Canada: Lựa chọn 'người thương thuyết'

Ngày 28/4, cử tri Canada đi bỏ phiếu trong cuộc tổng tuyển cử sớm trước 6 tháng so với kế hoạch, sự kiện thực chất là một cuộc bầu chọn nhà lãnh đạo có đủ khả năng 'thương thuyết' với Tổng thống Mỹ Donald Trump để giải quyết căng thẳng giữa Canada với nước láng giềng.

Lãnh đạo đảng Bảo thủ của Canada Pierre Poilievre (trái) và Thủ tướng Mark Carney, lãnh đạo đảng Tự do sau cuộc tranh luận ở Montreal, Canada, ngày 17/4/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Lãnh đạo đảng Bảo thủ của Canada Pierre Poilievre (trái) và Thủ tướng Mark Carney, lãnh đạo đảng Tự do sau cuộc tranh luận ở Montreal, Canada, ngày 17/4/2025. Ảnh: Reuters/TTXVN

Kết quả các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy đảng Tự do của Thủ tướng Mark Carney vẫn giành được 42% sự ủng hộ trên toàn quốc và vượt lên dẫn trước đảng Bảo thủ đối lập 4 điểm phần trăm. Các đảng nhỏ còn lại như Dân chủ mới (NDP), Khối Quebecois và đảng Xanh chỉ giành được số lượng ủng hộ dưới 10% trên toàn quốc.

Cuộc tổng tuyển cử lần này diễn ra trong bối cảnh khá đặc biệt khi Canada vừa phải giải quyết những khó khăn nội bộ như tình trạng thiếu hụt nhà ở, chi phí sinh hoạt cao, tăng trưởng kinh tế trì trệ, vừa phải đối phó với những mối đe dọa về chủ quyền và thuế quan từ quốc gia láng giềng phía Nam. Nền kinh tế Canada đã phải trải qua giai đoạn năng suất lao động yếu kém nhất trong lịch sử (giảm 0,8% từ năm 2015 đến năm 2023), phải vật lộn với hậu quả của vấn đề người nhập cư cao kỷ lục và thị trường nhà ở đắt đỏ chưa từng thấy suốt nhiều thập niên qua. Điều này đã khiến uy tín của đảng Tự do “rơi tự do” xuống mức thấp nhất và buộc ông Justin Trudeau phải từ chức thủ tướng hồi tháng 1/2025. Cũng vào thời điểm đó, đảng Bảo thủ của nhà lãnh đạo Pierre Poilievre vẫn có được sự ủng hộ vượt trội, hơn đối thủ gần 20 điểm phần trăm.

Tuy nhiên, Tổng thống Donald Trump lãnh đạo nước Mỹ với những quyết định chưa từng có về thuế quan và quan điểm Canada nên là bang thứ 51 của Mỹ đã tạo nên những thay đổi đảo ngược hoàn toàn mối tương quan lực lượng giữa hai chính đảng lớn nhất của Canada. Chỉ sau gần 3 tháng kể từ thời điểm thay đổi người lãnh đạo, đảng Tự do không chỉ lấy lại được uy tín mà còn vượt lên dẫn lại so với đối thủ Bảo thủ và đang trên đường về đích với chiến thắng.

Điều này không phải là do đảng Bảo thủ bị sụt giảm uy tín với chính sách tranh cử tập trung vào giải quyết các vấn đề khó khăn ở trong nước, mà là do các cử tri Canada từng ủng hộ những đảng nhỏ như NDP hay Khối Quebecois quay sang ủng hộ đảng Tự do. Họ cho rằng khi phải đối mặt với những mối đe dọa từ Tổng thống Trump, thì ông Carney là người phù hợp hơn so với ông Poilievre để giải quyết vấn đề này. Các nhà phân tích nhận định, cử tri Canada dường như có xu hướng ủng hộ chính phủ nào có thể ứng phó với chính sách thuế quan cứng rắn của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Trong lần vận động tranh cử cuối cùng trước thời điểm bầu cử tại khu vực Toronto, lãnh đạo đảng Tự do Carney đã nhắc lại chủ đề ông từng nêu ra khi bước vào chính trường: “Đây là cuộc lựa chọn người giỏi nhất để đàm phán với Tổng thống Mỹ trong một cuộc chiến thương mại”. Cá nhân chính khách này thừa nhận mình không phải là một chính trị gia chuyên nghiệp, nhưng thừa sành sỏi về kinh tế để xử lý các cuộc khủng hoảng và hiện tại không phải là thời điểm để thử nghiệm.

Khi người dân Canada chuẩn bị bỏ phiếu, họ phải đối mặt với những lựa chọn chính sách quan trọng sẽ quyết định quỹ đạo của quốc gia trong nhiều năm tới. Cuộc bầu cử lần này không chỉ là cuộc cạnh tranh giữa các đảng phái mà còn là cuộc trưng cầu dân ý về việc liệu Canada có cần điều chỉnh chính sách cơ bản sau một thập kỷ suy giảm hiệu suất kinh tế và vị thế quốc tế hay không.

Theo các chuyên gia, sự tương phản về chính sách kinh tế giữa các ứng cử viên là rất rõ ràng. Ông Carney, với nền tảng từng giữ chức thống đốc Ngân hàng Trung ương Canada, tiếp cận quản trị thông qua lăng kính kinh tế vĩ mô ưu tiên tài chính khí hậu, khuôn khổ pháp lý và các mô hình tăng trưởng theo lý thuyết hơn là sự thịnh vượng hữu hình của tầng lớp trung lưu. Trong khi đó, chính sách kinh tế của ông Poilievre tập trung vào việc giải quyết các trở ngại về mặt cấu trúc đối với tăng trưởng, đã tồn tại dai dẳng dưới thời chính phủ của cựu Thủ tướng đảng Tự do Justin Trudeau. Các giải pháp mà ông đề xuất - đơn giản hóa hệ thống thuế quan, hợp lý hóa quy định và đẩy nhanh phê duyệt cơ sở hạ tầng - phản ánh tư duy kinh tế chính thống nhưng đặt ra những câu hỏi về việc thực hiện do ông thiếu kinh nghiệm quản lý điều hành.

Định hướng chính sách đối ngoại cho thấy thêm nhiều sự tương phản. Cách tiếp cận của ông Carney nhấn mạnh sự đa dạng hóa kinh tế vượt ra ngoài thị trường Mỹ thông qua các mối quan hệ thương mại sâu sắc hơn với châu Âu và châu Á. Chiến lược này, mặc dù có lý thuyết hợp lý, nhưng lại đối mặt với thực tế toán học: ngay cả khi tăng gấp đôi thương mại với Liên minh châu Âu (EU) cũng chỉ bù đắp được một phần nhỏ sự gián đoạn thị trường Mỹ vì 77% hàng xuất khẩu của Canada chảy về phía Nam.

Trong khi đó, ông Poilievre ủng hộ việc điều chỉnh lại chính sách đối ngoại của Canada xung quanh các quan hệ đối tác , đặc biệt là tăng cường quan hệ với Mỹ, Anh, Australia, Nhật Bản và các nước châu Âu.

Ngoài các chính sách cụ thể, cuộc bầu cử đưa ra một lựa chọn cơ bản về cách tiếp cận quản trị. Ông Carney đại diện cho chuyên môn kỹ trị được phát triển trong các tổ chức toàn cầu ưu tú nhưng thiếu kinh nghiệm bầu cử và kết nối với các mối quan tâm thông thường của Canada. Còn ông Poilievre có hai thập niên kinh nghiệm trong quốc hội nhưng không có nền tảng quản lý điều hành. Thách thức của ông sẽ là chuyển những lời chỉ trích của phe đối lập thành các chính sách có thể thực hiện được.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN tại Canada, Giáo sư Binod Sundararajan của Đại học Dalhousie đánh giá các chính trị gia và các nhà lãnh đạo chính trị đều hiểu rất rõ một điều là làm thế nào để cho mọi thứ ở Canada trở nên tốt hơn. Họ có những cách tiếp cận khác nhau và đảng nào giành chiến thắng cũng phải thực hiện những giải pháp hiệu quả để doanh nghiệp trong nước thành công hơn, người dân có cuộc sống tốt hơn, quan hệ quốc tế mạnh mẽ hơn.

Cuộc thăm dò của Ipsos cho thấy đảng Tự do đang dẫn ở mọi khu vực trên cả nước ngoại trừ Alberta, Saskatchewan và Manitoba, những nơi được coi là “thành trì” của đảng Bảo thủ. Chìa khóa để dẫn tới chiến thắng của đảng Tự do là các tỉnh bang đông dân nhất, nơi có nhiều ghế tại nghị viện như Ontario và Quebec. Tại khu vực gồm các tỉnh bang sát Đại Tây Dương, đảng Tự do cũng đang dẫn với biên độ lớn và một chút lợi thế ở tỉnh bang British Columbia. Nếu kết quả bầu cử phù hợp với xu hướng của kết quả thăm dò thì đảng Tự do sẽ giành được chiến thắng với khoảng 186 ghế trong tổng số 343 ghế Quốc hội, vượt qua số ghế tối thiểu 172 để thành lập một chính phủ đa số. Đứng thứ hai là đảng Bảo thủ, với dự báo đạt 125 ghế nếu đạt được 38% sự ủng hộ. Số ghế còn lại sẽ được chia cho các đảng NDP, Khối Quebecois và Đảng Xanh.

Giám đốc điều hành hãng thăm dò Ipsos Darrell Bricker nhận xét trong các cuộc thăm dò vẫn còn tới 10% số người chưa quyết định trước khi bước vào phòng bỏ phiếu. Vì vậy, lãnh đạo chính đảng nào sẽ trở thành "người thương thuyết" vẫn chưa rõ ràng bởi khoảng cách 4% không phải là quá lớn và không thể vượt qua.

Hà Linh (Phóng viên TTXVN tại Canada)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/canada-lua-chon-nguoi-thuong-thuyet-20250428155307306.htm
Zalo