Thị trường Kuwait có nhu cầu cao về sản phẩm chế biến sẵn
Do văn hóa tiêu dùng, người Kuwait đặt biệt ưa chuộng các mặt hàng khô đã qua chế biến. Ngoài ra các chứng chỉ về Halal, các sản phẩm Haram (bị cấm) cũng là các vấn đề mà doanh nghiệp Việt Nam cần lưu ý khi xuất sang Kuwait.
Phát biểu tại phiên tư vấn xuất khẩu sang thị trường Kuwait, Thương vụ Việt Nam tại Kuwait ông Trần Trung Hiếu cho biết, Kuwait là thị trường có GDP đầu người cao, đạt khoảng 52.000 USD/người. Kuwait là thị trường sản xuất và xuất khẩu chính của thị trường dầu mỏ, chiếm tới 90% GDP quốc gia.
Trong khi đó, ngành nông nghiệp Kuwait lại không phát triển do có tới 82% diện tích là sa mạc. Do đó, đây được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với hàng hóa nông sản của Việt Nam.
Cơ hội cho nông sản Việt Nam
Hiện Kuwait đang nhập khẩu khoảng 80% lượng thực phẩm, hàng hóa. Cụ thể, về mặt hàng lương thực, đối với loại gạo và ngũ cốc, mỗi năm Kuwait nhập khẩu khoảng 600 triệu USD/năm (gạo chiếm 50%).
Về mặt hàng rau quả, theo Cơ quan Thống kê của Kuwait, hàng năm nhập khẩu rau quả, loại hạt đạt khoảng 900 triệu USD. Trong đó, các loại rau quả đạt khoảng 390 triệu USD, loại trái cây đạt khoảng 450 triệu USD, còn lại là loại hạt khác. Các loại trái cây nhiệt đới như thanh long, chôm chôm, nhãn chủ yếu nhập khẩu từ Thái Lan. Theo ông Hiếu, Thái Lan có lợi thế hơn so với Việt Nam khi có đường bay thẳng sang thị trường này, đặc biệt đối với các sản phẩm rau quả nhiệt đới.
Chứng nhận Halal là chương trình đánh giá để xác nhận rằng những sản phẩm, dịch vụ cụ thể không sử dụng các thành phần Haram (bị cấm, người Hồi giáo không sử dụng) và điều kiện sản xuất đáp ứng yêu cầu của luật Shari’ah và tiêu chuẩn Halal. Tùy theo thị trường xuất khẩu mà doanh nghiệp tìm hiểu quy định về chứng nhận Halal.
Về thủy sản, Kuwait đánh bắt được 4.000 – 5.000 tấn/ năm, tuy nhiên chỉ đáp ứng một phần nhu cầu trong nước, nên vẫn cần nhập khẩu khoảng 200 triệu USD/năm. Mặt hàng thủy sản của Việt Nam sang thị trường này chủ yếu là cá basa và một số loại tôm đã được chế biến qua xử lý nhiệt, đều có hầu hết ở các siêu thị của Kuwait.
Các sản phẩm tôm tươi chưa được vào thị trường này do Kuwait áp dụng theo lệnh cấm của Arab Saudi. Trước đó, năm 2018, phía Arab Saudi đã cấm mặt hàng tôm của Việt Nam do không đáp ứng tiêu chuẩn kiểm dịch (SPS).
Kuwait là một quốc gia theo tôn giáo hoàn toàn cho nên thịt lợn bị cấm nhập khẩu. Một số mặt hàng khác cũng bị cấm theo yêu cầu của công ước quốc tế liên quan đến các lý do như cấm vận an ninh, y tế, đạo đức, bảo vệ môi trường. Ngoài ra, các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường này còn phải đạt chứng nhận Halal.
Các sản phẩm bị cấm bao gồm như đồ uống có cồn, thịt lợn, gia vị có mùi hôi như nước mắm...
Theo ông Hiếu, hàng Việt Nam hiện rất được ưa chuộng Kuwait. Theo Cơ quan Thống kê của Kuwait (CSB), mỗi năm thị trường này nhập khẩu khoảng 500 triệu USD hàng hóa của Việt Nam.
Về thuế nhập khẩu, Kuwait hiện đánh thuế nhập khẩu hàng hóa tương đối thấp, chỉ từ 0 – 5%, riêng các mặt hàng về lương thực như gạo, lúa mì… không phải chịu thuế suất. Với sản phẩm thuốc lá, mặt hàng này phải chịu mức thuế là 100% do thị trường này chú trọng đến vấn đề sức khỏe.
Ngoài ra thị trường này còn không áp dụng biện pháp tự vệ, thuế chống bán phá giá. Hiện Kuwait đang áp dụng hầu hết các Tiêu chuẩn chung của GCC.
Tập trung xuất khẩu sản phẩm chế biến
Chia sẻ với Mekong Asean, ông Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc công ty Nguyễn Anh Group (một công ty chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu) cho biết, lượng dân cư của Kuwait tương đối thấp cho nên không phải mặt hàng nào thị trường này cũng tiêu thụ. Riêng với mặt hàng hoa quả tươi, khi xuất sang thị trường này giá thành rất cao, không phù hợp với lượng lớn dân cư.
“Kuwait với phần lớn dân cư là dân lao động nhập khẩu với thu nhập thấp nên không phải mặt hàng nào cũng được tiêu thụ. Với mặt hàng hoa quả tươi, giá thành lại tương đối cao, không phải ai cũng mua được”, ông Tuấn nói.
Mặt khác, do yếu tố khí hậu và địa lý, nền nông nghiệp không phát triển nên các mặt hàng rau quả tươi sản xuất hay xuất khẩu vào thị trường này tương đối cao. Văn hóa tiêu thụ thực phẩm của Kuwait cũng hướng tới tiêu dùng các mặt hàng đồ khô.
Ông Tuấn cho biết, giá một sản phẩm rau quả tươi bằng 5 sản phẩm rau quả khô. Do vậy, doanh nghiệp nên chú trọng xuất khẩu sản phẩm đã chế biến thay vì để dạng thô. Mặt khác, việc chế biến cũng giúp việc bảo quản hàng hóa được lâu hơn.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn, doanh nghiệp Việt còn yếu về vấn đề thương mại. Ông cho rằng phía doanh nghiệp cần sang trực tiếp Kuwait để tìm hiểu thị trường, tìm hiểu về đối tác. Sau khi tìm hiểu mới có thể đánh giá được thị trường, đưa ra chiến lược truyền thông phù hợp.
Về vấn đề logistics, theo ông Tuấn, nếu bay thẳng đến Kuwait thì chi phí rất cao, doanh nghiệp sẽ phải đội thêm chi phí vận chuyển lên rất nhiều. Trong khi đó, nếu di chuyển sang thị trường nước láng giềng là Dubai thì sẽ rẻ hơn do vận chuyển sang quốc gia này chịu chi phí vận chuyển thấp hơn.
Về cách tiếp cận thị trường, đối tác, doanh nghiệp có thể tiếp cận qua 3 kênh: kênh Chính phủ (Đại sứ quán, Bộ Công thương của Việt Nam và Kuwait), các doanh nghiệp đã xuất khẩu sang thị trường này và du học sinh.