccine bại liệt tại Kabul, Afghanistan, vào ngày 21/4/2025. (Ảnh: XINHUA)

Theo báo cáo từ các văn phòng đại diện của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại 108 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình thấp, việc cắt giảm viện trợ đã gây ảnh hưởng đáng kể tới hoạt động tiêm chủng thông thường và khẩn cấp tại gần một nửa số nước từng tiếp nhận viện trợ.

Trong một thông cáo chung, WHO, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) và Liên minh vaccine và tiêm chủng toàn cầu (GAVI) cho biết, cắt giảm tài trợ cũng làm giảm nguồn cung vaccine và cản trở hoạt động giám sát dịch bệnh. Việc cắt giảm viện trợ, do Mỹ dẫn đầu - quốc gia từng là nhà tài trợ lớn nhất thế giới, có thể kéo tỷ lệ tiêm chủng cho trẻ em thụt lùi cả một thế hệ, tương tự đại dịch Covid-19 từng gây ra.

Giám đốc điều hành GAVI, bà Sania Nishtar cho biết, có thể ngăn chặn nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm nếu liên minh này được tài trợ đầy đủ. GAVI đang kêu gọi các nước, tổ chức quốc tế đóng góp 9 tỷ USD cho hoạt động tiêm chủng giai đoạn 2026-2030.

Các đợt bùng phát bệnh truyền nhiễm, bao gồm bệnh sởi, viêm màng não và sốt vàng da, đã gia tăng trên toàn cầu thời gian gần đây. Những trường hợp mắc sởi liên tục tăng mỗi năm kể từ năm 2021, trong khi số ca viêm màng não tăng đột biến ở châu Phi vào năm ngoái cùng sự tái bùng phát đáng lo ngại của bệnh sốt vàng da.

Cắt giảm tài trợ cho UNICEF và WHO, chính quyền Mỹ cũng có kế hoạch cắt khoản đóng góp 300 triệu USD hằng năm cho GAVI. Đây là một phần trong kế hoạch điều chỉnh viện trợ nước ngoài để phù hợp chính sách “Nước Mỹ trước tiên”.

Cùng lúc đó, chính phủ các nước châu Âu cũng cắt giảm mạnh ngân sách viện trợ phát triển để tập trung vào các vấn đề trong nước. Ông Pelofsky đề xuất rằng, phần lớn nguồn lực tín dụng mở rộng nên được sử dụng để cung cấp các khoản vay giúp chính phủ các nước nghèo nhanh chóng giải quyết những khó khăn cấp bách về ngân sách, củng cố hệ thống y tế, cấp thoát nước và các dịch vụ công thiết yếu đang bị ảnh hưởng.

Không chỉ vậy, IBRD cũng có thể cung cấp các khoản vay ngắn hạn với lãi suất thấp cho các tổ chức phi chính phủ đang đối mặt nguy cơ phải hủy bỏ chương trình, sa thải nhân viên hoặc thậm chí phá sản. Ông Pelofsky nhận định rằng, những khoản vay này sẽ là giải pháp tạm thời giúp họ vượt qua khủng hoảng và xây dựng các mô hình tài trợ dài hạn mới.

Trên thực tế, WB đã có những động thái tương tự vào năm 2024 khi giảm tỷ lệ vốn trên tín dụng từ 19% xuống 18% theo khuyến nghị của Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20). Năm 2023, tỷ lệ này cũng được điều chỉnh từ 20% xuống 19%.

Ông Pelofsky kêu gọi giảm thêm 1 điểm phần trăm nữa nhằm “giải phóng” hàng chục tỷ USD cho thị trường tài chính phát triển mà không cần chờ sự đóng góp từ các quốc gia giàu có.

Ông Eric LeCompte, Giám đốc điều hành Jubilee USA Network, một tổ chức cải cách tài chính phi lợi nhuận, cũng khẳng định WB nên đưa ra quyết định này càng sớm càng tốt. Với những khoản cắt giảm viện trợ lớn từ Mỹ và châu Âu, đây rõ ràng là một hành động thực tế nhằm bù đắp cho sự thiếu hụt viện trợ toàn cầu hiện nay.

BÌNH MINH

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/thieu-nguon-tai-tro-khien-hoat-dong-tiem-chung-o-tre-em-toan-cau-bi-anh-huong-post875751.html
Zalo