Thị trường dầu mỏ chao đảo vì thuế quan và nỗi lo suy thoái
Giá dầu thế giới sụt mạnh trong phiên giao dịch 4/4, giảm tới 7% và rơi xuống mức thấp nhất kể từ năm 2021, sau khi Trung Quốc bất ngờ nâng thuế lên toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ. Diễn biến này đã khiến giới đầu tư toàn cầu hoang mang, gia tăng lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế diện rộng.

Giàn khoan dầu tại Luling, Texas, Mỹ. Ảnh minh họa: THX/TTXVN
Là quốc gia nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, Trung Quốc thông báo sẽ áp thuế bổ sung 34% đối với tất cả hàng hóa Mỹ kể từ ngày 10/4. Động thái này được xem là phản ứng trực diện trước quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump nâng thuế lên mức cao nhất trong hơn một thế kỷ, khiến hàng loạt quốc gia chuẩn bị các biện pháp trả đũa tương tự.
Kết thúc phiên, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 4,56 USD, tương đương 6,5%, xuống còn 65,58 USD/thùng. Dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) mất 4,96 USD, tương đương 7,4%, xuống còn 61,99 USD/thùng. Trong phiên có lúc giá dầu Brent tụt xuống 64,03 USD/thùng, còn WTI chạm đáy 60,45 USD/thùng – mức thấp nhất trong bốn năm qua.
Trong tuần này, giá dầu liên tiếp lao dốc với đỉnh điểm là trong phiên giao dịch ngày 3/4, khi giá dầu ghi nhận mức sụt giảm tính theo phần trăm lớn nhất kể từ năm 2022.
Tính chung cả tuần, dầu Brent mất 10,9% – mức giảm theo tuần sâu nhất kể từ cuối năm 2023, còn dầu WTI giảm 10,6% – mức giảm mạnh nhất trong vòng hai năm.
Ông Scott Shelton, chuyên gia năng lượng tại công ty United ICAP, nhận định: “Thị trường hiện đang tiệm cận vùng giá hợp lý, trừ khi xuất hiện thêm tín hiệu rõ ràng cho thấy nhu cầu đã thực sự suy giảm đến đâu”. Ông dự báo giá dầu WTI trong ngắn hạn có thể lùi về vùng từ trung bình đến cao của mốc 50 USD/thùng, giữa bối cảnh tiêu thụ năng lượng toàn cầu đang gặp lực cản lớn.
Thị trường dầu còn chịu thêm áp lực từ quyết định của Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và những quốc gia sản xuất dầu liên minh, còn gọi là OPEC+, về việc đẩy nhanh tiến độ tăng sản lượng. Theo đó, nhóm này sẽ bổ sung 411.000 thùng/ngày ra thị trường kể từ tháng 5/2025, thay vì mức tăng 135.000 thùng/ngày như kế hoạch ban đầu.
Thêm vào đó, một tòa án tại Nga đã ra phán quyết không đình chỉ hoạt động tại cảng xuất khẩu dầu của Tập đoàn Đường ống Caspi (CPC) ở Biển Đen – tuyến vận chuyển chủ chốt của Kazakhstan. Quyết định này giúp giảm bớt nỗi lo gián đoạn nguồn cung từ khu vực Trung Á.
Dù các mặt hàng như dầu thô, khí đốt và sản phẩm tinh chế chưa bị đưa vào danh sách áp thuế mới của ông Trump, nhưng các biện pháp thương mại cứng rắn từ Washington được dự báo sẽ đẩy lạm phát tăng, làm chậm tăng trưởng và gây sức ép lên giá dầu.
Ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo giá dầu Brent và WTI, mỗi loại giảm 5 USD xuống lần lượt còn 66 USD/thùng và 62 USD/thùng vào tháng 12/2025. Ông Daan Struyven, trưởng bộ phận nghiên cứu dầu mỏ của Goldman Sachs, nhận định rủi ro với giá dầu vẫn nghiêng về chiều hướng tiêu cực, đặc biệt từ năm 2026, trong bối cảnh triển vọng kinh tế toàn cầu xấu đi và nguồn cung từ OPEC+ có thể tiếp tục mở rộng.
Tương tự, ngân hàng HSBC cũng cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu trong năm 2025 từ 1 triệu thùng/ngày xuống còn 900.000 thùng/ngày, do tác động từ chính sách thuế và quyết định tăng sản lượng của OPEC+.
Trong tuần kết thúc ngày 1/4, theo Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC), các quỹ đầu tư đã tăng vị thế mua ròng đối với hợp đồng dầu thô Mỹ – cho thấy kỳ vọng thị trường vẫn chưa hoàn toàn bi quan.
Không chỉ dầu mỏ, các mặt hàng khác như khí tự nhiên, đậu tương và vàng cũng lao dốc trong phiên giao dịch cuối tuần. Chứng khoán toàn cầu đồng loạt rớt điểm mạnh. Ngân hàng đầu tư JPMorgan nâng xác suất xảy ra suy thoái kinh tế toàn cầu vào cuối năm nay lên 60%, từ mức 40% trong dự báo trước.
Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), ông Jerome Powell, cho biết các mức thuế mới do ông Trump công bố “vượt xa dự báo ban đầu”, đồng thời cảnh báo các hệ lụy về kinh tế như lạm phát cao hơn và tăng trưởng chậm lại nhiều khả năng cũng sẽ nghiêm trọng hơn. Theo ông, đây sẽ là thách thức lớn với các quyết sách điều hành sắp tới của Fed.