Dòng tiền suy yếu
Thị trường tiếp tục điều chỉnh và giao dịch ảm đạm trong tuần giao dịch thứ hai của năm mới 2025, nhưng nhịp hồi phục có thể sớm xuất hiện.
VN-Index lùi dần
Với lực cầu hỗ trợ luân phiên từ các cổ phiếu thuộc nhóm ngân hàng, VN-Index tạm duy trì trạng thái cân bằng trên mốc 1.240 điểm. Tuy nhiên, diễn biến leo đỉnh của chỉ số đồng USD (DXY) cùng thông tin điều chỉnh quy tắc xây dựng và quản lý bộ chỉ số HOSE-Index đã tác động trực tiếp đến nhóm ngân hàng. Thị trường mất thăng bằng và tiếp tục lao dốc trong phiên cuối tuần qua. Phần lớn các nhóm ngành đều giảm điểm so với đầu tuần, trong đó giảm nhiều nhất là chứng khoán, hóa chất và bán lẻ. Mặc dù bức tranh chung u ám, nhưng vẫn có tia sáng nhen nhóm tại các cổ phiếu thuộc nhóm đầu tư công như CTD, FCN, VCG, HHV.
Nhiều nhóm nhà đầu tư lớn tiếp tục bán ròng trong bối cảnh đồng USD neo ở mức cao. Lực bán ròng của khối ngoại trong tuần vừa qua trải đều tại phần lớn các nhóm ngành. Trong đó, nhóm công nghệ thông tin (FPT) là tâm điểm bán ròng, theo sau là chứng khoán, bán lẻ và ngân hàng
Diễn biến lao dốc trong 2 tuần vừa qua khiến thị trường liên tục đánh mất các mốc hỗ trợ quan trọng. VN-Index lùi về sát mốc 1.230 điểm cùng sự nới rộng biên độ giảm giá của nhiều nhóm cổ phiếu, đặc biệt là nhóm vốn hóa lớn. Dự kiến, nhịp điều chỉnh sẽ kéo dài, VN-Index lùi xuống ngưỡng 1.210 điểm trong tuần này. Nhà đầu tư nên tận dụng nhịp hồi phục có khả năng xuất hiện trong tuần để tái cơ cấu danh mục theo hướng giảm thiểu rủi ro và chờ đợi tín hiệu cân bằng tiếp theo để đánh giá lại trạng thái của thị trường.
Ngân hàng có nền tảng tăng trưởng
Gần đây, hoạt động kinh doanh của ngành ngân hàng trong có dấu hiệu tăng tốc, từ tăng trưởng tín dụng cho đến tăng trưởng lợi nhuận. Điều này giúp các ngân hàng kỳ vọng đạt kế hoạch lợi nhuận năm 2024, dù áp lực trích lập dự phòng tăng cao trong suốt cả năm.
Đối với việc Thông tư 02/2023/TT-NHNN hết hiệu lực từ cuối năm 2024 và chưa có thông tin về việc được gia hạn tiếp hay không, thực tế cho thấy, đa phần các ngân hàng có tỷ lệ nợ cần xử lý theo văn bản pháp luật này là rất thấp, trừ một số ngân hàng có hoạt động kinh doanh đặc thù có rủi ro cao hơn. Do các ngân hàng đã tích cực trích lập dự phòng nợ theo hướng dẫn của Thông tư 02/2023/TT-NHNN, chất lượng tài sản các ngân hàng đã được cải thiện rất nhiều, đổi lại, các hệ số về sinh lời có thể suy giảm nhẹ.
Với nền tảng chất lượng tài sản cải thiện, năm 2025 có thể chứng kiến giai đoạn tăng trưởng lợi nhuận của nhiều ngân hàng. Bên cạnh đó, với mức nền tăng trưởng tín dụng cao của toàn ngành trong năm 2024, Ngân hàng Nhà nước có thể đặt mục tiêu tín dụng cho năm 2025. Trên quan điểm biên lợi nhuận của ngành ngân hàng vẫn đang gặp khó khăn trong việc mở rộng, việc kỳ vọng có một mức tăng trưởng tín dụng sẽ là động lực tăng trưởng chính của ngành ngân hàng trong giai đoạn tiếp theo.
Ngoài ra, ngành ngân hàng đang có nhiều câu chuyện để có thể nhắc đến trong năm nay, bên cạnh câu chuyện về tăng trưởng tín dụng, cải thiện chất lượng tài sản. Một số ngân hàng hiện có câu chuyện về việc tăng vốn và phát hành cho đối tác chiến lược, giúp ngân hàng có một nền tảng vốn tốt hơn để đáp ứng các mục tiêu tăng trưởng trong năm mới.
Nhìn chung, nhóm cổ phiếu ngân hàng đang được chiết khấu khá mạnh, trong khi triển vọng kinh doanh cải thiện trong năm 2025. Các ngân hàng khác nhau sẽ phù hợp với các khẩu vị rủi ro khác nhau cho mục tiêu đầu tư trung - dài hạn.