Bài học từ chương trình chuyển nhượng tín chỉ carbon đầu tiên của Việt Nam

Chương trình chuyển nhượng tín chỉ carbon đầu tiên của Việt Nam là lĩnh vực còn mới, phức tạp và chưa có tiền lệ. Do đó, những phát sinh trong quá trình triển khai là điều khó tránh khỏi.

Từ thỏa thuận đầu tiên đến kế hoạch mở rộng tín chỉ carbon rừng

Kể từ năm 2020, khi Việt Nam ký kết thỏa thuận đầu tiên về giao dịch tín chỉ carbon rừng, đến nay, chúng ta đang trong quá trình đàm phán thêm một thỏa thuận khác.

Ông Trần Hiếu Minh, Trưởng phòng Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đối với thỏa thuận với Ngân hàng Thế giới (WB), Việt Nam đã ký kết chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon.

Tính đến cuối năm 2023, khu vực Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên đã giảm phát thải khí nhà kính khoảng 15,3 triệu tấn và dự kiến đạt 16,5 triệu tấn. Nếu duy trì tốc độ này, lượng giảm phát thải sẽ tiếp tục tăng cao hơn vào cuối năm 2024.

Cây gỗ trong rừng tự nhiên ở gần cộng đồng thôn Chênh Vênh. Ảnh: Hưng Thơ.

Cây gỗ trong rừng tự nhiên ở gần cộng đồng thôn Chênh Vênh. Ảnh: Hưng Thơ.

Ông Minh thông tin, hiện tại một phần tín chỉ carbon từ lượng giảm phát thải đã được chuyển nhượng, và Ngân hàng Thế giới (WB) đề xuất chuyển nhượng thêm 1 triệu tín chỉ trong số 5,9 triệu tín chỉ còn dư. Sau khi hoàn tất việc chuyển nhượng 10,3 triệu tín chỉ carbon, dự kiến đến tháng 3/2024, Việt Nam sẽ nhận được 51,5 triệu USD từ WB.

Trong đó, 6 tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đã triển khai việc chi trả theo quy định. Theo thống kê của địa phương, có khoảng 70.000 chủ rừng với trên 2 triệu ha rừng tự nhiên được hưởng lợi từ nguồn tiền này. Đến nay, gần 400 tỷ đồng đã được các địa phương chi trả theo đúng quy định.

Liên quan đến thỏa thuận mua bán tín chỉ carbon vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ với Tổ chức tăng cường tài chính lâm nghiệp (Tổ chức Emergent), sau COP 21, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện.

Trong thỏa thuận mới, Việt Nam lựa chọn phương án chuyển nhượng nhưng 100% tín chỉ sẽ đóng góp vào mục tiêu NDC (Đóng góp do quốc gia tự quyết định). Giai đoạn 2021 - 2025, ước tính lượng tín chỉ carbon ước tính tạo ra của vùng là 20 triệu tấn. Cục Lâm nghiệp đã tham mưu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hoàn thiện hồ sơ đang lấy ý kiến các Bộ, ban ngành và các địa phương có liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xin chủ trương đàm phán, ký kết và triển khai.

Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn cho rằng, để tận dụng những thành quả này, các Bộ sẽ tiếp tục báo cáo và giải trình với Thủ tướng để cho phép tiêu thụ lượng giảm phát thải đạt được. Điều này có thể được thực hiện qua hai hướng:

Một là, chuyển tín chỉ carbon cho FCPF (Quỹ Đối tác Carbon trong Lâm nghiệp) thông qua WB với mục tiêu ban đầu là 1 triệu tấn, có thể tăng thêm nếu có sự quan tâm từ các nhà đầu tư khác. Hai là, có thể giao Bộ Tài chính chủ trì tổ chức đấu giá tín chỉ carbon.

“Dù thành công hay không, việc này sẽ mang lại kinh nghiệm quý báu cho các hoạt động bán tín chỉ carbon trong tương la”, ông Tuấn nhấn mạnh.

Cơ hội và thách thức trong việc mở rộng giao dịch tín chỉ carbon rừng

Đến cuối năm 2024, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến tổ chức tổng kết sâu rộng về ERPA (Hiệp định Đối tác Tín chỉ Carbon) trên cả thực tiễn, lý luận và cơ sở quốc tế, nhằm chuẩn bị cho các bước tiếp theo. Nghị định 107, ban hành tháng 12/2023, về cơ chế ủy quyền quản lý tài chính trong lĩnh vực này, cũng sẽ được đánh giá để điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Trong dài hạn, các quy định cần được rà soát và đồng bộ hóa, đảm bảo lợi ích thực sự thuộc về người dân và chủ rừng. Vai trò của Nhà nước sẽ chỉ dừng ở cung cấp dịch vụ hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất cho người dân.

Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Ông Hà Công Tuấn, nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chủ tịch Hội Khoa học kinh tế nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Về cơ hội mở rộng giao dịch tín chỉ carbon rừng, ông Hà Công Tuấn chia sẻ: “Trước tiên, cần hiểu rằng giao dịch tín chỉ carbon rừng hiện nay bao gồm cả hợp tác quốc tế và cơ chế bán tín chỉ tự nguyện, chưa phải là thị trường bắt buộc. Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ký biên bản ghi nhớ với hai tổ chức quốc tế, chuẩn bị thực hiện giao dịch hơn 10 triệu tín chỉ carbon tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên”.

Tuy nhiên, quá trình triển khai các thỏa thuận này vẫn còn nhiều thách thức. Nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa ra 2 vấn đề:

Thứ nhất, hiện tại Việt Nam chưa có cơ chế vận hành chính thức cho thị trường tín chỉ carbon. Theo Nghị định 06/2022/NĐ-CP về quy định giảm phát thải khí nhà kính và bảo vệ tầng ozone, thị trường tín chỉ carbon dự kiến đến năm 2028 mới được thiết lập.

“Khi chưa có thị trường chính thức, tôi cho rằng chúng ta nên cho phép triển khai thí điểm và xuất bán tín chỉ carbon ra thị trường quốc tế. Trong nước hiện nay, khả năng và tiềm năng giao dịch tín chỉ carbon còn rất hạn chế”, ông Tuấn nói.

Thứ hai, vấn đề đấu thầu, đấu giá trong giao dịch tín chỉ carbon cũng gây ra nhiều băn khoăn. Ông Tuấn cho rằng, nếu là hợp tác quốc tế, giao dịch này không nên bị ràng buộc bởi đấu giá, vì điều đó có thể làm mất cơ hội và lãng phí tài nguyên.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lo ngại rằng chúng ta đang bán “lúa non” với giá quá thấp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, giá tín chỉ carbon ở khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên dao động từ 5 đến 10 USD/tấn. Quan trọng hơn, khoảng 95% giá trị tín chỉ được giữ lại để giảm phát thải quốc gia, đồng thời mang lại lợi ích trực tiếp cho người dân thông qua nguồn thu nhập từ giao dịch này.

“Ngoài lợi ích kinh tế rõ rệt, việc triển khai tín chỉ carbon còn góp phần nâng cao vị thế quốc gia trên trường quốc tế. Vì vậy, tôi đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính cần phối hợp trình Chính phủ, sớm đưa ra quyết định để triển khai cơ chế tín chỉ carbon tự nguyện, đặc biệt tại khu vực Nam Trung Bộ và Tây Nguyên", ông Tuấn nói.

Linh Nguyễn

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/bai-hoc-tu-chuong-trinh-chuyen-nhuong-tin-chi-carbon-dau-tien-cua-viet-nam-d231126.html
Zalo