Bán tháo dữ dội nhất kể từ Covid-19: S&P 500 mất gần 6%, giá dầu xuống đáy hơn 3 năm
Thiếu chút nữa thì cơ chế ngắt mạch giao dịch tự động đã được kích hoạt cho chứng khoán Mỹ, trong khi giá dầu 'bốc hơi' khoảng 7%...

Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Thị trường chứng khoán Mỹ trải qua một phiên bán tháo dữ dội nữa trong phiên ngày thứ Sáu (4/4), sau khi Trung Quốc tuyên bố trả đũa thuế đối ứng của Tổng thống Donald Trump bằng cách áp thuế quan mới lên hàng hóa Mỹ. Động thái của Bắc Kinh thổi bùng mối lo sợ rằng ông Trump đã châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu có khả năng đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones giảm 2.231,07 điểm, tương đương giảm 5,5%, còn 38.314,86 điểm. Đây là phiên giảm mạnh nhất của chỉ số blue-chip này kể từ tháng 6/2020, thời điểm Covid-19 đang căng thẳng. Phiên bán tháo ngày thứ Sáu nối tiếp cú giảm 1.700 điểm trong phiên ngày thứ Năm và đánh dấu lần đầu tiên trong lịch sử giảm Dow Jones trên 1.500 điểm trong hai phiên liên tiếp.
S&P 500 “bốc hơi 5,97%, còn 5.074,08 điểm, phiên giảm mạnh nhất kể từ tháng 3/2020. Hôm thứ Năm, thước đo rộng nhất của chứng khoán Mỹ sụt 4,84%, và hiện đã giảm 17% so với mức đỉnh gần đây. Với mức giảm này, chỉ số đang ở sâu trong trạng thái thị trường điều chỉnh (correction market - được định nghĩa là giảm từ 10% trở lên so với đỉnh gần nhất) và tiến gần tới trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market - giảm từ 20% trở lên so với đỉnh gần nhất).
Chỉ số Nasdaq, thước đo bao gồm nhiều công ty công nghệ bán hàng hóa cho Trung Quốc và có nhiều hoạt động sản xuất ở Trung Quốc, ghi nhận mức giảm 5,8%, còn 15.587,79 điểm. Trước đó, Nasdaq đã giảm gần 6% trong phiên ngày thứ Năm. Mức điểm hiện tại của Nasdaq giảm 22% so với kỷ lục thiết lập vào tháng 12/2024, đồng nghĩa chỉ số đang chìm sâu trong thị trường đầu cơ giá xuống.
Trong số 500 cổ phiếu thành viên của S&P 500, chỉ có 14 cổ phiếu chốt phiên trong sắc xanh, cho thấy mức độ sâu rộng của phiên bán tháo này. Một điểm đáng chú ý nữa là các chỉ số chính đóng cửa đều đóng cửa ở mức đáy của phiên, phản ánh áp lực giảm lớn khiến bất kỳ nỗ lực hồi điểm nào cũng bất thành.

Diễn biến chỉ số S&P 500 trong tuần này - Nguồn: Trading Economics.
Trước đó cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ áp thuế quan 34% lên toàn bộ hàng hóa Mỹ, bằng với mức thuế đối ứng 34% mà ông Trump tuyên bố áp lên hàng Trung Quốc hôm 2/4. Nhà đầu tư thất vọng sâu sắc vì trước đó họ đã kỳ vọng hai nước sẽ ngồi vào bàn đàm phán và đi đến một giải pháp nào đó trước khi thuế đối ứng của Mỹ có hiệu lực.
Cổ phiếu công nghệ thuộc nhóm bị bán mạnh nhất trong phiên ngày thứ Sáu. Cổ phiếu Apple bay gần 7% giá trị, nâng tổng mức giảm của tuần này lên 13%. Công ty chip Nvidia chứng kiến giá cổ phiếu giảm 7% trong phiên ngày thứ Sáu, trong khi Tesla hứng cú giảm 10%. Cả ba công ty này đều có hiện diện lớn ở thị trường Trung Quốc và nằm trong top những doanh nghiệp bị cho là sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ sự trả đũa của Bắc Kinh.
Ngoài cổ phiếu công nghệ, những công ty Mỹ khác xuất khẩu nhiều hàng hóa sang Trung Quốc như Boeing và Caterpillar cũng giảm chóng mặt, góp phần kéo tụt Dow Jones. Hai cổ phiếu này chốt phiên với mức giảm tương ứng là 9% và gần 6%.
“Thị trường giá lên đã chết. Thị trường có thể đã gần đáy trong ngắn hạn, nhưng chúng tôi lo ngại về ảnh hưởng của một cuộc chiến thương mại toàn cầu đối với tăng trưởng kinh tế trong dài hạn”, CEO Emily Bowersock Hill của công ty Bowersock Capital Partners nhận định với hãng tin CNBC.
Không chỉ trả đũa Mỹ bằng thuế quan, Trung Quốc còn đưa một số công ty Mỹ vào “danh sách thực thể không đáng tin cậy” cáo buộc những công ty này không tuân thủ các nguyên tắc thị trường hay cam kết hợp đồng. Ngoài ra, Trung Quốc còn mở một cuộc điều tra chống độc quyền nhằm vào DuPont, khiến giá cổ phiếu công ty này giảm gần 13%.
Bán tháo cổ phiếu, nhà đầu tư mua mạnh trái phiếu kho bạc Mỹ để tìm kiếm sự an toàn. Giá trái phiếu kho bạc Mỹ tăng khiến lợi suất của kỳ hạn 10 năm giảm dưới 4%. Chỉ số VIX đo lường nỗi sợ hãi ở Phố Wall tăng gần 51%, lên hơn 45 điểm, một mức điểm cực đoan chỉ xuất hiện trong những thời điểm thị trường giảm sâu và giảm nhanh.
Phiên giảm này khiến giá trị vốn hóa thị trường của S&P 500 giảm 5 nghìn tỷ USD, theo hãng tin Reuters. Tính từ đầu năm, chỉ số đã giảm khoảng 14%. Cú giảm 6% ngày thứ Sáu của S&P 500 gần với mức giảm 7% mà ở đó cơ chế ngắt mạch giao dịch sẽ được kích hoạt để dừng giao dịch trong 15 phút - cơ chế nhằm mục đích ngăn việc bán tháo đẩy thị trường vào một vòng xoáy giảm.
Trước khi phiên Mỹ đóng cửa, thị trường chứng khoán châu Âu đã khép lại một phiên bán tháo dữ dội không kém, với các chỉ số chính đồng loạt giảm từ 4-6%.
Ông Trump dường như không lo ngại về sự sụt giảm của thị trường. Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào ngày thứ Sáu rằng “chính sách sẽ không bao giờ thay đổi”.
“Nỗi sợ hãi trước khi bước vào kỳ nghỉ cuối tuần là thương chiến sẽ leo thang và Mỹ không nhượng bộ”, chiến lược gia trưởng Jay Woods của công ty Freedom Capital Markets nhận xét.
Cả tuần này, S&P 500 sụt 9%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất của chỉ số kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát vào đầu năm 2020.

Một bảng điện tử trên sàn chứng khoán NYSE ở New York hôm 3/4 - Ảnh: Reuters.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại thị trường London giảm 4,56 USD/thùng, tương đương giảm 6,5%, đóng cửa ở mức 65,58 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 4,96 USD/thùng, tương đương giảm 7,4%, còn 61,99 USD/thùng.
Ở mức đáy của phiên, giá dầu Brent còn 64,03 USD/thùng và giá dầu WTI còn 60,45 USD/thùng, mức thấp nhất trong 4 năm. Cả tuần, giá dầu Brent giảm 10,9%, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất trong 1 năm rưỡi. Giá dầu WTI giảm 10,6% cả tuần, đánh dấu tuần giảm mạnh nhất 2 năm.
Cuộc chiến thuế quan leo thang khiến ngân hàng JPMorgan Chase dự báo khả năng 60% kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm nay, tăng từ mức 40% trước đó.
“Tôi cho rằng giá dầu WTI có thể giảm về quanh ngưỡng 55 USD/thùng trong ngắn hạn”, ông Scott Shelton, chuyên gia về năng lượng của công ty United ICAP, nói với Reuters.
Gây áp lực giảm lên giá dầu còn có việc Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh, tức nhóm OPEC+, đẩy nhanh việc tăng sản lượng. Nhóm này dự kiến sẽ nâng sản lượng khai thác dầu thêm 411.000 thùng/ngày trong tháng 5, từ kế hoạch trước đó là tăng 135.000 thùng/ngày.

Diễn biến giá dầu Brent giao sau tại London trong tuần này. Đơn vị: USD/thùng - Nguồn: Trading Economics.
Ngân hàng Goldman Sachs giảm dự báo giá dầu vào cuối năm 2025 còn 66 USD/thùng và 62 USD/thùng tương ứng với dầu Brent và WTI, thấp hơn 5 USD/thùng so với lần dự báo trước.
“Các dự báo của chúng tôi về giá dầu nghiêng về giảm, nhất là về năm 2026, xét tới rủi ro suy thoái ngày càng lớn và một phần nữa là nguồn cung dầu từ OPEC+ tăng lên”, chuyên gia Daan Struyeven của Goldman Sachs viết trong một báo cáo.
Ngân hàng HSBC hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu tiêu thụ dầu toàn cầu 2025 từ mức 1 triệu thùng/ngày còn 0,9 triệu thùng/ngày do tác động của thuế quan.