Thị trường dệt may năm 2025: Cơ hội đan xen thách thức

Với tín hiệu tích cực từ thị trường, ngành dệt may đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025 đạt 47 - 48 tỷ USD. Tuy nhiên, thị trường dệt may trong năm nay được nhận định có nhiều cơ hội đan xen rủi ro bởi những yếu tố mới về chính trị từ những nhà nhập khẩu lớn và tăng nhiệt cạnh tranh.

Năm 2025 đặt mục tiêu xuất khẩu 47 - 48 tỷ USD

Kết thúc năm 2024, mặc dù tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường nhưng ngành dệt may Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng khá khi cán đích kim ngạch xuất khẩu ước đạt 44 tỷ USD, tăng 11,26% so với năm 2023.

Dự báo sản xuất hàng dệt may của Bangladesh sẽ phục hồi lại mức bình thường kể từ sau quý II/2025. Lúc đó sẽ có sự cạnh tranh gay gắt với doanh nghiệp dệt may Việt Nam bởi Bangladesh đang được hưởng thuế quan ưu đãi cho nước kém phát triển, trong khi chi phí lao động của Việt Nam cao gần gấp ba lần so với đối thủ.

Với những kết quả tích cực của năm 2024, năm 2025, ngành dệt may đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 47 - 48 tỷ USD.

Nhận định về triển vọng năm 2025, ông Trương Văn Cẩm - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) cho biết, tín hiệu tăng trưởng thị trường dệt may ngày càng tốt hơn khi một số thị trường nhập khẩu chủ đạo Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản…đang tiếp tục ghi nhận sự phục hồi kinh tế, nhu cầu tiêu dùng tăng, tồn kho giảm mạnh.

Ông Cẩm cho hay, theo thường lệ, dịp cuối năm nhu cầu may mặc tăng mạnh, cùng với những yếu tố tác động từ nền kinh tế thế giới hay sự suy yếu, bất ổn của các đối thủ; sự chuyển dịch lớn đơn hàng từ Trung Quốc, Bangladesh, Myanmar sang Việt Nam…là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ngành dệt may đón "mưa" đơn hàng ngay từ đầu năm 2025. Trên thực tế, đến thời điểm hiện tại, rất nhiều doanh nghiệp thành viên hiệp hội cho biết đã có đơn hàng kha khá cho năm 2025.

Năm 2024, dệt may Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Ảnh: TL

Năm 2024, dệt may Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu. Ảnh: TL

Cho rằng thị trường dệt may năm 2025 có nhiều dấu hiệu tốt hơn và xuất khẩu dệt may Việt Nam có thể đạt 45,5 - 46 tỷ USD, TS. Nguyễn Minh Phong - Chuyên gia kinh tế lý giải nguyên nhân do nền kinh tế các thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU phục hồi, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện. Ngoài ra, nếu Mỹ tăng thuế nhập khẩu lên đến 60% đối với hàng Trung Quốc và từ 10-20% đối với một số quốc gia khác thì Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn nếu tuân thủ tốt quy định về nguồn gốc xuất xứ, truy xuất chuỗi cung ứng…

Không những vậy, năm 2025 ngành dệt may Việt Nam nhận được những động lực thể chế mới như tinh gọn bộ máy, giảm thiểu chi phí cơ hội của doanh nghiệp... Cùng với đó là lực lượng lao động trẻ, dồi dào; chi phí lao động mặc dù không còn lợi thế cạnh tranh, nhưng kỹ năng may của công nhân Việt Nam đẹp và tốt, chất lượng sản phẩm đồng đều...

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Hoàng Mạnh Cầm - Phó Chánh Văn phòng HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam nhìn nhận, trong nửa đầu năm 2025, ngành may mặc sẽ tiếp tục đà phục hồi từ cuối năm 2024. Đồng thời có một số tín hiệu tăng trưởng tốt hơn khi các thị trường nhập khẩu chính của ngành như Mỹ và EU phục hồi kinh tế khả quan hơn. Thu nhập và chi tiêu tiêu dùng của người dân cũng sẽ được cải thiện sau khi lộ trình cắt giảm lãi suất tiếp tục diễn ra.

Tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu

Tuy nhiên, theo ông Hoàng Mạnh Cầm từ nửa cuối năm trở đi, nhà nhập khẩu sẽ không chốt đơn hàng dài mà đơn hàng sẽ ngắn và nhỏ hơn. Đặc biệt, đơn hàng dịch chuyển từ Bangladesh sẽ giảm dần, hiện tại xuất khẩu của quốc gia này đã ổn định dần.

Bên cạnh đó, khi Tổng thống Donald Trump lên điều hành chính quyền và thực thi chính sách thuế mới đối với các đối tác thương mại của Mỹ, có khả năng dệt may Việt Nam chịu thêm 10% thuế. Đây là một khó khăn lớn bởi Mỹ hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của ngành.

Thị trường dệt may năm 2025: Cơ hội đan xen thách thức. Ảnh: TL

Thị trường dệt may năm 2025: Cơ hội đan xen thách thức. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Minh Phong cũng thừa nhận, năm 2025 doanh nghiệp ngành dệt may vẫn tiếp tục đối mặt với nhiều thách thức. Cụ thể, giá đơn hàng thấp trong khi chi phí đầu vào tiếp tục tăng, các nhãn hàng có sự thay đổi lớn trong cách mua hàng, thanh toán, giảm sản lượng, những tiêu chí, tiêu chuẩn khắt khe liên quan đến "xanh hóa" trong sản xuất, tự chủ nguồn nguyên liệu và tiêu chuẩn lao động, truy xuất nguồn gốc và phát thải carbon thấp.

"Dự báo, trong 2-4 năm tới, ngành dệt may sẽ phải đối mặt với hơn 35 luật mới liên quan đến phát triển bền vững của hầu hết các thị trường lớn như Mỹ, EU, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ…. Nếu không đáp ứng được yêu cầu của thị trường, doanh nghiệp sẽ bị mất đơn hàng, giảm doanh thu"- ông Phong nói.

Để ngành dệt may Việt Nam đạt được mục tiêu năm 2025, theo ông Phong, ngành dệt may cần tiếp tục tìm kiếm đơn hàng, mở rộng thị trường xuất khẩu, tham gia và hoạt động tích cực tại nhiều tổ chức quốc tế lớn chuyên ngành dệt may. Kết nối các doanh nghiệp với nhiều tổ chức và hiệp hội dệt may quốc tế, tranh thủ chuyên gia, kinh nghiệm, kinh phí để mở các lớp đào tạo, cập nhật công nghệ, kỹ năng nghề, phát triển bền vững.

Các doanh nghiệp cần đáp ứng quy tắc xuất xứ và khai thác tốt hơn các thị trường lớn, tận dụng hiệu quả ưu đãi thuế quan từ các FTA và đa dạng hóa thị trường, đối tác, khách hàng, sản phẩm có giá trị gia tăng cao …/.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Vitas, thực hiện chiến lược phát triển ngành dệt may và da giày, từ nay đến năm 2030, ngành sẽ chuyển dần từ phát triển nhanh sang phát triển bền vững. Từ 2031-2035, ngành dệt may sẽ phát triển bền vững một cách hiệu quả theo mô hình kinh tế tuần hoàn; hoàn thiện chuỗi giá trị trong nước và tham gia ở vị trí có giá trị cao trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguyên Phương

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/thi-truong-det-may-nam-2025-co-hoi-dan-xen-thach-thuc-168363.html
Zalo