Estonia bất ngờ có động thái mang ý nghĩa chiến lược sâu sắc với toàn bộ NATO

Dù là một quốc gia nhỏ bé vùng Baltic, Estonia bất ngờ tung quân bài chiến lược mới, làm nóng lại cuộc đua tự chủ quốc phòng đang sục sôi ở châu Âu.

Sáng kiến của Estonia không chỉ là một phản ứng tức thời mà còn là một bước đi chiến lược, hướng tới một châu Âu tự cường và độc lập hơn trong lĩnh vực quốc phòng. Ảnh: AFP/TTXVN

Sáng kiến của Estonia không chỉ là một phản ứng tức thời mà còn là một bước đi chiến lược, hướng tới một châu Âu tự cường và độc lập hơn trong lĩnh vực quốc phòng. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo trang tin quân sự Bulgarianmilitary.com ngày 26/4, tại thị trấn ven biển yên tĩnh Pärnu, Estonia, quốc gia nhỏ bé vùng Baltic đang thực hiện một bước đi táo bạo, hứa hẹn định hình lại tương lai nền quốc phòng châu Âu, khi Chính phủ Estonia vừa công bố kế hoạch thành lập Hexest AS, một công ty nhà nước với mục tiêu xây dựng nhà máy sản xuất thuốc nổ quân sự quy mô lớn gần Pärnu. Nhà máy này được thiết kế để sản xuất ấn tượng 600 tấn thuốc nổ RDX mỗi năm.

Nhà máy thuốc nổ mạnh trên, yếu tố then chốt của đạn pháo, có tiềm năng cung cấp đủ vật liệu cho khoảng 60.000 đến 100.000 viên đạn pháo 155mm mỗi năm. Trong bối cảnh xung đột địa chính trị phức tạp và nhu cầu cấp thiết về đạn dược, động thái này của Estonia mang một ý nghĩa chiến lược sâu sắc đối với toàn bộ châu lục.

Quyết định táo bạo này xuất phát từ khát vọng kép: củng cố năng lực phòng thủ quốc gia và hỗ trợ các đồng minh châu Âu. Nó diễn ra vào thời điểm châu Âu đang chạy đua để đạt được sự tự chủ trong sản xuất quốc phòng, một nhu cầu cấp thiết được thúc đẩy bởi những thay đổi trong chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump.

Việc ông Trump ám chỉ về khả năng cắt giảm viện trợ quân sự cho châu Âu và Ukraine, một sự tương phản rõ rệt so với thời chính quyền Biden, đã gióng lên hồi chuông cảnh báo về sự phụ thuộc vào nguồn lực từ bên ngoài. Sáng kiến của Estonia không chỉ là một phản ứng tức thời mà còn là một bước đi chiến lược, hướng tới một châu Âu tự cường và độc lập hơn trong lĩnh vực quốc phòng.

RDX, hay còn gọi là hexogen, là một chất kết tinh màu trắng, nổi tiếng với sự ổn định, nổ nhanh và mạnh. Được phát triển trong Thế chiến II, RDX đã trở thành nền tảng của nhiều loại đạn dược hiện đại nhờ khả năng tạo ra sức công phá lớn trong một kích thước nhỏ gọn. Trong lĩnh vực pháo binh, RDX đóng vai trò là chất nổ chính của đạn pháo 155mm, loại đạn tiêu chuẩn của NATO, được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống pháo như M777 (Mỹ), CAESAR (Pháp) và PzH 2000 (Đức).

Mỗi viên đạn pháo 155mm thường chứa từ 6 đến 10 kg RDX, tùy thuộc vào thiết kế và mục đích sử dụng, từ đạn nổ mạnh, đạn tăng tầm đến đạn dẫn đường chính xác. Với 600 tấn RDX, nhà máy của Estonia có khả năng sản xuất một lượng đạn pháo đáng kể, góp phần làm dịu bớt "cơn khát đạn dược" đang ngày càng gia tăng.

Tầm quan trọng kỹ thuật của RDX là không thể phủ nhận. Với vận tốc nổ lên tới 8.750 mét/giây, cao hơn đáng kể so với các loại thuốc nổ cũ như TNT, RDX tối ưu hóa sức mạnh hủy diệt của đạn pháo. Độ ổn định hóa học của nó đảm bảo an toàn trong lưu trữ và vận chuyển, đồng thời tính linh hoạt cho phép ứng dụng rộng rãi, từ đạn cối đến đầu đạn tên lửa. Tuy nhiên, sản xuất RDX là một quy trình phức tạp, đòi hỏi sự tổng hợp hóa học chính xác và các giao thức an toàn nghiêm ngặt.

Sự phụ thuộc trước đây của châu Âu vào nguồn cung hạn chế trong khối và nhập khẩu từ các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ đã bộc lộ những lỗ hổng trong chuỗi cung ứng toàn cầu và làm gia tăng rủi ro địa chính trị. Quyết định tự sản xuất RDX của Estonia, tận dụng nguồn đá phiến dầu dồi dào trong nước làm nguyên liệu thô, là một bước đi trực diện để giải quyết sự phụ thuộc này.

Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động năm 2028 không chỉ cung cấp cho các nhà sản xuất đạn dược trong nước mà còn trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu quan trọng cho các đồng minh châu Âu, củng cố nền tảng công nghiệp quốc phòng của toàn lục địa.

Đạn pháo 155mm, sản phẩm hưởng lợi trực tiếp từ nguồn RDX của Estonia, là trụ cột của chiến tranh hiện đại. Với trọng lượng khoảng 45 kg, những viên đạn này được bắn từ cả pháo tự hành và pháo kéo, có khả năng mang theo đầu đạn nổ có tầm bắn từ 24 đến 40 km, tùy thuộc vào loại pháo và đầu đạn. Đạn nổ mạnh M795 tiêu chuẩn, được NATO sử dụng rộng rãi, chứa khoảng 10 kg chất nổ, thường là RDX, và có bán kính sát thương lên tới 45 m.

Các biến thể tiên tiến hơn như M982 Excalibur, tích hợp hệ thống dẫn đường GPS để đạt độ chính xác cao, cũng đòi hỏi lượng RDX tương đương. So với đạn pháo 152mm của Nga, loại đạn chủ lực trong kho vũ khí pháo binh của nước này, đạn pháo 155mm ưu thế hơn về tầm bắn và khả năng tương thích với các hệ thống của phương Tây, một yếu tố then chốt khi Ukraine chuyển đổi sang thiết bị theo tiêu chuẩn NATO.

Động thái của Estonia diễn ra trong bối cảnh chính sách quốc phòng châu Âu đang trải qua những thay đổi sâu sắc kể từ sau cuộc xung đột Nga - Ukraine năm 2022. Châu Âu đã phải gấp rút bổ sung kho dự trữ cạn kiệt và tăng cường năng lực sản xuất. Cuộc chiến đã phơi bày một thực tế đáng lo ngại: nhiều thập kỷ đầu tư không đủ vào cơ sở hạ tầng quốc phòng đã khiến lục địa này không chuẩn bị cho một cuộc xung đột kéo dài và cường độ cao. Ước tính của NATO cho thấy châu Âu hiện có khả năng sản xuất gần hai triệu quả đạn pháo 155mm mỗi năm, một sự tăng trưởng đáng kể so với trước cuộc xung đột, nhưng vẫn chưa đủ để đáp ứng nhu cầu thực tế.

Rheinmetall, nhà sản xuất vũ khí lớn nhất châu Âu, đang dẫn đầu nỗ lực tăng cường sản xuất, với các nhà máy mới ở Đức, Hungary và Litva dự kiến sẽ sản xuất hàng trăm nghìn vỏ đạn vào năm 2027. Tại Đức, nhà máy Unterluess của Rheinmetall dự kiến sẽ sản xuất 1.900 tấn RDX mỗi năm cùng với 200.000 vỏ đạn 155mm vào năm 2026. Tuy nhiên, dự án của Estonia nổi bật bởi sự táo bạo và tốc độ triển khai. Với dân số chỉ 1,3 triệu người, Estonia luôn đạt mục tiêu chi tiêu quốc phòng 2% GDP của NATO và đã trở thành quốc gia dẫn đầu về viện trợ quân sự bình quân đầu người cho Ukraine, đóng góp hơn 1% GDP kể từ năm 2022.

Sáng kiến mới của Estonia phản ánh một xu hướng rộng hơn: các thành viên NATO nhỏ hơn, đặc biệt là ở khu vực Baltic, đang hành động quyết đoán trong khi các cường quốc lớn hơn như Đức và Pháp lại chậm trễ về mặt thủ tục hành chính. Nhà máy Pärnu cũng mang ý nghĩa khu vực quan trọng. Nằm cách biên giới Nga chỉ 193 km, Pärnu, vốn là một thị trấn nghỉ dưỡng yên bình, giờ đây trở thành một trung tâm sản xuất thuốc nổ, cho thấy sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro của Estonia, dù hiện Moskva vẫn chưa đưa ra phản ứng.

Về mặt kinh tế, nhà máy hứa hẹn sẽ mang lại sự thay đổi đáng kể cho Pärnu và khu vực lân cận. Với chi phí ước tính từ 120 đến 130 triệu euro, dự án dự kiến sẽ tạo ra hàng trăm việc làm và thu hút đầu tư từ các công ty quốc phòng châu Âu.

Việc Estonia tăng chi tiêu quốc phòng lên 5,4% GDP vào năm 2026, vượt xa yêu cầu của NATO, theo trang tin en.defence-ua.com cùng ngày, cho thấy quyết tâm mạnh mẽ của quốc gia này trong việc củng cố an ninh của mình và đóng góp vào sự ổn định của khu vực. Khoản đầu tư bổ sung 2,8 tỷ euro trong bốn năm tới sẽ được sử dụng để phát triển hệ thống phòng không, tăng cường hỏa lực, xây dựng khả năng tác chiến sâu và tập trung vào phát triển thiết bị bay không người lái và tác chiến điện tử.

Chính sách công nghiệp quốc phòng mới của Estonia giai đoạn 2024-2030 đặt mục tiêu tăng cường năng lực quốc phòng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nâng cao khả năng cạnh tranh của ngành trên thị trường quốc tế, hướng tới mục tiêu xuất khẩu vũ khí đạt 1,4 tỷ euro và doanh thu bán hàng đạt 2 tỷ euro vào năm 2030.

Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/quan-su/estonia-bat-ngo-co-dong-thai-mang-y-nghia-chien-luoc-sau-sac-voi-toan-bo-nato-20250428144633560.htm
Zalo