Xuất khẩu vượt mốc 140 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ
Xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường chủ lực của nước ta như EU27, Nhật Bản, Hàn Quốc... tăng trưởng mạnh trong 4 tháng đầu năm 2025, đây đều là các thị trường, khu vực thị trường đã có FTA với Việt Nam.

Với lượng hàng trị giá 18,5 tỷ USD đã xuất bán sang EU, đưa EU trở thành thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam trong 4 tháng 2025.
Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục khẳng định là trụ cột tăng trưởng trong 4 tháng đầu năm 2024, bất chấp những tác động không mấy thuận lợi của thương mại toàn cầu.
Số liệu do Cục Thống kê (Bộ Tài chính) vừa công bố, xuất khẩu hàng hóa tháng 4/2025 đạt 37,45 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 11,66 tỷ USD, tăng 5,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 25,79 tỷ USD, giảm 6,0%.
So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tháng 4/2025 tăng 19,8%, trong đó khu vực kinh tế trong nước tăng 25,7%, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 17,2%.
Lũy kế 4 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 140,34 tỷ USD, tăng 13,0% so với cùng kỳ năm trước. Khu vực kinh tế trong nước đạt 40,74 tỷ USD, tăng 18,1%, chiếm 29,0% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 99,6 tỷ USD, tăng 11,0%, chiếm 71,0%.
Với mức tăng trưởng hơn 13%, tương ứng xuất khẩu đã tăng thêm hơn 16 tỷ USD so với cùng kỳ này của năm ngoái.
Cả nước ghi nhận có 22 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 88,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số này có 7 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD.
Giá trị một số mặt hàng xuất khẩu 4 tháng đầu năm 2025

Nhóm hàng công nghiệp chế biến chế tạo mang về kim ngạch lớn nhất, với 123,7 tỷ USD, chiếm 88,2%; nhóm hàng nông sản, lâm sản đạt 12,39 tỷ USD, chiếm 8,8%; nhóm hàng thủy sản đạt 3,21 tỷ USD, chiếm 2,3%, trong khi xuất khẩu nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản đạt 1,03 tỷ USD, chiếm 0,7%.
Dấu ấn tích cực của thương mại hàng hóa 4 tháng qua là hoạt động xuất khẩu sang các thị trường chủ lực của Việt Nam đều duy trì mức tăng khá, nhất là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc. Riêng Trung Quốc đã có sự phục hồi trở lại rõ hơn trong tháng 4, nhờ đó, đưa xuất khẩu 4 tháng đạt 18,1 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, xuất khẩu sang EU27 đạt mức tăng 12,8%, với kim ngạch 18,5 tỷ USD, đưa EU trở thành thị trường xuất khẩu hàng hóa lớn thứ 2 của nước ta, vượt Trung Quốc 400 triệu USD.
Xuất khẩu sang Hàn Quốc đạt 8,9 tỷ USD, tăng 9,1%, sang Nhật Bản 8,5 tỷ USD, tăng 12%, sang Mỹ tăng 25,1%, sang ASEAN 12,5 tỷ USD, tăng 2,9%.
Việc duy trì tốc độ tăng trưởng của hàng Việt sang các thị trường kể trên cũng nhờ vào "bệ đỡ" là các FTA hiện hành mà Việt Nam đang có với các thị trường này, nhờ đó, các doanh nghiệp vừa tăng được xuất khẩu nhưng cũng tận dụng được các ưu đãi về thuế quan theo cam kết.
Nhờ xuất khẩu duy trì đà tăng khá, nên xuất siêu sang các thị trường này cũng khởi sắc, trong đó xuất siêu sang EU4 tháng đầu năm là 13,4 tỷ USD, tăng 16,8%; xuất siêu sang Nhật Bản 0,7 tỷ USD, gấp gần 2 lần so với cùng kỳ năm 2024...
Để xuất khẩu tiếp đà tăng trưởng trong bối cảnh thuế quan tác động mạnh đến thương mại toàn cầu, các ngành hàng xuất khẩu đang đẩy nhanh khai mở các thị trường mới, tăng sử dụng nguyên liệu trong nước để làm hàng xuất khẩu, giảm rủi ro về phòng vệ thương mại.
Ngoài ra, Bộ Công thương đang hỗ trợ các doanh nghiệp xuất khẩu tận dụng thế mạnh sẵn có, đó là 17 FTA với trên 60 quốc gia, vùng lãnh thổ cùng 70 cơ chế hợp tác song phương.