Chờ phiên 'rũ hàng'
VN-Index tiếp tục dao động trong biên độ 1.230 - 1.250 điểm với thanh khoản thấp và áp lực bán ròng của khối ngoại vẫn cao, khiến nhiều nhà đầu tư chờ đợi một cú 'rũ hàng' để cơ cấu lại danh mục và giải ngân vòng mới.
Rủi ro ngắn hạn gia tăng
Phiên 9/1/2025, VN-Index đóng cửa tại 1.245,77 điểm, giảm 5,25 điểm so với phiên liền trước và giảm gần 24 điểm so với đầu năm 2025. Giá trị giao dịch toàn phiên chỉ còn hơn 7.500 tỷ đồng, ghi nhận dòng tiền yếu nhất trong vòng 14 tháng trở lại đây, trong khi khối ngoại tiếp tục bán ròng 441,3 tỷ đồng.
Đây là một trong những phiên giao dịch điển hình của thị trường trong nhiều tháng nay: thanh khoản thấp, các chỉ số và đa số nhóm cổ phiếu biến động không đáng kể. Kể từ ngày 13/6/2024, thời điểm VN-Index vượt ngưỡng 1.300 điểm rồi điều chỉnh, chỉ số chung đến nay đã nhiều lần nỗ lực chinh mục lại ngưỡng này, nhưng bất thành.
Phiên sau đó (10/1), VN-Index giảm mạnh hơn, mất 15,29 điểm, xuống sát 1.230 điểm. Điều này cho thấy tâm lý thận trọng của nhà đầu tư khi không chắc chắn về xu hướng, trong bối cảnh khó đoán định nhiều biến số trên toàn cầu tác động đến nền kinh tế cũng như thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế và chính sách, Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, rủi ro toàn cầu lớn nhất hiện nay là dự kiến chính sách thuế quan mới của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhằm bảo hộ thương mại cho nước Mỹ có thể đẩy nhiều quốc gia vào tình cảnh khó khăn.
Xung đột thương mại từ chính sách này, cộng với việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ vừa phát đi tín hiệu đầu tiên về khả năng giảm số lần hạ lãi suất trong năm 2025 xuống còn hai đợt sẽ thúc đẩy đồng USD neo cao, khiến dòng tiền ngoại có thể tiếp tục rời bỏ thị trường, làm trầm trọng hơn áp lực tỷ giá và giảm dư địa duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng của Ngân hàng Nhà nước.
Công ty Chứng khoán UP nhận xét, việc khối lượng giao dịch ngày 9/1/2025 giảm xuống dưới trung bình 20 phiên cho thấy phần lớn dòng tiền đứng ngoài thị trường, phản ánh tâm lý thận trọng và sự chờ đợi của nhà đầu tư trước các yếu tố bất định.
Dự báo, dòng tiền yếu và áp lực từ khối ngoại sẽ là những yếu tố cản trở đà phục hồi của thị trường trong ngắn hạn. VN-Index có thể tiếp tục giằng co quanh ngưỡng 1.240 điểm. Nếu thanh khoản không cải thiện và áp lực bán gia tăng, chỉ số có khả năng sẽ lùi xuống ngưỡng hỗ trợ thấp hơn.
Đồng quan điểm, Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam (CSI) đánh giá, thanh khoản “mất hút”, cộng với nhịp điều chỉnh trong biên độ không quá lớn đang cho thấy sự thận trọng và có phần chán nản của giới đầu tư, nên khả năng cao là nhịp chỉnh sẽ tiếp diễn trong các phiên tới.
Thực tế, VN-Index đã lùi xuống sát ngưỡng hỗ trợ mới là 1.230 điểm. CSI khuyến nghị, nhà đầu tư nên thận trọng, kiên nhẫn chờ VN-Index kiểm tra mốc hỗ trợ và xuất hiện tín hiệu tích cực từ thanh khoản để quay trở lại vị thế mua mới.
Với kinh nghiệm đầu tư lâu năm, nhà đầu tư Dương Thủy cho rằng, khi tâm lý chán nản lên cao, khối lượng giao dịch xuống thấp như hiện nay, thị trường cần có 1 - 2 phiên “rũ hàng” (whash-out), tức là nhà đầu tư mất kiên nhẫn hoặc hoảng loạn nên ồ ạt bán ra cổ phiếu, xác lập giai đoạn cuối cùng trong chu kỳ giảm điểm, sau đó mới có sóng tăng mới.
“Hiện định giá thị trường (P/E) đang ở quanh mức 13 lần, rẻ hơn trước nhiều. Tôi nghĩ, đáy ngắn hạn sẽ ở quanh đây, khoảng 1.200 - 1.230 điểm”, nhà đầu tư trên nêu quan điểm.
Ông Nguyễn Việt Quang, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh 3, Chi nhánh Hà Nội, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, thị trường “lình xình” kéo dài là do không có dòng tiền vào.
“Chiến lược được khuyến nghị lúc này là mua thăm dò, mua gom vùng đáy, nên nhà đầu tư không cần vội. Chờ đợi thêm, trước Tết Nguyên đán, chúng ta sẽ mua được hàng tốt với giá rẻ”, ông Quang nói.
Tìm cổ phiếu có câu chuyện riêng
Nhìn dài hạn hơn, không ít công ty chứng khoán cho rằng, năm 2025 sẽ tiếp tục là một năm thử thách đối với nhà đầu tư chứng khoán do có nhiều biến số, đòi hỏi sự thận trọng và linh hoạt hơn trong giao dịch. Các yếu tố như lãi suất, chính sách thương mại và tình hình địa chính trị sẽ là những tác nhân chính ảnh hưởng đến diễn biến thị trường.
Các câu chuyện như nâng hạng thị trường từ cận biên lên mới nổi (dự kiến vào tháng 9/2025), giải ngân đầu tư công tích cực, hay sự hồi phục của thị trường bất động sản… vẫn sẽ là những chủ đề chính trong năm 2025. Tuy nhiên, đây cũng là những câu chuyện từng được nhà đầu tư “tạm ứng” kỳ vọng trong năm 2024, song VN-Index chưa chinh phục được ngưỡng 1.300 điểm. Do đó, nhà đầu tư không nên quá lạc quan.
Trong báo cáo phân tích mới phát hành, Quỹ đầu tư SGI Capital nhận định, thị trường chứng khoán bước vào năm 2025 kém thuận lợi khi hai lực đẩy quan trọng là dòng tiền và tăng trưởng nội tại doanh nghiệp đều có biểu hiện suy yếu.
Mối bận tâm lớn của thị trường chứng khoán năm 2024 và cả năm 2025 được SGI Capital nhìn nhận đến từ áp lực bán ròng từ khối ngoại. Mức bán ròng kỷ lục hơn 94.000 tỷ đồng năm ngoái đã khiến VN-Index không thể vượt qua mốc 1.300 điểm, dù dòng tiền nội tham gia mạnh mẽ và hấp thụ tốt lượng cung này.
Theo quỹ đầu tư này, trong bối cảnh kém thuận lợi về dòng tiền, định giá chung không rẻ, sự phân hóa của cổ phiếu có thể diễn ra rất khắc nghiệt, diễn biến giá mỗi cổ phiếu sẽ phụ thuộc nhiều vào sức mạnh nội tại của doanh nghiệp và năng lực tài chính của cổ đông. Hiện chưa thấy nhiều doanh nghiệp có câu chuyện tăng trưởng ấn tượng hay định giá hấp dẫn cung cấp đủ biên an toàn cho danh mục đầu tư, đặc biệt là khi vận động thị trường và bối cảnh vĩ mô đang xuất hiện một số rủi ro tiềm ẩn. Tuy vậy, việc hạ chuẩn đầu tư thường không mang lại kết quả tốt. Do đó, nhà đầu tư nên ưu tiên bảo toàn vốn, luôn giữ sự chủ động và chuẩn bị tốt sức mua sẽ mang lại lợi thế khi thị trường mang tới cơ hội từ những biến động lớn và bất ngờ.
Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Vietcombank khuyến nghị, nhà đầu tư có thể cân nhắc cơ cấu các mã cổ phiếu không có xu hướng hồi phục trong ngắn hạn tại các nhịp VN-Index bật lên (hướng lên vùng biên dao động phía trên 1.250 điểm). Cùng với đó, duy trì tỷ trọng những cổ phiếu có câu chuyện kỳ vọng hoặc ghi nhận lực cầu mua chủ động mạnh mẽ.
Theo nhà đầu tư Dương Thủy, với biên độ giao dịch hiện tại, nhà đầu tư nên hạn chế “lướt sóng” ngắn hạn, vì dễ gặp rủi ro và thua lỗ vì thuế, phí. Năm 2025, Chính phủ coi là năm bản lề, ưu tiên tái cơ cấu để tạo ra bước ngoặt, thì năm 2026 mới là năm bắt đầu kỷ nguyên “vươn mình”, dòng vốn ngoại nếu quay lại cũng sẽ chủ yếu từ đầu năm 2026.
Do vậy, thị trường chứng khoán năm 2025 được dự báo vẫn còn khó khăn, nhà đầu tư chỉ nên mua ở những phiên “rũ mạnh”, một năm giải ngân vài đợt và ưu tiên sử dụng “tiền thịt”, hạn chế dùng đòn bẩy.
“Năm 2025 sẽ là năm của cổ phiếu nhà nước, vốn to, an toàn, ít nợ, làm ăn tốt”, nhà đầu tư này chia sẻ.
Có góc nhìn lạc quan hơn, Công ty Chứng khoán Agribank (Agriseco) trong báo cáo mới đây cho biết, dù thị trường chưa bứt phá, nhưng xác suất tăng điểm trong tháng I/2025 khá cao.
Thống kê VN-Index từ khi thị trường chứng khoán Việt Nam được thành lập tháng 8/2000 đến nay cho thấy, trong 24 năm qua, có 14 năm chỉ số tăng điểm trong tháng 1, tương ứng xác suất 58,3%, hiệu suất bình quân tháng đầu năm là 4,9%, cao nhất trong các tháng. Trong đó, có 8 lần chỉ số tăng trên 10%, nhiều nhất các tháng trong năm, trong khi chỉ có một lần giảm hơn 10%.
Agirseco nhận định, triển vọng thị trường diễn biến tích cực trong tháng 1/2025 đến từ 3 yếu tố chính: các doanh nghiệp niêm yết công bố báo cáo tài chính quý IV/2024, các chính sách mới được thông qua từ kỳ họp Quốc hội cuối năm 2024 bắt đầu có hiệu lực và giải ngân đầu tư công sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Năm 2025, Agriseco đánh giá cao 3 nhóm ngành gồm ngân hàng, bất động sản và công nghệ thông tin.
Góc nhìn lạc quan này cũng là quan điểm của ông Trần Thăng Long, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán BIDV. Ông Long cho rằng, theo thông lệ mọi năm, quý I thường mạnh nhất trong năm về dòng tiền nên nếu không có biến động lớn, thị trường chứng khoán trong tháng 1 năm nay sẽ tăng trưởng tốt.