Thủ phủ chuối miền Trung nhộn nhịp ngày giáp Tết
Nhiều năm qua, chuối trở thành loài cây chủ lực ở Hướng Hóa, Quảng Trị góp phần cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Chuối mật mốc trở thành cây chủ lực giúp người dân Hướng Hóa có thêm thu nhập trong dịp Tết
Huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị được biết đến là "thủ phủ" chuối mật mốc, loại quả gần như không thể thiếu trên mâm cúng Tết của người miền Trung. Nhiều năm qua, chuối trở thành loài cây chủ lực ở Hướng Hóa, góp phần cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Chợ chuối Tết ở đây thường bắt đầu từ bốn giờ sáng và kết thúc khi trời tối với hàng ngàn người mua, kẻ bán. Mỗi xe máy của người dân chở từ 1 đến 7 buồng chuối mật mốc. Họ bán cả xe chuối cùng một lúc, rất ít người bán lẻ và giá dao động từ năm bảy trăm đến vài triệu đồng/xe chuối. Ngoài sức tiêu dùng nội địa, chuối mật mốc tại đây được các thương lái thu gom, vận chuyển đến các tỉnh lân cận như Quảng Bình, Thừa Thiên -Huế... để bán cho người dân thờ cúng trong dịp Tết cổ truyền dân tộc.
Anh Hồ Văn Xeng, 38 tuổi, trú xã Thanh, huyện Hướng Hóa có 2ha chuối mật mốc, mỗi năm cho thu nhập khoảng 30 triệu đồng, giúp anh có chi phí trang trải cuộc sống, lo cho con cái học hành. Mỗi dịp Tết đến, anh Xeng còn thu về hàng chục triệu đồng nhờ giá chuối tăng.
"Chuối mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình tôi. Dịp cuối năm, giá chuối mật mốc tăng, tiểu thương đến tận vườn đặt cọc, thu mua. Vừa rồi tôi đã bán được 15 triệu đồng tiền chuối, có thêm tiền mua sắm Tết", anh Xeng chia sẻ.
Theo lãnh đạo huyện Hướng Hóa, hiện địa phương được xem là vựa chuối của miền Trung với diện tích hơn 3.500ha. Tổng doanh thu từ cây chuối đạt khoảng 120 tỷ đồng/năm. Hướng Hóa cũng là nơi cung ứng lượng lớn chuối ra thị trường dịp Tết Nguyên đán. Cứ đến giữa tháng 12 âm lịch, tiểu thương khắp nơi lại tìm tới các vườn chuối của bà con ở Hướng Hóa để đặt cọc, thu mua, khiến không khí nơi đây nhộn nhịp hơn hẳn.
Anh Trần Minh Ngọc, một tiểu thương buôn chuối lâu năm cho biết: "Với những vườn chuối lớn, chúng tôi sẽ đến đặt cọc và thu mua tận nơi cho người dân. Ngoài ra còn thu mua thêm của bà con ở chợ chuối. Giá chuối hiện nay 300.000-400.000 đồng/buồng và có thể tăng lên ít ngày tới.
Xã Tân Long, huyện Hướng Hóa là địa phương có diện tích trồng chuối lớn nhất tỉnh. Những năm gần đây, thị trường chuối mật mốc mở rộng, xuất khẩu đi Trung Quốc, Lào, Thái Lan... nên giá cả tăng lên đáng kể. Chuối mật mốc dần trở thành sản phẩm thương hiệu của huyện Hướng Hóa.
Ông Võ Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Tân Long cho biết năm nào cũng vậy, cứ cận Tết là người dân các địa phương trong huyện lại vận chuyển chuối mật mốc đến trung tâm xã để bày bán. Năm nay, lượng chuối mật mốc được bày bán tại địa bàn nhiều hơn năm trước và giá cả tương đối ổn định nên người dân rất phấn khởi.
Chuối mật mốc tạo bước đệm để người dân vượt khó, có được nguồn thu nhập khá mỗi dịp Tết đến, Xuân về. Tuy nhiên hiện nay, chuối ở Hướng Hóa vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường xuất khẩu, trên địa bàn chưa có nhiều cơ sở chế biến sản phẩm từ chuối quả. Ngành Nông nghiệp Hướng Hóa cũng khuyến cáo người dân thận trọng trong việc đầu tư mở rộng diện tích trồng chuối, vì nếu trồng ồ ạt thì giá chuối có khả năng sẽ giảm, ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.