Thêm nhiều đối tượng được vay vốn đi làm việc ở nước ngoài
Trước thực tế nhiều lao động muốn đi làm việc ở nước ngoài, nhất là các thị trường có thu nhập cao mong muốn được tiếp cận nguồn tín dụng ưu đãi của Quỹ quốc gia về việc làm và nguồn huy động của Ngân hàng Chính sách xã hội, dự thảo mới nhất của Luật Việc làm (sửa đổi) đã đề xuất mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài.

Lao động tham gia kỳ thi tiếng Hàn để sang Hàn Quốc làm việc. Ảnh: Tống Giáp.
Mở rộng đối tượng được vay vốn
Những năm qua, nhờ phát triển nguồn lực và đẩy mạnh đào tạo mà nguồn nhân lực đi xuất khẩu lao động của Việt Nam đã tăng cả về chất và lượng. Theo đánh giá của Bộ Nội vụ, xuất khẩu lao động không chỉ giải quyết việc làm trong nước mà còn mang lại nguồn thu nhập ổn định, góp phần giảm nghèo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Đặc biệt, nhiều lao động sau khi trở về đã hòa nhập thị trường lao động nội địa với trình độ chuyên môn cao hơn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế trong nước. Mặc dù vậy, số lao động đi làm việc ở nước ngoài vẫn chủ yếu tập trung ở những thị trường truyền thống, thu nhập thấp. Nguyên nhân theo Bộ Nội vụ, bên cạnh lý do chất lượng nguồn nhân lực thì chi phí đi xuất cảnh là rào cản với người lao động. Đặc biệt ở những thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức... tương đối cao so với khả năng kinh tế của nhiều lao động. Trong khi đó, phần lớn người lao động đi xuất khẩu lao động đều là những lao động phổ thông, có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Xuất phát từ thực tế trên, Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) đã đề xuất mở rộng đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, đồng thời quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn. Theo đó, Luật Việc làm (sửa đổi) quy định về đối tượng vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (không giới hạn 5 đối tượng như Luật hiện hành), đồng thời quy định đối tượng ưu tiên vay vốn với lãi suất thấp hơn và quy định đảm bảo tính linh hoạt, chủ động đối với nguồn vốn của địa phương, tổ chức, cá nhân khác ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội…
Đáng chú ý, khác với Luật Việc làm hiện hành chỉ quy định chung về hỗ trợ vay vốn đi làm việc ở nước ngoài, dự thảo lần này phân định rõ nhóm đối tượng được vay vốn với mức lãi suất ưu đãi. Cụ thể, hai nhóm chính được hưởng mức lãi suất thấp hơn là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, và người dân tộc Kinh thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại địa bàn đặc biệt khó khăn.
Hướng đến xuất khẩu nhân lực chất lượng cao
Theo Ban soạn thảo, việc sửa đổi trên sẽ góp phần đẩy mạnh công tác đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, nhất là đối với các nhóm lao động yếu thế, đặc thù góp phần giải quyết việc làm, cũng như tăng cường quan hệ hợp tác về nhiều mặt giữa Việt Nam và nước sử dụng lao động, quảng bá hình ảnh đất nước, văn hóa, con người Việt Nam đến quốc tế.
Từ nhu cầu thực tế cũng cho thấy, việc tạo cơ hội cho người lao động được tiếp cận nguồn tín dụng cho vay đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng sẽ tạo thuận lợi cho tất cả người lao động có cơ hội được tiếp cận và thụ hưởng chính sách tín dụng ưu đãi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.
Theo ông Lê Quang Trung - chuyên gia về lao động cho rằng, rất nhiều người lao động mong muốn được tiếp cận và vay từ nguồn vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội, nhất là lao động đi làm việc tại các thị trường có thu nhập cao như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)... Chính vì vậy, việc mở rộng đối tượng được vay vốn tại Dự thảo Luật Việc làm đã nắm bắt đúng xu thế để tạo điều kiện cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài được vay vốn. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như thúc đẩy xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.
Theo Bộ Nội vụ, giai đoạn 2022 - 2023, có 16.066 lượt người lao động vay vốn đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua khảo sát nhanh tại các địa phương cho thấy, rất nhiều lao động đi làm việc ở nước ngoài mong muốn được tiếp cận với nguồn tín dụng ưu đãi này.