Thị trường bất động sản Việt Nam: Bước vào kỷ nguyên phát triển ổn định và bền vững

Năm 2024 ghi dấu một bước ngoặt quan trọng của thị trường bất động sản Việt Nam, khi hàng loạt chính sách tháo gỡ khó khăn, hoàn thiện pháp lý được Chính phủ và Quốc hội triển khai quyết liệt. Nhờ đó, thị trường đã dần vượt qua giai đoạn khủng hoảng, tạo nền tảng vững chắc để bước vào một kỷ nguyên phát triển mới ổn định, minh bạch và bền vững.

Giai đoạn 2022 - 2023, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng đóng băng nghiêm trọng. Nguồn cung sụt giảm, thanh khoản thấp, cùng với đó là hàng loạt dự án đình trệ do vướng mắc về pháp lý và thủ tục hành chính. Các doanh nghiệp trong ngành đối mặt với áp lực tài chính, buộc phải tái cấu trúc chiến lược để tồn tại.

Trước tình hình đó, từ năm 2023 - 2024, Chính phủ đã ban hành nhiều giải pháp toàn diện: trình Quốc hội thông qua các đạo luật trọng yếu như Luật Kinh doanh bất động sản 2023, Luật Nhà ở 2023, Luật Đất đai 2024 và Luật Các tổ chức tín dụng 2024.

Việc đẩy nhanh hiệu lực của các luật này từ ngày 1/8/2024, sớm hơn 5 tháng so với kế hoạch, giúp giảm thiểu xung đột pháp lý, rút ngắn quy trình, tiết giảm chi phí đầu tư và tái thiết niềm tin thị trường.

Nhờ các chính sách đồng bộ và hiệu quả, thị trường bất động sản năm 2024 ghi nhận sự phục hồi rõ rệt. Theo Bộ Xây dựng, lượng giao dịch các loại hình căn hộ, nhà ở riêng lẻ và đất nền đều tăng trưởng tích cực. Thị trường cũng chứng kiến sự quay lại của nhiều doanh nghiệp môi giới, nhà đầu tư, và hàng loạt dự án cũ được tái khởi động, dự án mới liên tục mở bán.

Cụ thể, theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, tổng sản phẩm nhà ở chào bán trong năm 2024 đạt 81.000 căn, tăng 50% so với năm trước. Đặc biệt, số sản phẩm mới ra mắt đạt hơn 65.000 căn, gấp ba lần năm 2023. Tuy nhiên, thị trường có sự phân hóa mạnh, với hơn 70% nguồn cung là căn hộ cao cấp có giá từ 50 triệu đồng/m² trở lên. Đáng chú ý, phân khúc bình dân gần như vắng bóng trên thị trường.

Tuy giá bán tăng cao, đặc biệt tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, nhưng tỷ lệ tiêu thụ vẫn ở mức ấn tượng. Một số dự án tại Hà Nội ghi nhận mức hấp thụ tới 90% chỉ sau thời gian ngắn mở bán. Tổng lượng giao dịch trong năm 2024 đạt hơn 47.000, trong đó căn hộ chiếm tới 75%, phần lớn đến từ nhu cầu đầu tư.

Giá bán căn hộ tại Hà Nội trung bình đã tăng gấp đôi kể từ đầu năm 2022, vượt 80 triệu đồng/m². Trong khi đó, biệt thự liền kề tại một số khu vực đã chạm ngưỡng 700 - 800 triệu đồng/m². Nguyên nhân chính đến từ chi phí đất tăng mạnh, hiện tượng đầu cơ, nguồn cung khan hiếm và dòng tiền dịch chuyển vào bất động sản trong bối cảnh biến động các kênh đầu tư khác.

Năm 2024 được đánh giá là năm bản lề của thị trường khi khung pháp lý mới dần hoàn thiện và đi vào thực tiễn. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết đặc biệt nhằm nâng cao hiệu quả chính sách, phát triển thị trường bất động sản và nhà ở xã hội.

Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành và địa phương tăng cường giám sát thị trường, ngăn ngừa các biểu hiện “bong bóng” hoặc “đóng băng”. Đồng thời, thúc đẩy đa dạng hóa sản phẩm, đảm bảo cân đối cung - cầu, phát triển nhà ở phù hợp với khả năng chi trả của người dân. Nhiều giải pháp đồng bộ cũng được triển khai nhằm kiểm soát giá đất, chống thao túng thị trường và hỗ trợ các dự án có pháp lý rõ ràng tiếp cận vốn tín dụng dễ dàng hơn.

Đặc biệt, công điện số 03/CĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 15/1/2025 nhấn mạnh yêu cầu đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong hoạt động đầu tư bất động sản, môi giới, đấu giá đất. Đồng thời, nghiên cứu đề án thí điểm “Trung tâm giao dịch bất động sản và quyền sử dụng đất do Nhà nước quản lý”, ứng dụng công nghệ để đảm bảo minh bạch và hiệu quả.

Bước sang năm 2025, thị trường bất động sản được dự báo sẽ tiếp tục khởi sắc, dù vẫn còn tồn tại một số khó khăn. Khu vực miền Bắc tiếp tục dẫn dắt xu thế, trong khi miền Nam đang cho thấy sự phục hồi rõ nét hơn.

Căn hộ trung - cao cấp tiếp tục là phân khúc chủ lực. Trong khi đó, nhà ở xã hội có tiềm năng phát triển nhờ khung pháp lý mới, nhưng tỷ trọng vẫn còn thấp.

Dự báo, tổng nguồn cung nhà ở năm 2025 sẽ tăng khoảng 10% so với 2024, chủ yếu đến từ các dự án đại đô thị. Giá bán vẫn có xu hướng “neo cao”, với mức tăng khoảng 7 - 10% so với năm trước, phản ánh chi phí đầu vào và kỳ vọng lợi nhuận của chủ đầu tư.

Các doanh nghiệp bất động sản đang ngày càng chú trọng hơn đến việc tái cấu trúc sản phẩm, ứng dụng công nghệ, nâng cao tiêu chuẩn sống nhằm đáp ứng nhu cầu thực. Song song đó, hoạt động môi giới bất động sản cũng được định hướng chuyên nghiệp hóa, góp phần nâng cao tính minh bạch, công khai của thị trường.

Thị trường bất động sản Việt Nam đang bước vào một giai đoạn mới với nền tảng pháp lý hoàn thiện, điều hành linh hoạt và niềm tin thị trường được khôi phục mạnh mẽ.

Sự kết hợp giữa các chính sách vĩ mô đồng bộ, hành động quyết liệt từ các cấp chính quyền và sự thích nghi của doanh nghiệp là yếu tố then chốt giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững, trở thành kênh đầu tư hấp dẫn và đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của nền kinh tế quốc dân.

NH

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/thi-truong-bat-dong-san-viet-nam-buoc-vao-ky-nguyen-phat-trien-on-dinh-va-ben-vung-318158.html
Zalo