Bắc Giang hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn nhân lực
Đáp ứng nhu cầu sản xuất, nhiều doanh nghiệp trong tỉnh tuyển lao động với số lượng lớn cùng chính sách đãi ngộ hấp dẫn. Để ổn định nguồn nhân lực trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, các ngành, đơn vị liên quan đang tích cực phối hợp triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ, xúc tiến thu hút lao động cho doanh nghiệp.
Chính sách “thưởng” tuyển dụng hấp dẫn
Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare-ICT hiện có 4 nhà máy sản xuất linh kiện điện tử tại hai khu công nghiệp Quang Châu, Vân Trung. Hiện công ty có tổng số khoảng 44,5 nghìn lao động - nằm trong nhóm doanh nghiệp dẫn đầu về số lượng lao động trên địa bàn tỉnh. Để phục vụ nhu cầu sản xuất, năm 2025, doanh nghiệp cần thêm khoảng 40 nghìn công nhân, chủ yếu ở trình độ phổ thông; riêng quý II tuyển mới hơn 10 nghìn người.

Nhân viên Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare-ICT phát tờ rơi tuyển lao động tại tỉnh Bắc Kạn.
Theo bà Hoàng Thị Thúy, Trưởng phòng Tuyển dụng, hiện công ty triển khai nhiều phương thức tuyển dụng: Trực tiếp, qua mạng xã hội và ký kết hợp tác với các đơn vị cung ứng nhân lực trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt, trong tháng 4 và 5, doanh nghiệp khuyến khích công nhân làm việc tại công ty giới thiệu người thân, bạn bè vào làm với chính sách thưởng nội bộ hấp dẫn; mức thưởng 3 triệu đồng/người. Lao động mới vào ứng tuyển được thưởng ngay 500 nghìn đồng/người. Để thu hút nhân lực, từ ngày 1/3/2025, công ty tăng lương cơ bản cho công nhân từ 5,1 triệu đồng lên 5,5 triệu đồng/người/tháng.
Công ty chi trả các khoản phụ cấp mỗi tháng gồm: Nhà ở (500 nghìn đồng), xăng xe (300 nghìn đồng), chuyên cần (300 nghìn đồng), thâm niên (200-500 nghìn đồng). Riêng ăn ca đang áp dụng mức 19 nghìn đồng/bữa trưa, tối; 7 nghìn đồng/bữa sáng. Ngoài ra, lao động làm đủ 2 giờ tăng ca/ngày được doanh nghiệp thưởng thêm 0,5 giờ/ngày khi tính tiền tăng ca vào cuối tháng.
Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lớn như: Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (47 nghìn người), Công ty trách nhiệm hữu hạn Luxshare-ICT (40 nghìn người), Công ty trách nhiệm hữu hạn Newwing Interconect Technology Bắc Giang (11 nghìn người), Công ty trách nhiệm hữu hạn Crystal Martin Việt Nam (5,5 nghìn người).
Công ty trách nhiệm hữu hạn Onechang Vina (thành phố Bắc Giang) hiện có gần 500 lao động. Để chủ động phương án sản xuất đáp ứng các đơn hàng may mặc xuất khẩu đã ký kết, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển từ 200-300 công nhân với thu nhập cam kết từ 8-18 triệu đồng/người/tháng. Công ty chỉ yêu cầu về sức khỏe, độ tuổi từ 18-40 cho cả nam và nữ. Ngoài tiền lương, lao động còn được công ty chi trả một số chế độ đãi ngộ khác như trợ cấp xăng xe, chuyên cần, thưởng năng suất, con nhỏ, thâm niên, ăn ca.
Toàn bộ lao động mới vào làm việc chưa có kỹ năng sẽ được công ty đào tạo miễn phí sau khi ký hợp đồng. Thời điểm này, hầu hết các doanh nghiệp ngành may mặc đang gặp khó khăn trong tuyển lao động nên ban giám đốc đã họp bàn, đưa ra nhiều ưu đãi như: Thưởng lao động mới lên đến 12 triệu đồng (theo từng bậc tay nghề); thưởng người giới thiệu 3 triệu đồng/1 nhân sự mới. Theo bà Hồ Thị Kim Anh, Trưởng phòng Nhân sự công ty, để bảo đảm tiến độ thực hiện các đơn hàng, ngoài các chính sách thu hút lao động, ban giám đốc chủ trương sắp xếp hợp lý dây chuyền sản xuất, nâng cao năng suất, đầu tư máy móc hiện đại, khuyến khích công nhân cải tiến kỹ thuật.
Kết nối thông tin, thu hút lao động ngoại tỉnh
Thống kê của Sở Nội vụ, toàn tỉnh hiện có 9,6 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, tạo việc làm cho 342 nghìn lao động. Năm 2025, doanh nghiệp có nhu cầu tuyển gần 120 nghìn lao động; bình quân giai đoạn 2025-2030 cần tuyển khoảng 95 nghìn người/năm. Ngành nghề, lĩnh vực tuyển dụng chủ yếu là: Cơ khí, chế tạo máy, thiết bị sản xuất, chế tạo linh kiện và thiết bị điện tử, điện tử công nghiệp, may mặc. Về trình độ, doanh nghiệp cần khoảng 100 nghìn người/năm trình độ phổ thông; còn lại là lao động có bằng trung cấp trở lên.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Crystal Martin Việt Nam tổ chức đao tạo nghề miễn phí cho lao động.
Hiện nay, lao động trên địa bàn tỉnh đến từ 30 tỉnh, thành phố trong cả nước. Nhằm phục vụ nhu cầu nhân lực cho phát triển công nghiệp của tỉnh trong bối cảnh cạnh tranh lao động ngày càng gay gắt, ngày 21/4 vừa qua, Sở Nội vụ ban hành kế hoạch xúc tiến, thu hút lao động đến làm việc tại các doanh nghiệp. Theo đó, từ tháng 5, Sở Nội vụ dự kiến sẽ thành lập 4 đoàn công tác đi xúc tiến thu hút lao động tại một số tỉnh, trường đại học có nhu cầu về làm việc ở Bắc Giang. Cùng đó, quan tâm tổ chức tốt các hoạt động trao đổi, phối hợp tổ chức phiên giao dịch việc làm trực tiếp và trực tuyến, kết nối thông tin tuyển dụng với doanh nghiệp...
Toàn tỉnh hiện có 29 doanh nghiệp dịch vụ việc làm (cho thuê lại lao động) được cấp phép hoạt động. Đánh giá của ngành chức năng, các doanh nghiệp này đã chủ động tham gia hỗ trợ các công ty có nhu cầu tuyển gấp lao động. Đơn cử như Công ty cổ phần Nhân lực AMA (thành phố Bắc Giang), ngoài giải pháp tuyên truyền trên mạng xã hội, đơn vị bố trí nhân lực tham gia các ngày hội, hội chợ việc làm tại nhiều địa phương còn nguồn lao động lớn như: Lạng Sơn, Bắc Kạn, Hà Giang, Tuyên Quang, Điện Biên.
Ông Nguyễn Tiến Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ: “Từ năm 2022 đến nay, bình quân mỗi năm, chúng tôi cung ứng từ 7-8 nghìn lao động cho các khu công nghiệp của tỉnh, chủ yếu là lao động tỉnh ngoài”.
Dự báo những năm tới, nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp tiếp tục tăng cao trong khi nguồn cung ngày càng cạnh tranh gay gắt. Để ổn định thị trường, đáp ứng nguồn nhân lực cho doanh nghiệp đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ từ nhiều phía. Trong đó, các địa phương cần phối hợp đẩy mạnh tuyên truyền giúp lao động có nhu cầu tìm việc nắm bắt thông tin để ứng tuyển.
Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tập trung điều tra, dự báo sát cung - cầu hằng năm; thường xuyên thông tin về nhu cầu tuyển dụng đến các địa phương để lao động dự tuyển; tổ chức nhiều phiên giao dịch việc làm trực tuyến, kết nối với các tỉnh, thành phố có dư địa lao động lớn; quan tâm liên kết dạy nghề theo địa chỉ, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Đặc biệt, Sở Nội vụ tiếp tục phối hợp với Ban Quản lý Các khu công nghiệp tỉnh, các ngành liên quan quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm, cung cấp thông tin chính thống cho lao động có nhu cầu làm việc tại Bắc Giang.
Theo ông Trần Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Nội vụ, cùng với nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan chức năng, giải pháp lâu dài để ổn định nguồn cung nhân lực là doanh nghiệp cần quan tâm cải thiện điều kiện làm việc, có chế độ phúc lợi tốt hơn. Bởi thực tế, muốn thu hút, giữ chân lao động, trước hết doanh nghiệp phải bảo đảm việc làm, thu nhập, đời sống cho người lao động.