Trận đánh lớn của GSM
Vốn điều lệ của GSM đã tăng tới sáu lần, thông qua sáu đợt tăng vốn liên tiếp trong chưa đầy hai năm và trở thành một hiện tượng của thị trường xe điện.
Trong chưa đầy hai năm hoạt động, Công ty CP Di chuyển xanh và thông minh GSM đã tăng vốn điều lệ lên đến sáu lần, đạt 18.000 tỷ đồng. Toàn bộ nguồn vốn này đều là vốn tư nhân, bao gồm 15.150 tỷ đồng tiền mặt và 2.850 tỷ đồng góp bằng tài sản.
Những động thái này không chỉ là bước đi tài chính đơn thuần mà còn thể hiện chiến lược dài hạn của GSM trong việc mở rộng thị trường và củng cố vị thế trong ngành dịch vụ di chuyển xanh.
Sáu lần tăng vốn thần tốc
Kể từ khi thành lập vào tháng 3/2023, GSM đã trải qua một hành trình tăng trưởng thần tốc. Ban đầu, công ty này có vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng. Chỉ sau hai tháng, GSM tăng vốn lên 5.650 tỷ đồng, gần gấp đôi số vốn ban đầu.
Đến tháng 9/2023, vốn điều lệ tiếp tục được nâng lên 5.947 tỷ đồng, cho thấy sự phát triển nhanh chóng và tham vọng mở rộng của công ty. Không dừng lại ở đó, tháng 12/2023, GSM tiếp tục tăng vốn lên 6.198 tỷ đồng.
Tháng 1/2024, công ty gần chạm mốc 9.700 tỷ đồng, rồi đạt 12.731 tỷ đồng vào tháng 6/2024. Và gần đây nhất, vào tháng 12/2024, tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 18.000 tỷ đồng.
Mỗi lần tăng vốn đều phản ánh sự mở rộng hoạt động của GSM. Từ đội xe khiêm tốn ban đầu, tính đến tháng 9/2024, GSM có hơn 80.000 xe mang thương hiệu Xanh SM đang được lưu hành hàng ngày trên đường bao gồm cả xe máy điện, ô tô điện và xe của đối tác.
Hiện GSM đã phủ sóng dịch vụ taxi điện tại hầu hết các thành phố lớn của Việt Nam, với đội xe gồm hàng nghìn chiếc ô tô điện VinFast và xe máy điện.
Trong chưa đầy hai năm, GSM đã xây dựng được mạng lưới vận hành hiệu quả, nhắm đến phân khúc khách hàng ưu tiên sự tiện nghi, hiện đại và bảo vệ môi trường.
Theo báo cáo của Modor Intelligence, xét trên doanh thu, thương hiệu Xanh SM đã vươn lên vị trí thứ hai trong quý IV/2023 với hơn 18% thị phần, chỉ xếp sau Grab.
GSM hiện chiếm thị phần lớn trong ngành taxi tại Việt Nam, với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Sự tăng trưởng này cũng giúp GSM đóng vai trò quan trọng trong việc tiêu thụ xe điện VinFast.
Hiện tại, 20% doanh số của VinFast được đóng góp bởi GSM, một con số đáng kể trong bối cảnh thị trường ô tô điện vẫn đang phát triển.
Chinh phục thị trường Đông Nam Á
Lần tăng vốn mới nhất lên 18.000 tỷ đồng của GSM gắn liền với tham vọng tiến ra thị trường quốc tế của thương hiệu này. Không chỉ muốn giành thị phần tại Việt Nam, GSM muốn vươn ra khu vực Đông Nam Á. Hãng taxi điện đã hoạt động tại Lào và Indonesia.
Việc tăng vốn cho thấy quyết tâm của GSM trong việc chinh phục thị trường Indonesia. Cụ thể, GSM cùng GoTo - công ty mẹ Gojek hợp tác trong mảng xe điện tại nước này. Thỏa thuận hướng đến mục tiêu thúc đẩy giao thông xanh tại Indonesia thông qua việc hỗ trợ các tài xế Gojek chuyển đổi sang sử dụng xe điện.
Ông Nguyễn Văn Thanh, Tổng giám đốc GSM toàn cầu cho biết, Xanh SM nhận thấy tiềm năng mạnh mẽ tại thị trường Indonesia khi nhu cầu chuyển đổi sang các giải pháp di chuyển xanh và thông minh ngày càng gia tăng.
Là nền tảng "sinh sau đẻ muộn" tham gia vào cuộc chơi gọi xe công nghệ, do đó, GSM luôn tìm cách bắt tay với các ông lớn trong ngành, nhằm tận dụng mạng lưới và tên tuổi của các doanh nghiệp lâu đầu. Tại Indonesia, hãng taxi điện Việt Nam chọn Gojek, còn trong nước là kết hợp với Be Group.
Ngay sau khi thành lập, GSM đã nhanh chóng đầu tư vào Be Group (đơn vị vận hành Be). Trong đó, Be chia sẻ nền tảng gọi xe cho GSM. Khách hàng sử dụng ứng dụng Be có thêm lựa chọn đặt taxi điện Xanh SM được tích hợp sẵn.
Trở lại với Indonesia, với nhu cầu di chuyển xanh đang tăng cao nhờ các chính sách hỗ trợ phát triển xe điện. So với các thị trường khác, Indonesia có lợi thế nhờ thị trường rộng lớn và tiềm năng tăng trưởng cao, đặc biệt là trong lĩnh vực vận tải công cộng.
Indonesia, với dân số hơn 277 triệu người là quốc gia đông dân thứ 4 thế giới (đông dân nhất Đông Nam Á) và cũng là nền kinh tế lớn nhất Đông Nam Á, đạt khoảng 4.391 tỷ USD vào năm 2023.
Báo cáo của Mordor Intelligence cho biết, quy mô thị trường gọi xe Indonesia đạt 2,67 tỷ USD và dự kiến sẽ vượt mức 4,66 tỷ USD trong giai đoạn 2024 - 2029, với mức tăng trưởng hằng năm là 8,75%.
"Indonesia đang chứng kiến nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp di chuyển xanh và thông minh. Chúng tôi nhận thấy đây là cơ hội to lớn để hiện thực hóa sứ mệnh tiên phong trong cuộc cách mạng giao thông điện hóa của khu vực", ông Thanh nhận định.