Thí điểm tuyển GV trình độ cao đẳng, nhiều thầy cô không phải dạy thêm giờ
Việc thí điểm tuyển giáo viên trình độ cao đẳng dạy một số môn là hoàn toàn hợp lý, giúp địa phương khắc phục sự thiếu hụt GV và đảm bảo chất lượng dạy học.
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 16/NQ-CP về đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội thí điểm tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để dạy một số môn học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Theo đó, Chính phủ thống nhất thông qua đề nghị tại Tờ trình số 1142/TTr-BGDĐT ngày 28/8/2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo rằng các địa phương thiếu giáo viên giảng dạy các môn Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ, Nghệ thuật (Âm nhạc và Mỹ thuật) theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 cấp tiểu học và trung học cơ sở, được tuyển dụng người có trình độ cao đẳng để trở thành giáo viên dạy các môn học này.

Ảnh minh họa: Mộc Trà.
Góp phần giải quyết thiếu giáo viên, đảm bảo chất lượng dạy học không bị gián đoạn
Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho biết: “Sở Giáo dục và Đào tạo đã chủ động bố trí sắp xếp đội ngũ giáo viên các cấp học đảm bảo, để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 theo quy định. Tính đến nay, đội ngũ giáo viên cơ bản đáp ứng được công việc giảng dạy.
Tuy nhiên, cũng như nhiều địa phương trên cả nước, Sơn La hiện còn thiếu giáo viên đối với một số bộ môn của cấp tiểu học, trung học cơ sở như môn Ngoại ngữ (giáo viên Tiếng Anh), môn Tin học và môn Công nghệ (giáo viên Tin học), môn Nghệ thuật (giáo viên Âm nhạc, giáo viên Mỹ thuật).
Tình trạng thiếu giáo viên phần nào ảnh hưởng tới việc giảng dạy của các cơ sở giáo dục, do giáo viên phải dạy vượt giờ nên thời gian nghỉ ngơi, đầu tư chuyên môn còn gặp khó khăn”.

Ông Quàng Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La. Ảnh: NVCC.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La cho hay, nhằm khắc phục tạm thời những khó khăn trên, ngành giáo dục đã thực hiện biệt phái giáo viên, cử giáo viên dạy hỗ trợ, phân công giáo viên dạy liên trường từ cơ sở giáo dục không thiếu tới đơn vị còn thiếu giáo viên.
Tiếp đó, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh chuyển đổi số (dạy học online, lớp học ảo…) để góp phần khắc phục tình trạng thiếu giáo viên ở một số môn học, một số địa bàn. Bên cạnh đó, tổ chức triển khai bồi dưỡng cho 653 giáo viên tiểu học để dạy Tin học và Công nghệ đối với lớp 3, lớp 4, lớp 5 của 12 huyện, thành phố để đảm bảo giáo viên giảng dạy theo quy định. Trong đó, hợp đồng giáo viên theo Nghị định số 111/2022/NĐ-CP của Chính phủ, đảm bảo “có học sinh, phải có giáo viên”.
Ông Quàng Văn Lâm chia sẻ thêm: “Việc thí điểm tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng trong thời điểm này là hoàn toàn hợp lý, phần nào giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên như hiện nay ở các địa phương. Đặc biệt, chính sách này góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên đối với các bộ môn trên, giúp địa phương khắc phục nhanh chóng sự thiếu hụt và đảm bảo chất lượng dạy học không bị gián đoạn.
Tuy nhiên, cần phải có kế hoạch, yêu cầu cụ thể với tuyển dụng những giáo viên trình độ cao đẳng phải cập nhật kiến thức, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn liên tục trong quá trình giảng dạy. Các giáo viên có trình độ cao đẳng sau khi được tuyển dụng, phải tham gia lộ trình đào tạo nâng trình độ chuẩn của giáo viên theo quy định và hoàn thành việc nâng chuẩn trình độ đào tạo trước ngày 31/12/2030”.
Cùng bàn về vấn đề này, cô Hoàng Thị Oanh, Trưởng phòng, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Chẽ (tỉnh Quảng Ninh) cũng đánh giá: “Việc áp dụng cơ chế tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng dạy một số môn đặc thù được xem là giải pháp quan trọng, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực mà Bộ Giáo dục và Đào tạo cùng nhiều địa phương đã đề xuất.
Việc tuyển dụng người có trình độ cao đẳng không những đáp ứng nhu cầu thực tiễn, mà còn giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên, tận dụng nguồn nhân lực giáo viên có trình độ cao đẳng đã được đào tạo sẽ tạo điều kiện cho giáo viên vừa làm, vừa học để nâng cao trình độ đạt chuẩn”.
Ngoài ra, cô Hoàng Thị Oanh bày tỏ: “Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên tại các địa phương, cần có giải pháp đồng bộ nhằm đảm bảo chất lượng giảng dạy. Cơ quan quản lý các cấp khi xây dựng kế hoạch, lộ trình bồi dưỡng, nâng chuẩn cho giáo viên, phải có giải pháp sắp xếp, bố trí, tạo mọi điều kiện thuận lợi để giáo viên tham gia; thường xuyên nâng cao ý thức tự học, tự bồi dưỡng của mỗi giáo viên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nghề nghiệp.
Đặc biệt, việc phân cấp cho địa phương trong công tác đào tạo và tuyển dụng giáo viên là cần thiết. Địa phương được chủ động trong việc quy hoạch nguồn nhân lực; theo yêu cầu thực tiễn, có giải pháp kịp thời, phù hợp ở những khu vực thiếu giáo viên”.
Chia sẻ về điều kiện thực tế của nhà trường, thầy Dương Hồng Chí, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) cho biết: “Hiện nay, nhà trường đang thiếu 5 giáo viên (bậc trung học cơ sở) so với định mức, đặc biệt, giáo viên dạy các môn Tiếng Anh, Toán, Khoa học tự nhiên. Không chỉ riêng nhà trường, nhiều trường khác trong huyện cũng gặp tình trạng tương tự. Để khắc phục tình trạng trên, các giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học đảm nhận giảng dạy môn Khoa học tự nhiên; đối với môn Toán, Tiếng Anh giáo viên phải dạy tăng giờ hoặc “mượn” giáo viên từ các trường khác.
Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ ảnh hưởng đến việc phân công giảng dạy tại nhà trường, mà còn gây áp lực lớn lên đội ngũ giáo viên. Theo quy định, mỗi giáo viên không được dạy thêm quá 200 giờ/năm (tương đương 300 tiết/năm học). Tuy nhiên, thực tế tại nhà trường, có những giáo viên phải dạy thêm lên đến gần 400 tiết, vượt quá quy định.
Điều này, gây áp lực công việc lớn, ảnh hưởng đến chất lượng giảng dạy của giáo viên, nhất là những giáo viên phải kiêm nhiệm nhiều công việc ngoài chuyên môn. Nhà trường đã mời giáo viên từ các trường khác của huyện để hỗ trợ giảng dạy nhưng đây cũng chỉ là giải pháp tạm thời.
Do đó, cơ chế tuyển dụng giáo viên trình độ cao đẳng dạy một số môn đặc thù trong thời gian tới nếu được áp dụng, có thể xem là một trong những giải pháp để gỡ khó tình trạng thiếu giáo viên tại các địa phương”.
Bố trí học nâng chuẩn cho giáo viên nhằm duy trì sự ổn định của đội ngũ
Thầy Dương Hồng Chí cho biết thêm: “Trước đây, ngành giáo dục vẫn cho phép tuyển dụng giáo viên có trình độ cao đẳng. Tuy nhiên, khi có quy định chuẩn hóa giáo viên lên trình độ đại học, nhiều giáo viên giàu kinh nghiệm nhưng chưa đạt chuẩn lại không thể tiếp tục. Điều này dẫn đến tình trạng vừa thiếu giáo viên đứng lớp, vừa có những người có năng lực nhưng không được sử dụng.
Để đảm bảo chất lượng giáo viên sau khi được tuyển dụng, các địa phương có thể bố trí cho giáo viên tiếp tục học tập, nâng cao trình độ theo lộ trình quy định. Đây cũng là cách để duy trì sự ổn định của đội ngũ giáo viên, đồng thời từng bước nâng cao chất lượng giáo dục.
Hiện nay, nhà trường đang triển khai nhiều chương trình tập huấn, bồi dưỡng giáo viên theo kế hoạch của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả, cần tổ chức các lớp bồi dưỡng trực tiếp từ các trường đại học sư phạm. Việc chỉ cử một số giáo viên cốt cán tham gia tập huấn rồi truyền đạt lại cho đồng nghiệp thường không mang lại hiệu quả cao. Thay vào đó, các lớp bồi dưỡng tập trung với sự hướng dẫn trực tiếp của giảng viên sẽ giúp giáo viên tiếp cận kiến thức một cách thực tiễn và hiệu quả.
Hiện nay, đời sống giáo viên đã có sự cải thiện rõ rệt, mức lương cũng đang được nâng cao. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng giáo dục, điều quan trọng nhất vẫn là bố trí đủ biên chế, tránh tình trạng thiếu giáo viên kéo dài. Khi có đủ giáo viên, công việc sẽ được phân bổ hợp lý, giảm áp lực cho từng cá nhân và nâng cao hiệu quả giảng dạy.
Các địa phương cũng cần có chính sách hỗ trợ giáo viên trong việc nâng cao trình độ, đảm bảo điều kiện giảng dạy tốt hơn. Việc sắp xếp, bố trí đủ biên chế theo định mức là giải pháp căn cơ để ổn định chất lượng giáo dục, đồng thời giúp đội ngũ giáo viên yên tâm công tác, cống hiến lâu dài”.

Thầy Dương Hồng Chí, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc nội trú Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang). Ảnh: NVCC.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sơn La, để đảm bảo đội ngũ, nâng cao chất lượng, ổn định đời sống cho giáo viên, nâng cao chất lượng dạy học tại địa phương, cần thực hiện một số giải pháp sau: “Thứ nhất, tiếp tục quán triệt quan điểm phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết, quyết định của Đảng và Nhà nước. Xây dựng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục các cấp học bảo đảm chất lượng, hợp lý về cơ cấu, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Xây dựng và trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành các nghị quyết chính sách về giáo dục và đào tạo, trong đó, có các chính sách về đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; Xây dựng tiêu chí về phẩm chất, năng lực của nhà giáo đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, chuẩn bị nguồn nhân lực chất lượng cao cho chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, xã hội số.
Thứ hai, chú trọng bồi dưỡng cho giáo viên về đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá ở tất cả các cấp học phổ thông, tạo sự chuyển biến thực chất về năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên đảm bảo triển khai tốt chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thứ ba, tăng cường kết nối giữa các cơ sở đào tạo với cơ quan quản lý giáo dục và đào tạo các địa phương, gắn với việc quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục để xác định chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo, bồi dưỡng và nhu cầu sử dụng, bố trí, sắp xếp, điều tiết đội ngũ theo từng trình độ, ngành học, cấp học bảo đảm phù hợp, hiệu quả. Có giải pháp chính sách phù hợp để giải quyết triệt để tình trạng, thiếu giáo viên trong cùng một địa phương, cơ sở giáo dục và đào tạo”.