Thêm cơ hội mới cho sầu riêng Việt nhưng phải chung tay bảo vệ uy tín, chất lượng sản phẩm
Hai ngày nay, thông tin Trung Quốc phê duyệt thêm gần 1.000 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đã tạo nên không khí phấn khởi tại nhiều địa phương trồng sầu riêng.
Tin vui này đến đúng thời điểm sầu riêng bắt đầu bước vào chính vụ thu hoạch, càng tiếp thêm động lực cho các bên liên quan đẩy mạnh thu mua, sơ chế và xuất khẩu.
Thông tin với báo chí, ông Huỳnh Tấn Đạt, Cục trưởng Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Môi trường), cho biết: “Việc Tổng cục Hải quan Trung Quốc phê duyệt thêm mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói không chỉ khẳng định nỗ lực của ngành nông nghiệp Việt Nam trong việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường Trung Quốc, mà còn là tín hiệu tích cực cho thấy tiềm năng mở rộng quy mô xuất khẩu chính ngạch sầu riêng trong thời gian tới”.
Thêm gần 1.000 mã số sầu riêng được xuất khẩu sang Trung Quốc
. Phóng viên: Người dân và doanh nghiệp xuất khẩu sầu riêng đang rất vui mừng trước thông tin Trung Quốc vừa phê duyệt thêm gần 1.000 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam. Ông có thể chia sẻ cụ thể hơn về tin vui này với người dân và doanh nghiệp xuất khẩu?
+ Ông Huỳnh Tấn Đạt: Từ ngày 20-5, Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) đã thông báo tiếp tục phê duyệt bổ sung 829 mã số vùng trồng và 131 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam được phép xuất khẩu sang Trung Quốc.

Việc Trung Quốc phê duyệt thêm gần 1.000 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói sầu riêng của Việt Nam đã tạo nên không khí phấn khởi tại nhiều địa phương trồng sầu riêng. Ảnh minh họa: AH
Như vậy đến nay, tổng mã số vùng trồng sầu riêng được Trung Quốc phê duyệt là 1.396 mã, còn mã số cơ sở đóng gói là 188 mã. Đây là bước tiến quan trọng trong mở rộng quy mô xuất khẩu chính ngạch sầu riêng sang thị trường này.
Đến hết năm 2024, diện tích trồng sầu riêng cả nước đã tăng nhanh chóng, đạt gần 180.000 ha, sản lượng khoảng 1,5 triệu tấn.
Với hệ thống mã số ngày càng mở rộng không chỉ tạo điều kiện cho tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng mà doanh nghiệp và địa phương có thêm công cụ để điều tiết kế hoạch thu hoạch, xuất khẩu, tránh tình trạng dồn ứ tại cửa khẩu và giảm rủi ro về giá.
Tuy nhiên, cơ hội cũng đi kèm với thách thức. Chúng tôi đề nghị các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội tiếp tục chủ động, tận dụng cơ hội này. Nhưng đồng thời cần nghiêm túc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật của nước nhập khẩu, nhằm bảo vệ uy tín, thương hiệu, chất lượng sản phẩm sầu riêng Việt Nam và để duy trì thị trường một cách bền vững.
. Hiện nay đang vào chính vụ thu hoạch sầu riêng, với việc cấp thêm gần 1.000 mã số, phía Bộ có giải pháp gì giúp cho hoạt động xuất khẩu sầu riêng diễn ra thuận lợi, nhanh chóng hơn?
+ Theo chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, chúng tôi đã có văn bản chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục, đặc biệt các Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng phối hợp với cơ quan chức năng ở cửa khẩu như Hải quan, Biên phòng, an ninh cửa khẩu… tạo mọi điều kiện thuận lợi cho xuất khẩu trái cây tươi trong mùa chính vụ, trong đó có sầu riêng.
Cùng đó, yêu cầu các Chi cục bố trí đầy đủ nguồn nhân lực ứng trực 24/7 trên các cửa khẩu để giúp cho việc tiến hành các thủ tục thông quan một cách dễ dàng. Yêu cầu các Chi cục bố trí cán bộ hỗ trợ cho các doanh nghiệp ở vùng sản xuất lớn để có thể kiểm dịch ngay tại vùng trồng, cơ sở đóng gói; phối hợp cơ quan chức năng khác để cùng thông quan cho các lô hàng sản phẩm xuất khẩu ngay trong nội địa.
Các giải pháp quan trọng để giảm thiểu nguy cơ nhiễm kim loại nặng
. Trung Quốc đang siết chặt kiểm tra Cadimi (kim loại nặng) khiến cho việc xuất khẩu sầu riêng sang thị trường này bị hạn chế. Trước tình hình này, Cục đã và đang triển khai những giải pháp gì để kiểm soát kim loại nặng tồn dư trong sầu riêng?
+ Chúng tôi đã phối hợp với các địa phương và đơn vị chức năng triển khai chương trình khảo sát, giám sát và lấy mẫu đất, nước, lá và quả tại các vùng trồng sầu riêng trọng điểm ở Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ. Kết quả phân tích cho thấy nguy cơ kim loại nặng được phát hiện chủ yếu tại một số vùng trồng thuộc Tây Nam Bộ, các tỉnh khác không có.
Nguyên nhân tồn dư kim loại nặng trên sầu riêng, đó là do mức tồn dư kim loại nặng trong đất cao hơn bình thường, đi kèm với độ pH đất thấp làm giảm khả năng hấp thụ dinh dưỡng lành mạnh, khiến cây hút theo kim loại nặng. Và do quá trình canh tác, người dân sử dụng vật tư và phân bón vượt quá ngưỡng cho phép, dẫn đến tình trạng ô nhiễm đất.

Sầu riêng Việt Nam được bày bán trong siêu thị ở nước ngoài. Ảnh: Phúc Nguyên
Sau khi có kết quả, chúng tôi đã làm việc trực tiếp với địa phương để thống nhất giải pháp xử lý. Trước hết là rà soát, xây dựng lại quy trình canh tác. Mục tiêu là kiểm soát lại từ khâu lựa chọn vùng trồng, kiểm tra đất, nước trước khi trồng sầu riêng đến quy trình bón phân, nhằm giảm thiểu tối đa việc sử dụng phân bón có chứa kim loại nặng.
Bên cạnh đó, tuyên truyền, khuyến cáo người dân tăng cường sử dụng phân hữu cơ, cân đối tỷ lệ với phân vô cơ.
Đối với các vùng có nguy cơ cao, chúng tôi áp dụng đồng bộ các biện pháp giảm thiểu nguy cơ nhiễm kim loại nặng. Đó là sử dụng biochar (than sinh học), có khả năng giữ lại kim loại nặng, điều chỉnh độ pH của đất, đồng thời thúc đẩy hệ vi sinh vật có lợi giúp cây sầu riêng phát triển tốt.
Cùng đó là bổ sung phân bón vi sinh để tăng mật độ vi sinh vật trong đất, hỗ trợ phân giải và làm giảm khả năng hấp thụ cadimi vào sản phẩm.
Ngoài ra, tiến hành trồng xen các loại cây thân ngầm để hấp thụ và lưu giữ kim loại nặng. Những cây trồng xen này có thể tận dụng làm phân bón hữu cơ làm giàu dinh dưỡng cho đất và sức khỏe cây trồng. Song song với đó, Cục cũng chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vật tư đầu vào.
20 phòng thử nghiệm đủ năng lực xét nghiệm Cadimi, vàng O trong sầu riêng
. Với chất vàng O, ông có khuyến cáo gì với người sản xuất?
+ Ngay khi nhận được cảnh báo từ nước nhập khẩu về lô hàng vi phạm liên quan đến chất vàng O, Cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã khẩn trương yêu cầu các bên liên quan trong chuỗi sản xuất, kinh doanh, buôn bán và xuất nhập khẩu tiến hành rà soát, làm rõ nguy cơ lây nhiễm của chất này.
Chất vàng O là chất không được phép sử dụng trong các sản phẩm dùng làm thực phẩm. Các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm khắc, từ các hình thức phạt tiền đến phạt tù. Tuy nhiên quá trình truy xuất nguồn gốc cho thấy, việc sử dụng chất này chủ yếu diễn ra ở khâu sau thu hoạch, đặc biệt tại khâu đóng gói, sơ chế và xuất khẩu.
Quá trình kiểm tra các cơ sở bị cảnh báo thấy rằng hầu như các lô hàng bị cảnh báo không được đóng gói tại các cơ sở đã đăng ký mã số này.
Ngoài ra, theo thông báo của các đơn vị thì việc sử dụng vàng O là theo thỏa thuận hợp đồng giữa hai bên, được hiểu là người mua yêu cầu để làm sản phẩm đẹp hơn và để bảo quản trong quá trình vận chuyển. Việc này không phổ biến, chỉ trong một số trường hợp riêng lẻ. Tuy nhiên, dù ở mức độ nào thì hành vi này cũng vi phạm quy định, cần được xử lý nghiêm.
Đối với các trường hợp vi phạm bị cảnh báo, Cục đã phối hợp với cơ quan công an, chuyển giao toàn bộ hồ sơ để các cơ quan chức năng điều tra, xử lý đúng quy định pháp luật.
Cục cũng đã tổ chức hội thảo với tất cả các cơ sở đóng gói nhằm quán triệt và yêu cầu các đơn vị cam kết không sử dụng bất kỳ chất nhuộm màu nào trong quá trình xử lý sầu riêng. Các cơ sở sau đó đã triển khai biện pháp vệ sinh toàn diện khu vực đóng gói để loại bỏ nguy cơ lây nhiễm chất nhiệm màu nào, bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tuy vậy, để thực hiện nghiêm túc và triệt để, vẫn cần sự nỗ lực mạnh mẽ hơn nữa từ các bên liên quan, đặc biệt là trong việc nâng cao nhận thức về các hành vi bị cấm và các quy định pháp luật hiện hành trong xuất nhập khẩu sản phẩm thực phẩm.
. Hiện cả nước có bao nhiêu phòng thử nghiệm đủ điều kiện kiểm tra cadimi, vàng O, thưa ông?
+ Vừa qua chúng tôi đã phối hợp với Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường gửi cho GACC danh sách 23 phòng kiểm nghiệm đủ điều kiện, năng lực về kiểm nghiệm cadimi, 13 phòng thử nghiệm để thử nghiệm chất vàng O để họ phê duyệt. Đến nay GACC đã phê duyệt 12 phòng thử nghiệm cadimi và 8 phòng thử nghiệm vàng O trải rộng trên cả nước.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục gửi danh sách các phòng thử nghiệm để đề nghị GACC phê duyệt.
. Xin cảm ơn ông!
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy sẽ chủ trì hội nghị phát triển ngành hàng sầu riêng
Dự kiến vào ngày 24-5 tới tại Đắk Lắk, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng lãnh đạo UBND tỉnh Đắk Lắk sẽ chủ trì hội nghị trực tiếp và trực tuyến về chủ đề phát triển ngành hàng sầu riêng bền vững.
Tại hội nghị này, các đại biểu sẽ nghe báo cáo tổng quan tình hình sản xuất và mở cửa thị trường đối với sầu riêng Việt Nam, báo cáo tình hình tiêu thụ và hệ thống phòng kiểm nghiệm an toàn thực phẩm đối với sầu riêng xuất khẩu. Đồng thời trao đổi, thảo luận để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các địa phương, doanh nghiệp và người nông dân trong sản xuất, chế biến và xuất khẩu sầu riêng trên cả nước.