Kế hoạch kinh tế tuần hoàn của EU tạo 'bước nhảy' cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam

Mặc dù có những lợi thế lớn, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đang đứng trước những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU với những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn...

Xuất khẩu da giày là một trong 7 nhóm hàng chịu tác động trực tiếp từ CEAP.

Xuất khẩu da giày là một trong 7 nhóm hàng chịu tác động trực tiếp từ CEAP.

Sau 4 năm thực thi, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) đang là động lực lớn thúc đẩy thương mại song phương, song xuất khẩu của Việt Nam đang đứng trước những thách thức mới từ Chính sách Xanh của EU.

QUY ĐỊNH PHỨC TẠP, VÔ CÙNG KHÓ

Tại tọa đàm “Kế hoạch của EU về kinh tế tuần hoàn (CEAP) và hệ lụy đối với doanh nghiệp Việt Nam” ngày 27/11, ông Đỗ Hữu Hưng, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công Thương cho rằng nếu như trước khi ký EVFTA, trao đổi thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt khoảng gần 49 tỉ USD, thì sau 4 năm hiệp định có hiệu lực, kim ngạch trao đổi thương mại hai chiều đã lên gần 64 tỉ USD.

Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường xuất khẩu cũng thay đổi. Trước đây, các nhóm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tập trung chủ yếu vào thị trường cửa ngõ, thị trường trọng tâm, trọng điểm là Pháp, Hà Lan, Bỉ, giờ đây có sự chuyển dịch tăng trưởng xuất khẩu sang những thị trường ngách, thị trường nhỏ hơn, như các thị trường ở khu vực Đông Âu, Bắc Âu và Nam Âu (gồm Bồ Đào Nha, Đan Mạch, Séc hoặc là Bulgaria).

Mặc dù có những lợi thế lớn, nhưng xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang EU đang đứng trước những thách thức mới đến từ các chính sách xanh của EU với những quy định khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu và tiêu dùng theo hướng phát triển bền vững, kinh tế tuần hoàn.

Kế hoạch nền kinh tế tuần hoàn là một phần của Thỏa thuận xanh châu Âu. Thỏa thuận xanh châu Âu như một mục tiêu, một chiến lược của EU để giúp khối này giảm phát thải ròng bằng 0 sớm nhất có thể vào năm 2050.

Để thực hiện được chiến lược và mục tiêu này, EU sẽ đưa ra hàng loạt các quy định, trong đó có Kế hoạch hành động nền kinh tế tuần hoàn của EU (CEAP). CEAP sẽ tác động trực tiếp đến 7 nhóm lĩnh vực xuất khẩu chính của Việt Nam, cụ thể: thiết bị điện tử, công nghệ thông tin, nhóm về pin, nhóm về bao bì, nhóm về nhựa, dệt may, da giày.

Trong đó quy định ISPR (quy định liên quan đến thiết kế sinh thái, sản phẩm bền vững) đã có hiệu lực từ tháng 7/2024. ISPR ảnh hưởng đến một số lĩnh vực xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, trong đó có dệt may và giày dép, các sản phẩm nhựa và bao bì.

ISPR có quy định liên quan đến việc ngăn chặn, hạn chế tiêu hủy các sản phẩm dệt may, yêu cầu các sản phẩm phải có hộ chiếu kỹ thuật số DPP.

“Những quy định này rất phức tạp, ngay cả bản thân chúng tôi nghiên cứu cũng thấy rất khó”, ông Hưng chia sẻ, đồng thời cho biết sản phẩm không đáp ứng được những tiêu chuẩn của EU như liên quan đến hộ chiếu sản phẩm kỹ thuật số... sẽ không thể thâm nhập được vào thị trường EU, hải quan phía EU sẽ không cho thông quan.

CẦN COI THÁCH THỨC NHƯ CƠ HỘI "LỚN LÊN"

Để đáp ứng được những quy định này, đại diện Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ cho rằng các doanh nghiệp phải đầu tư máy móc, phải thay đổi quy trình sản xuất, quy trình quản lý, dù chi phí đầu tư tăng khiến giá thành sản phẩm tăng, sẽ ảnh hưởng đến sức cạnh tranh.

Tuy nhiên, những quy định này cũng có thể tạo ra những cơ hội nhất định cho doanh nghiệp xuất khẩu. Đơn cử, doanh nghiệp sẽ có những tệp khách hàng mới ở thị trường EU, bởi bản thân người tiêu dùng châu Âu đã có xu hướng tiêu dùng bền vững, có nhận thức cao về bảo vệ môi trường, ưu tiên tiêu dùng những sản phẩm bảo vệ môi trường.

Bên cạnh đó, mặc dù chi phí đầu tư nhằm đáp ứng được những tiêu chuẩn châu Âu ban đầu có thể cao, nhưng khi doanh nghiệp đã có được chiến lược đầu tư bài bản, thì lâu dài sẽ thu được những hiệu suất kinh doanh tốt hơn, sẽ giảm được chi phí về lâu dài.

TS. Mai Thanh Dung, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên và Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cũng nhìn nhận đây là một cơ hội để các doanh nghiệp tự soi vào mình trong thời gian qua và để định hướng cho sự phát triển trong tương lai.

Thực chất kinh tế tuần hoàn là việc làm rất hiệu quả nhưng lâu nay chúng ta cứ theo cách truyền thống, không để ý những việc cần phải làm để hướng đến quy trình sản xuất tuần hoàn. Doanh nghiệp nào làm được tốt những quy trình hoặc những giải pháp kinh tế tuần hoàn thì doanh nghiệp đó sẽ đạt được hiệu quả trong sản xuất kinh doanh của mình được tốt hơn những doanh nghiệp khác.

Để thích ứng với các quy định xanh của EU, dưới góc độ doanh nghiệp dệt may, ông Nguyễn Xuân Dương, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên, kiến nghị Chính phủ tập trung đầu tư các khu công nghiệp sinh thái có hệ thống xử lý nước tuần hoàn, nhằm đáp ứng cho nhu cầu sản xuất dệt nhuộm, hiện chủ yếu phải nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào vì lo ngại ô nhiễm môi trường.

Đồng thời, hỗ trợ vốn bằng việc tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

Việc đào tạo nguồn nhân lực kỹ thuật và quản lý kinh tế xanh cần được đưa vào chương trình đào tạo từ bậc cao đẳng trở lên để sẵn sàng phục vụ cho quá trình chuyển đổi xanh.

Vũ Khuê

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ke-hoach-kinh-te-tuan-hoan-cua-eu-tao-buoc-nhay-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-viet-nam.htm
Zalo