Thị trường tiếp tục 'lịm' dần, cổ phiếu đầu tư công, xây dựng trụ vững

Trọn phiên sáng nay độ rộng thể hiện sự áp đảo của bên giảm giá trong khi thanh khoản tăng mạnh cho thấy bên bán vẫn đang hạ giá xuống để thoát ra. Dòng tiền bắt đáy một cách chọn lọc và không nhiều cổ phiếu có thể đi ngược dòng...

Nhóm cổ phiếu blue-chips tiếp tục yếu ớt.

Nhóm cổ phiếu blue-chips tiếp tục yếu ớt.

Trọn phiên sáng nay độ rộng thể hiện sự áp đảo của bên giảm giá trong khi thanh khoản tăng mạnh cho thấy bên bán vẫn đang hạ giá xuống để thoát ra. Dòng tiền bắt đáy một cách chọn lọc và không nhiều cổ phiếu có thể đi ngược dòng.

VN-Index hồi lại tốt nhất lúc 10h08, vẫn giảm 2,3 điểm so với tham chiếu và kết phiên sáng giảm 7,58 điểm tương đương -0,62%. Độ rộng tại đỉnh cao nhất của chỉ số ghi nhận 126 mã tăng/207 mã giảm nhưng cuối phiên chỉ còn 88 mã tăng/276 mã giảm. Như vậy khá nhiều cổ phiếu đã không thể duy trì được đà phục hồi.

Sức ép lên chỉ số VN-Index chủ đạo vẫn là các blue-chips lớn. Dù VN30-Index giảm nhẹ hơn chỉ số chính khi chỉ mất 0,58% nhưng các trụ lại yếu. CTG giảm mạnh 3,07%, BID giảm 1,28%, VHM giảm 1,25% ảnh hưởng nhiều lên VN-Index, lấy đi gần 2,8 điểm trong khi chỉ làm VN30-Index mất khoảng 1,7 điểm. Ngược lại, các cổ phiếu trụ lớn của VN30-Index lại ít ảnh hưởng tới VN-Index như FPT giảm 0,75%, VPB giảm 1,08%, HDB giảm 1,39%, STB giảm 1,14%... Cả rổ VN30 chỉ còn lại 6 cổ phiếu tăng ngược dòng nhưng tới 21 mã đỏ. Nhóm còn xanh cũng không thể dẫn dắt được khi vốn hóa hạn chế như PLX, POW, SAB, VNM, VCB. HPG lớn nhất thì mức tăng cũng chỉ 0,78%.

Khả năng đi ngược dòng có biểu hiện tốt hơn ở các cổ phiếu vừa và nhỏ, nhưng cũng chỉ rất ít mã. Trong 88 cổ phiếu đang xanh, một số mã khá mạnh tập trung ở nhóm đầu tư công, xây dựng như VCG tăng 1,65% thanh khoản 92,9 tỷ đồng; CTD tăng 2,6% với 88,3 tỷ; HHV tăng 1,73% với 59,9 tỷ; EVF tăng 2,05% với 25,7 tỷ; KSB tăng 1,4% với 15 tỷ; FCN tăng 1,4% với 6,5 tỷ. Ngoài ra có thể kể tới YEG hồi lại 6,44%, PVD tăng 1,81%, VHC tăng 1,08%, ST8 tăng 3,58%... Các cổ phiếu khác cũng mạnh về giá nhưng thanh khoản lẻ tẻ là FIR, KHP, SHI, TNH, PAC, ANV.

Các cổ phiếu thanh khoản thấp vẫn có lợi thế tự nhiên trong khả năng đi ngược sóng, nhưng vẫn phụ thuộc vào khả năng điều tiết cung cầu. Với độ rộng rất hẹp, hầu như các mã vừa và nhỏ cũng vẫn chịu sức ép giảm giá dù duy trì được biên độ điều chỉnh nhỏ cũng đã là thành công. Chỉ số VNSmallcap vẫn đang giảm 0,61%, Midcap giảm 0,69% so với tham chiếu.

Trong 276 cổ phiếu đỏ của VN-Index, có tới 100 mã đang giảm quá 1%. Riêng nhóm này đã chiếm 37,4% tổng giá trị khớp lệnh sàn HoSE, trong khi thanh khoản sàn này tăng 32% so với sáng phiên trước. Như vậy thanh khoản tăng là do các giao dịch bán hạ giá đáng kể. 5 cổ phiếu thanh khoản cao nhất ở nhóm này là STB, CTG, MSN, HDB và VPB, đều là các blue-chips. Nhóm tầm trung cũng xuất hiện CSV, VIX, NVL, DGC, KBC, DIG thanh khoản đều từ 50 tỷ đồng trở lên.

Nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang duy trì trạng thái bán ròng, sáng nay rút thêm 213 tỷ đồng trên HoSE, ghi nhận 26 phiên bán ròng liên tục trong buổi sáng. Các mã bị xả nổi bật là CTG -52 tỷ, FPT -51,1 tỷ, SSI -15,6 tỷ. Phía mua ròng có HDB +14,8 tỷ là duy nhất. Có thể thấy tuy giá trị bán ròng vẫn khá cao nhưng chủ yếu là xả trên diện rộng, hơn là các cổ phiếu nổi bật.

VN-Index mất thêm 7,58 điểm sáng nay đã rơi về mức 1222,9 điểm. Nhà đầu tư đang có lý do để chờ đợi ngưỡng hỗ trợ tốt hơn quanh 1200 điểm. Lực cầu bắt đáy vẫn có – là yếu tố đẩy thanh khoản khớp lệnh hai sàn sáng nay tăng 31% so với phiên trước lên mức cao nhất 4 phiên – nhưng là cầu thụ động. Nhà đầu tư chủ yếu treo lệnh mua để chờ đợi bên bán tháo chạy. Thống kê sàn HoSE cho thấy mới có 27% số cổ phiếu có giao dịch sáng nay đạt biên độ phục hồi hơn 1% so với giá thấp nhất phiên.

Kim Phong

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/thi-truong-tiep-tuc-lim-dan-co-phieu-dau-tu-cong-xay-dung-tru-vung.htm
Zalo